Có chăng đêm động phòng của người K’ho?

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Đám cưới của đồng bào K’ho, xã La Ngâu, huyện Tánh Linh bây giờ không khác gì đám cưới của người Kinh. Cũng áo xống, váy dài váy ngắn, nhạc đệm ì xèo. Tuy vậy, theo nhiều người già kể lại, đồng bào vẫn giữ một số tập tục riêng trong hôn nhân. Một chút tò mò, chúng tôi đi tìm tập tục riêng đó, chẳng hạn như đêm động phòng...

Ngồi nói chuyện với Bờ Đam Thị Hôm và anh Roòng Đêm ở buôn Tà Pạt, xã La Ngâu trong một buổi chiều trời mưa. Đúng là dạo này đang vào giữa mùa mưa, mưa ở vùng cao có khi kéo dài nhiều ngày, lướt thướt hơn miền xuôi rất nhiều. Tôi đặt vấn đề  tìm hiểu  tập tục cưới hỏi của đồng bào K’ho, vợ chồng chị Hôm nói là sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi mà tôi đưa ra.

Năm 1977, Bờ Đam Thị Hôm 13 tuổi, thấy con gái đã lớn, cha mẹ làm cho một phòng riêng. Hàng ngày theo cha mẹ lên rẫy, Hôm thường hay gặp và nói chuyện với Roòng Đêm, là một thanh niên hơn mình 5 tuổi, mạnh khỏe, siêng năng, nói chuyện cũng vui vui, Hôm thấy có cảm tình.
.
Năm 1979, trong một buổi tối Roòng Đêm tới nhà chơi, Hôm nói Đêm ngủ lại cho vui. Đó chính là đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ.

Đêm đó Hôm mặc váy, trên ngực khoác tấm chăn. Hai người nằm tâm sự, họ nói với nhau nhiều chuyện nhưng chung quy chỉ là những lời tràn ngập tình yêu trai trẻ.
Mặc dù trong bụng rất ưng đụng vào người của Đêm, nhưng Hôm không dám do “sợ người ta đánh giá” - Bờ Đam Thị Hôm nói với tôi như vậy.

Đêm đó, hai người đã thực hiện chức năng giữ gìn nòi giống của loài người như mọi dân tộc khác. Hôm ngủ dậy trước Đêm và không quên lấy đôi dép của Đêm cất vào trong chiếc rương của mình.

Sáng hôm sau, khi Đêm đã về nhà của mình, Hôm lấy đôi dép đưa cho cha mẹ của mình xem, sau đó đưa đến cho người cậu ruột để thông báo vật chứng của việc anh Đêm là người con trai đã ngủ với mình.

Người cậu cầm vật chứng đến nói với  người nhà của Đêm. Nhìn đôi dép, mọi người đều công nhận đó là  của Đêm. Cha, mẹ và cậu của Đêm đồng ý cho Hôm bắt Đêm về làm chồng, nhưng muốn bắt thì phải nộp lễ vật gồm: một con heo 2 đòn khiêng (4 người khiêng), hai ché rượu cần, 25 lá khăn, hai con gà trống.

Năm 1979 là năm mà cả nước đều đói kém, nhà của Hôm cũng khổ như mọi gia đình khác. Dù rất thương cháu gái của mình, nhưng đời sống quá khó khăn, nên người cậu đến nói với nhà trai xin làm lễ “ bắt” thằng Đêm về làm chồng con Hôm nhưng xin làm lễ nhỏ để đãi bà con họ hàng gồm một con heo nhỏ hai tay (vòng hai bàn tay phía sau chân trước con heo) và một con gà trống.

Vợ chồng Hôm và Đêm sống với nhau đến năm 1986, lúc đó đã có năm đứa con, hai người mới tổ chức đám cưới với số lễ vật đúng như đã hứa với nhà trai. Chi phí đám cưới đều do hai vợ chồng làm mà có.

Thực ra, trước đó theo tập tục,  con gái K’ho muốn bắt con trai về làm chồng, phải đến nhà trai ở  một thời gian theo thỏa thuận, có thể ba năm, năm năm hoặc mười năm.

Trong thời gian đó, hai người không được ngủ với nhau. Nếu tự ý ngủ sẽ bị buôn làng  phạt rất nặng. Hết thời gian ở nhà trai, cô gái được quyền ngủ với người con trai ở phòng riêng của mình, rồi thông báo bắt chồng và phải nạp lễ vật theo đúng yêu cầu của nhà trai. Nếu không có đủ lễ vật cũng được quyền bắt nhưng “ xin nợ” đến khi có đủ mới nộp cho bà con nhà trai.

Không hiểu tập tục người con gái phải lấy vật chứng  của người con trai trong đêm đầu tiên làm vợ, làm chồng có từ bao giờ, nhưng đến nay bà con dân tộc K’ho ở xã La Ngâu vẫn giữ. Vật chứng là những đồ dùng hàng ngày của người con trai như: nhẫn, đồng hồ, cái áo, đôi dép…

Hình như  những thế hệ trước đây dù không đuợc đi xa, khỏi cái làng mé núi, nhưng họ cũng hiểu được tính pháp lý trong việc sử dụng vật chứng.

Theo một số người lớn tuổi kể lại, đã từng xảy ra trường hợp anh con trai “xù” bằng cách chối bay, chối biến việc đã ngủ với cô gái khi cô gái quên lấy bằng chứng. Còn nếu người con trai công nhận đã ngủ với cô gái nhưng không chịu cho bắt, sẽ bị buôn làng phạt rất nặng (thường là trâu, heo, rượu cần). Nếu không chịu nộp phạt sẽ khó sống yên với buôn làng.

Anh Phạm Đình Sang, người Kinh, sinh năm 1955 quê ở tận Cần Thơ ra làm rẫy rồi quen và được chị Lê Thị Hơn – dân tộc K’ho ở buôn Tà Lốp, xã La Ngâu bắt về làm chồng.

Anh chị đã có với nhau ba đứa con gái. Dù là người Kinh nhưng anh Sang vẫn phải sống theo đúng tập tục của quê vợ. Con gái anh chị là Lê Thị Phới, sinh năm 1992, Phới bắt chồng năm 2007, đến nay đã sinh được một đứa con gái.

Phới thật thà kể với tôi: “ Sau đêm ngủ chung, cháu lấy của chồng cháu một cái đồng hồ. Khi cháu đưa cái đồng hồ cho bà con của anh coi, ai cũng biết của anh ngay. Khỏi chối cãi gì hết”. Phới nói xong, cả hai vợ chồng ôm nhau cười nghiêng ngã. Tôi cũng góp thêm vài câu đùa giỡn cho câu chuyện thêm vui.

Theo tôi được biết, hầu như bà con dân tộc K’ho ở xã La Ngâu chưa bao giờ biết hoặc nghĩ tới chuyện ly hôn. Cho dù cuộc sống ở vùng cao đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại và vẫn còn vất vả  nhiều. Nhưng tất cả những điều đó không làm thay đổi lòng chung thủy vợ chồng của bà con dân tộc K’ho nơi đây. Đó cũng là điều đáng mừng do họ biết sống và tuân thủ  luật tục tốt đẹp, lâu đời của dân tộc mình.

Du lịch, GO! - Theo Bình Thuận Online, internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc