Phượt là một khái niệm mới mẻ, chẳng biết đã được cho vào từ điển tiếng Việt chưa? Nhưng mỗi lần đi phượt, lại thấy thêm yêu tổ quốc mình…
Yêu những cung đường
Nhiều bạn tâm sự với tôi về lý do đi phượt là để trải nghiệm những con đường. Chợt nhớ câu của một nhà văn: Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi. Và cứ như thế, những thần dân của phượt cứ mê mải với những con đường.
Đường ven biển Nam Định mặn mòi vị biển, đường bờ đê hoang hoải mùi lúa trổ đòng, đường xuống thung lũng sông Nho Quế như sợi chỉ vắt ngang trời, đường lên cổng trời Quản Bạ gấp khúc hình chữ Z, đường đi Y Tý bết bùn bết đất, đường đi Apachải theo sống trâu đỉnh núi…
.
Mỗi con đường là mỗi sự trải nghiệm, mỗi con đường là mỗi thử thách lòng can đảm, kiên cường, sự khéo léo. Đôi lúc thót tim, đôi lúc giật mình, đôi lúc xòe cánh, đôi lúc chửi thầm leader dẫn cung đường xương thế…
Nhưng rồi chỉ để thở phào nhẹ nhõm vì đã đến đoạn “ngon” đường đẹp, thở phào vì không sao, thở phào vì đã về nhà an toàn. Nhưng hơn tất cả, qua mỗi con đường, mỗi đỉnh đèo thấy yêu tha thiết đất nước mình. Để rồi chưa kịp ngỡ ngàng trước Ô Quy Hồ, đã thần phục Khau Phạ hay nghiêng mình phủ phục trước Mã Pí Lèng…
Suy cho cùng, Đất nước mình đẹp thật!
Yêu những con người
Đã đành ở đâu cũng có người tốt-kẻ xấu, đã đành ở đâu cũng có kẻ gian, người ngay, đã đành mỗi lần lên miền núi là một lần xót xa khi “không cho tiền thì không chụp ảnh”…Nhưng vẫn thấy yêu đến thế những con người trên mảnh đất hình chữ S này.
Những đứa trẻ vùng cao lam lũ mà vẫn hồn nhiên, thơ ngây, thấy tiếc động cơ là túa ra xem, thấy đoàn xe cờ đỏ sao vàng diễu hành qua là líu ríu vẫy tay.
Yêu tha thiết ánh mắt trong mà sâu vời vợi của cô bé gánh can nước hai chục lít trên đường Mèo Vạc. Yêu tha thiết cậu bé đan chiếc lồng chim nhỏ xíu trên đường đi Apachải. Và yêu tha thiết những cô bé gùi những bó củi to hơn mình gấp đôi, ba lần…
Chả biết có phải là “nịnh” để được chụp ảnh nhưng mỗi lần có đoàn phượt chuẩn bị lên đường, anh em lại nhắc nhở chuẩn bị kẹo cho những đứa trẻ vùng cao. Có cái gì đó thân thương, có cái gì đó đọng lại nơi em chút quà miền xuôi nơi biên viễn…(chợt thấy chạnh lòng có những đứa trẻ thành phố tiêu hàng triệu đồng vào game online mỗi tháng…)
Áp ảnh những kiếp người, những số phận nơi đỉnh trời, xó núi, những túi quà miền xuôi được dân phượt đèo đi chia sẻ nhiều khi cũng bình dị như thế.
Thân thương những kiếp người nhưng lẩn khuất đâu đó là tình người với người, là tình anh em, nghĩa đồng bào!
Yêu từng tấc đất tổ quốc
Tôi cứ ám ảnh mãi về cái đêm hát quốc ca Việt Nam nơi cột mốc 836(2) ở chân thác Bản Giốc. Tôi cứ thích chụp mãi bức hình từng người trong đoàn lên ôm hôn cột mộc nơi biên cương.
Nhớ những vùng đất mỗi lần đặt chân qua. Này miền Bắc: Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát, chuyến phà dào dạt, bến nước Bình Ca; này miền Trung – nắng gió, núi biển kề nhau; này miền Nam bao la mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh. Mỗi lần đứng ở nơi biên cương vẫn có một cảm giác dần giật chạy dọc sống lưng. Chỉ cách nhau một con sông, dòng suối, chỉ cách nhau một đỉnh đèo, sườn núi đã khác nhau phong thổ, tiếng nói, đã là người mình và người lạ…
Thế mới thấy thấm thía từng tấc đất của giang sơn, mới thấy tự hào về cha ông những ngày xa xưa ấy. Mới thấy thấm thía buổi chiều biên giới: Có nơi nào cao hơn /Như đầu sông đầu suối/Như đầu mây đầu gió như trời quê biên cương.
Cái bắt tay người lính biên phòng nơi cột mốc cứ chặt mãi như chẳng muốn rời. Ánh mắt anh có gì ngân ngấn khi sáu tháng làm bạn với sương mù bao phủ, khi lẩu lâu mới có người xuôi lên thăm…
Nhưng các anh đang canh giữ một phần máu thịt của đất mẹ yêu thương!và tôi hiểu rằng hơn ai hết các anh luôn có trong mình tình yêu với từng phần, từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc.
Du lịch, GO! - Theo KhonggianTre, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét