Tranh Ðông Hồ có từ thời Lê, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Hà Bắc.Theo câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm "Anh đưa em về bên kia sông Ðuống...", đến thị xã Bắc Ninh ngày xưa đây là đất dừng chân của cánh buôn tranh Ðông Hồ,nay chỉ giản đơn là đất dừng chân của người đợi qua phà Hồ.
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh...
Dịp đó các ngày 6, 11, 16, 21, 26, chợ tranh họp 5 phiên trong tháng duy nhất của năm-tháng chạp. Chợ chỉ họp và bán tranh sau khi các gia đình đã sửa lễ cúng thánh.
Tranh đẹp hay không đẹp đều chỉ nhất loạt giữ giá một, người sành chơi có thể tuỳ ý lựa chọn. Không khí Tết chộn rộn không chỉ ở cảnh kẻ bán người mua tấp nập, mà cả bởi vẻ rực rỡ, sắc màu tơi rói cử những bộ tứ bình, Thạch Sanh, những gà, lợn, mèo, chuột, ngựa...
Có thể nói, cái đặc biệt của tranh Ðông Hồ là ở chỗ đó. Tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Huế ... không thể có sắc màu muôn hồng ngàn tía của tranh Ðông Hồ, cũng không thể có nền giáy điệp quyến rũ đó.
Ngời sành tranh Ðông Hồ chính bởi chất dân gian chứa đựng trong tờ tranh nền giấy điệp trắng ngà, lướt nhẹ lượt hoà vàng hay vang đỏ, không khỏi chạnh lòng nhớ tranh Ðông Hồ ngày xưa
Ở cái làng nghèo mà hào hoa như làng tranh Đông Hồ trước đây thường truyền nhau câu ca "Làng Mái có lịch có lề - Có sông tắm mát, có nghề làm tranh" và "Lịch sử cũng thế Đông Hồ". Không khí sầm uất vào cữ một chạp, các thuyền từ xứ Đôn xứ Đoài ghé bến "ăn tranh". Người làng tranh trước ở ngoài đê vào mùa vụ làm tranh cũng phải một sương hai nắng tất bật khuya sớm. Thôi thì chỗ này rậm rịch tiếng chày giã điệp, chỗ nọ dỡ ván in tranh cọ rửa lau chùi sạch sẽ. Khói đốt than lá tre ẩn hiện la đà trên các ngọn cây. Làng Đông Hồ ruộng đất ít, từ cụ già đến con trẻ đều mê và nghiện trà đặc.
Thuốc lào Tiên Lãng và chè móc câu Thái Nguyên là thứ không thể thiếu được trong các đêm làm tranh. Tiếng rít thuốc lào sòng sọc nghe vui tai, nước trà đặc sánh, làm cho đầu óc minh mẫn, tỉnh táo khiến cho nét vẽ, màu vẻ thêm sống động, có hồn có vía. Nhất là nết ăn, nết ở của người lang tranh hào hoa có vẻ hơi cầu kỳ nhưng bao giờ cũng trọng chữ tín và nghĩa tình trong quan hệ xóm giềng. Không biết tự bao giờ đã thành lệ, các cụ làng Đông Hồ được mời đi ăn cổ làng bên chỉ đụng đũa đụng bát cho phải phép, ở nhà vẫn lo cơm canh cất dọn đàng hoàng.
Rượu chỉ uống chén hạt mít, ăn cũng chỉ qua loa dăm miếng thịt là các cụ đứng dậy xin phép gia chủ ra về. Khi có khách xa đến được mời cơm, gia chủ hân hạnh ngồi đầu nồi xới cơm, không đụng đũa cả vào cạng nồi cơm. Người sắp mâm thiếu thức gì biết ý phải đi lấy, không để khách phải g ọi, nếu để sơ suất dễ bị nói! Ngay ông Nguyễn Đăng Sấn được mời ra trường Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu cho lớp sinh viên về dòng tranh Đông Hồ, ngay phút lâm chung ông cũng yêu cầu di hài mai táng tại quê nhà nơi ông gắn bó với làng tranh một đời. Và ông Sần nhất định đòi cậu con trai chuyển bằng được bộ sưu tập ông đã dầy công sưu tầm cho anh Trần Nhật Tấn người trong họ như muốn truyền lại cái tinh hoa của dòng tranh Đông Hồ đến người tâm huyết:
"Chỉ có cậu Tấn mới có khả năng tiếp thu được, tôi cho cậu để phát huy cái hay, cái đẹp của dòng tranh ông cha để lại" Nghĩ kể cũng lạ, bất cứ người làng Hồ đi làm ăn xa về xin ván tranh khắc, các cụ nghệ nhân trong làng nhất định không cho. Ngay cả dân làng Hồ chuyên sản xuất tranh nhưng chẳng bao giờ treo trong nhà mà đem bàn hoặc cho thiên hạ hết. Người làng ra Hà Nội sinh sống làm ăn tập trung quanh chợ Đồng Xuân làm lại nghề lâu rồi và do đó quen gọi là phố Hàng Mã. Mà cũng chỉ làm hàng mã thật chứ tịnh không thấy sản xuất tranh như ở làng Đông Hồ.
Nghề làm tranh trong làng rất được trọng vọng; ai có hoa tay, có thú chơi cầm, kỳ, thi, họa đều được mọi người vị nể (cũng là theo cái thú tao nhã của nhà nho xưa). Làng tranh cũng trải qua biết bao nhiêu thăng trầm. Các cụ nghệ nhân trong làng kể lại: Hồi Pháp thuộc, người ở nhà Bác Cổ thỉnh thoảng lại đánh xe ô tô về mua tranh, thậm chí mua cả bản khắc tranh nữa! Nhà cụ Lử có bản khắc tranh gà rất quý đưa đi đóng cửa chuồng gà, người Pháp phát hiện ra hỏi mua cụ bán liền. Nghĩ mà tiếc đứt ruột!
Lại còn nhớ cái thuở Tây càn, dân làng Hồ chạy loạn, binh lửa chiến tranh liên miên và cái khí hậu ẩm ướt khắc nghiệt của thiên nhiên miền Bắc, ván khắc tranh bị hỏng và thất lạc khá nhiều. Bản gốc tranh Đánh ghen, Gà đại cát, lợn ăn lá dày... cũng không còn nữa. Sau ngày Hòa Bình lập lại thấy trên báo Pháp có in tranh dân gian làng Hồ, Chính phủ ta phải liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp xin cho khắc lại ván tranh để bảo tồn.
Tranh Đông Hồ có một dạo lên đến điểm "cực thịnh", đã từng sáng giá trong các triển lãm nghệ thuật lớn ở các nước trên thế giới với nét vẽ nhuần nhụy, tươi tắn như hồn người đất Việt. Bà con Việt kiều khi về nước cũng phải tìm mua bằng được những "bức tranh làng Hồ và cô Tố Nữ dáng quê hương" (Thơ Chế Lan Viên) để khi ở xa quê trong sương mù Luân Đôn hay cái giá lạnh của Pa-ri hoa lệ, cảm thấy ấm lòng ở chốn tha hương.
Thực trạng của làng tranh bây giờ ra sao? Cũng khó tìm ra được lời giải đáp cụ thể nếu Nhà nước không đứng ra đầu tư và tiêu thụ. Có một dạo Xuhasaba (Hà Nội) nhận đặt và xuất khẩu với số lượng tranh lớn cũng làm nức lòng người dân nơi đây vì giá thành tranh không đắt lắm. Nhu cầu vài năm gần đây thay đổi, cứ mạnh ai nấy làm. Người làng tranh bây giờ nảy sinh tâm lý: ai đặt thì làm, nhiều khi với số lượng tranh quá ít cũng không muốn làm. Thi thoảng lắm cũng có nơi về làng tranh đặt vài nghìn tờ, không sản xuất được thường xuyên nên cũng khó tổ chức sản xuất tranh được đều đặn trong năm, ảnh hưởng đến thu nhập của người làm tranh.
Các nghệ nhân như cụ Thúc, ông Sâm, ông Lăng... có tay nghề cao và kinh nghiệm, đều mắt mỏi tay run hoặc dần dần khuất núi cả. Lại nhớ đến ông Lý Lăng, hơn mười năm trước tôi và anh bạn về thăm ông trong ngôi nhà tranh bốn gian tường vách tranh đạm. Ông là nghệ nhân vẽ mẫu tranh nổi tiếng làng Đông Hồ theo kinh nghiệm. Nghĩa là vừa làm vừa học... Cứ bắt chước, cứ học hỏi dần. Nhà này nhờ vẽ mẫu tranh này, nhà khác gọi giúp mẫu tranh khác...
Cũng là tình xóm giềng, ông chẳng tiếc sức, tiếc công! Ngoài việc sáng tác mẫu tranh, ông còn truyền đạt kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho lớp trẻ học hỏi. Chẳng hiểu bây giờ còn bao nhiêu người cụ đã truyền nghề cho, "trụ lại" được với nghề trước thủ thách của cơ chế thị trường khắc nghiệt, nhất là đối với một dòng tranh như dòng tranh Đông Hồ...
Dẫu người làng tranh có làm tranh đi nữa cũng phải chạy theo thị trường, nghĩa là khi pha màu chủ yếu là bột goát để giá thành được rẻ... Còn đâu như thủa nào tranh làng Hồ giữ nguyên được sắc màu tươi tắn, nhuần nhụy của các màu lấy từ... cây vườn, nội cỏ! Họa chăng tranh làng Hồ còn giữ được sắc thái tự nhiên (theo nguyên nghĩa của từ này) chỉ còn được chiêm ngưỡng ở Viện bảo tàng và các sưu tập tư nhân mà thôi! Mà sức sống của tranh dân gian này chủ yếu phản ánh tâm tư nguyện vọng của người lao động. "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp", một nhà thơ xứ Bắc đã từng viết như thế.
Chỉ cần vài tờ tranh cuộn lại bên cạnh nải quả cúng tổ tiên và dán treo trên vách nứa tường tre cũng làm nhẹ nhõm thư thái lòng người khi tết đến và nguôi đi nổi nhọc nhằn cấy hái trên đồng ruộng! Đấy là chưa kể những khu du lịch ở khắp đất nước ta nếu tiêu thụ được cũng là có dịp để giới thiệu cho bạn bè năm châu thấy cái hay, cái đẹp của tranh dân gian, phần nào góp phần xây dựng đời sống văn hóa trên cơ sở tìm về cội nguồn dân tộc.
Bây giờ ở làng tranh Đông Hồ này có lẽ hiếm có ai lại mê vẽ như anh Trần Nhật Tấn. Thới buổi của cơ chế thị trường, hầu như cả làng đổ xô vào làm hàng mã, cũng vốn là "mặt hàng" truyền thống trước đây. Thôi thì đủ loại: hoa tai, đồng hồ, nhà táng, hon-da, "cúp" giấy. Rẻ cũng mươi đồng, đắt cũng đến hàng trăm nghìn... tùy theo nhu cầu người đặt mua. Làng thường giao cho người bán buôn đi Hà Nội.Còn tranh Đông Hồ một thời nổi tiếng của dòng tranh xứ Bắc, kỹ thuật công phu, giấy đắt, đủ các loại màu lấy từ chất liệu tự nhiên, tiêu thụ lại khó. Người sành tranh lắm băy giờ mới dám chơi tranh Đông Hồ, chứ không như ngày nào tranh bày bán trên mẹt quê khắp các chợ Phủ Thuận và ở nhiều nơi khác.
Dạo qua các hè phố cứ thấy tranh Tàu, tranh Thái bày treo la liệt trên các quầy sách báo và văn hóa phẩm như lấn áp người xem, người mua. Lâu rồi chúng tôi mới có dịp trở lại làng Đông Hồ, thăm anh Tấn, quanh cảnh xóm thôn nghe chừnh đổi khác nhưng nét chân tình trong con người anh vẫn như xưa.
Vẫn giọng nói hồ hởi khi anh nói về tranh và lật giở tờng tranh cho chúng tôi xem, nghe anh giảng giải kỹ thuật vẽ tranh mới càng thấy biết bao công phu trong nghề. Có hôm trời nắng nóng độ khô ẩm tăng phải gia giảm màu cho phù hợp với độ xốp của tranh. Quấy hồ đặc quá, giấy cong vênh như bánh đa quá lửa, không in tranh được...
Rồi kỹ thuật khắc ván tranh, chế tạo màu từ lá tre, rỉ đồng, hoa hòe, vỏ điệp... Anh Tấn tâm sự: "Nhà đông, tôi cũng phải cho các cháu làm thêm hàng mã để sống. Nhưng mình không l à m tranh nữa mà để mai một dòng tranh thì thật tuổi hổ với ông cha, các anh ạ! nhiều khi tôi dành hẳn một gian buồng trong nhà để sáng tác mẫu tranh. Gian ngoài cho các cháu làm hàng khỏi bề bộn và đỡ bận tâm đến không khí sáng tác của mình. Kinh tế gia đình từ những năm kinh tế cũng đỡ nên tôi cũng có điều kiện vẽ tranh hơn".
Do chịu khó học hỏi và yêu nghề làm tranh dân gian, anh Tấn được các cụ nghệ nhân trong làng "truyền nghề"cho. Các loại tranh in ván, tranh khắc, trổ lé... anh đều nắm vững và xử lý kỹ thuật làm tranh thuần thục. Những năm trước anh Tấn đã được tín nhiệm phụ trách tổ làm tranh Đông Hồ gia công cho Nhà nước theo chủ trương phụ hồi dòng tranh dân gian. Các nhà nghiên cứu nghệ thuật Vương Như Chiêm, Chu Quang Trứ, khi về Đông Hồ đều tìm đến anh Tấn để hiểu ngọn ngành của dòng tranh "độc nhất vô nhị " này...
Nhiều đoàn khách nước ngoài: Nhật, Tiệp, Thụy Điển, I-ta-li-a, Mỹ, Đức... qua sự trình bày của anh Tấn đều viết bài ca ngợi vẻ đẹp của làng tranh với sức sáng tạo dồi dào của các nghệ nhân trên các báo và tạp chí nổi tiếng của thế gjới. Anh Tấn đã sáng tác hàng trăm tranh, có nhiều tranh chưa đưa ra xuất bản, biểu hiện công phu tìm tòi xử lý chất lượng trong tranh dân gian. Các tranh "Bắt sống giặc lái Mỹ", "Bác Hồ về thăm làng" đã được bảo tàng mỹ thuật Việt Nam bày treo trang trọng và in trong các vựng tập là niềm vui của anh trên đường tìm về với những giá trị văn hóa dân tộc.
Nét say mê nghệ thuật ấy chưa bao giờ giảm, mặc dù anh sắp vào tuổi sáu mươi. Anh vẫn cất công ra các phố phường Hà Nội để sưu tầm bộ tranh Bát tiên và Tố nữ cổ mà lâu nay thất lạc. Có lẽ mong muốn hơn cả trong anh là tỉ nh Hà Bắc và Bộ Văn hóa thông tin sớm ra đời Trung tâm tranh Đông Hồ để khôi phục và phát triển dòng tranh dân gian đang có nguy cơ bị mai một.
Du lịch, GO! - Theo CGTĐT Bắc Ninh, ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét