Cửu Đỉnh ở Huế đang được Nhà nước Việt Nam xét duyệt để công nhận là một bảo vật quốc gia. Trên bộ tác phẩm nghệ thuật bằng đồng này, phần lãnh hải của Việt Nam đã được cổ nhân lưu lại một cách cụ thể, sống động bằng cả hình ảnh và ký tự.
Lâu nay, biển Đông đã trở thành một vấn đề thời sự chẳng những của Việt Nam mà còn của khu vực và một số nước trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, trong những năm trở lại đây các tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã được công bố ngày càng nhiều, làm cho vấn đề ngày càng sáng tỏ.
Ngoài hàng vạn thư tịch cổ thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam từ nhiều đời về biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hình ảnh biển Đông còn được chạm nổi sắc nét trên bộ Cửu Đỉnh hiện được bảo lưu tại hoàng cung triều Nguyễn bên bờ sông Hương (góc phía tây nam của khu Đại nội).
.
Bản kiểm kê tài sản quốc gia
Cửu Đỉnh là một bộ tác phẩm nghệ thuật bằng đồng gồm chín cái đỉnh to lớn được Bộ Công đúc tại kinh đô Huế vào năm 1836 dưới thời Minh Mạng. Chín cái đỉnh được đặt thành một hàng ngang trước sân Thế Miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn. Mỗi đỉnh đối diện với một gian thờ trong tòa miếu ấy. Riêng đỉnh tương ứng với gian thờ vua Gia Long đặt hơi nhích về phía trước, vì vua Minh Mạng cho rằng đó là vị hoàng đế đã có công khai sáng triều đại.
Ở mặt trước hông các đỉnh đều đúc nổi hai chữ đại tự với chữ dưới là chữ đỉnh và chữ trên là tên gọi tắt miếu hiệu của từng vua. Chẳng hạn như Cao Đỉnh (Cao là miếu hiệu của vua Gia Long), Nhân Đỉnh (Nhân là miếu hiệu của vua Minh Mạng), Chương Đỉnh (vua Thiệu Trị), Anh Đỉnh (vua Tự Đức)…, cứ thế lần lượt theo thứ tự các chữ từ vị vua đầu của nhà Nguyễn là Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ và Huyền.
Đáng chú ý nhất ở đây là 153 hình ảnh được thể hiện xung quanh hông các đỉnh. Ở hông mỗi đỉnh người xưa đã đúc nổi 17 cảnh vật, được phân bố theo một biểu đồ chung: chia làm ba hàng ngang, mỗi hàng gồm một chủng loại. Tại mỗi hình ảnh đều có chữ chỉ tên từng cảnh vật.
Bằng kỹ thuật đúc đồng điêu luyện và nghệ thuật chạm khắc tinh vi, các nghệ nhân thời Minh Mạng đã thể hiện một cách khái quát nhưng súc tích sự phong phú và đa dạng của các cảnh vật tạo nên sự giàu đẹp của Tổ quốc, bao gồm núi sông, lãnh hải, cửa biển, cửa ải, động vật, thực vật, binh khí, xe thuyền...
Nếu ở Nhân Đỉnh có hình ảnh sông Hương thì ở Tuyên Đỉnh có sông Hồng và Huyền Đỉnh có sông Cửu Long. Nếu ở Cao Đỉnh có hình ảnh biển Đông (Đông Hải) thì ở Nhân Đỉnh có biển Nam (Nam Hải) và ở Chương Đỉnh có biển Tây (Tây Hải). Nếu ở Nghị Đỉnh có cửa biển Thuận An (Thuận An hải khẩu) thì ở Thuần Đỉnh có cửa biển Cần Giờ (Cần Giờ hải khẩu) và ở Dụ Đỉnh có cửa biển Đà Nẵng (Đà Nẵng hải khẩu). Nếu ở Cao Đỉnh có cọp trên rừng thì ở Nhân Đỉnh có cá voi dưới biển....
Khi đánh giá cao 153 hình ảnh trên Cửu Đỉnh, một nhà nghiên cứu phương Tây là R.P. Barnouin đã nhận xét bộ hiện vật bằng đồng này “tạo thành một bản tài liệu biểu thị kiến thức bách khoa của các nho sĩ thông thái trong triều đình Huế năm 1836, tài liệu được giữ nguyên vẹn dưới mắt chúng ta, trong khi đó thì những tài liệu khác đã bị tiêu hủy hoặc sai lạc”
(The urns constitute a text expressing the encylopedic knowledge of the learned men of the Court of Hue in 1836, a text preserved intact under our eyes whereas many others have perished or been deformed) (“Les bas- reliefs des urnes dynastiques de Huế”, tạp chí của Hội Nghiên cứu Đông Dương, bộ mới, tập XLIX- 3, 1974, Sài Gòn, trang 426).
Vào khoảng năm 1990, nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy đã nhận định một cách sâu sắc về Cửu Đỉnh trong một bài viết của ông như sau: “Đây là một cuộc triển lãm... xây dựng trên đời sống trí tuệ và tâm linh của cả một dân tộc mà cho đến ngày nay giá trị ấy càng được xác định hơn. Tâm hồn của đất nước truyền thống biểu hiện tài tình... để ca ngợi Tổ quốc hoa gấm, nước biếc non xanh giàu đẹp, vững bền”.
Có thể nói thêm rằng cuộc triển lãm lộ thiên này, trong một chừng mực nào đó, cũng là một bản kiểm kê tài sản quốc gia vào những thập niên đầu thế kỷ 19.
Giấy chủ quyền của dân tộc
Trong những tài sản quý báu nhất của đất nước được thể hiện trên Cửu Đỉnh, có phần lãnh hải của Tổ quốc, mà cụ thể là biển Đông, biển Nam và biển Tây.
Biển Tây là vùng biển nằm ở phía tây của Nam bộ, tiếp giáp với hải phận của Thái Lan, được gọi chung từ xưa là vịnh Thái Lan (Gulf of Siam). Biển Nam là phần lãnh hải nằm ở phía nam của Nam bộ, tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia... Riêng hải phận của biển Đông xem ra rộng lớn hơn nhiều so với hai biển kia.
Các hải phận của nước ta đã được triều đình nhà Nguyễn bấy giờ quan tâm một cách đặc biệt. Hình ảnh biển Đông được thể hiện trên Cao Đỉnh (Gia Long), biển Nam trên Nhân Đỉnh (Minh Mạng) và biển Tây trên Chương Đỉnh (Thiệu Trị) là ba cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất, tượng trưng cho ba ông vua đầu tiên của triều đại.
Cửu Đỉnh ở Huế đang được Nhà nước Việt Nam xét duyệt để công nhận là một bảo vật quốc gia. Trong các giá trị của nó, chắc hẳn người đời nay không ai không quan tâm đến chủ đề lãnh hải mà cổ nhân đã lưu lại một cách cụ thể bằng cả hình ảnh lẫn ký tự trên đó.
Dù đã trải qua 175 năm (1836-2011) với bao cơn bão táp của thiên nhiên và thời cuộc, Cửu Đỉnh vẫn còn đứng vững giữa lòng đất nước. Bộ tài liệu bằng đồng này cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin cần thiết, trong đó có những hình ảnh khẳng định chủ quyền của dân tộc về lãnh hải nói chung, biển Đông nói riêng.
Với giá trị mang tầm quốc gia, hình ảnh này xứng đáng được đưa vào hồ sơ biển Đông của Việt Nam để đấu tranh ngoại giao trên trường quốc tế.
Du lịch, GO! - Theo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét