Rời khỏi phố cổ Đồng Văn, thung lũng Sà Phìn hiện ra dưới rừng sa mu cổ thụ. Những mái nhà của dinh vua Mèo hoang lạnh trong sương chiều. Xuôi dốc Chín Khoanh về tới Yên Minh, màu xanh của rừng thông đã bắt đầu thay dần màu đá tai mèo xám xịt.
Con đường thảo quả
Tam Sơn duyên dáng bên cạnh hai quả núi đôi gần sát huyện lỵ Quản Bạ. Chưa đến mùa nhưng chợ Tam Sơn đã thơm lừng mùi thảo quả trong những hàng khô. Hẳn nhiên, con đường thảo quả Tam Sơn – Tùng Vài – Lũng Vài – Cao Mã Pờ chưa đến mùa nhộn nhịp nhưng những cô gái người Dao vẫn gùi thảo quả khô để dành ra chợ phiên Tùng Vài bày bán. Con đường thảo quả từ Tam Sơn vào Lũng Vài gập ghềnh bên vách núi.
Cao Xuân Nghì, chủ tịch xã Lũng Vài nhiệt tình nói: “Tôi phải đưa các anh vào rừng thảo quả. Nếu không lạc qua đất Trung Quốc là cái chắc!” Bản Thăng, trung tâm của thảo quả Lũng Vài khá bằng phẳng không khác gì những ngôi làng ở đồng bằng. Con đường đất hẹp dẫn vào khe Nước Lớn bỗng bất ngờ dựng đứng.
.
Rừng nhiệt đới tầng dưới ẩm nhiều cây dương xỉ và rêu phong. Mất bốn tiếng đồng hồ trèo núi, cánh rừng bỗng dậy lên mùi thảo quả. Bạt ngàn thảo quả dưới tán rừng già đang mùa nảy mầm, ra hoa đỏ chói. Không một chút nắng xuyên qua nhưng giữa rừng hoa như thắp lửa sáng. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một lán trại của những người làm thảo quả đang đóng kín cửa. Cao Xuân Nghì khoe: “Thảo quả bản Thăng đứng đầu cả vùng. Hơn 500 hecta.
Mùa thu hoạch thảo quả tháng 8 mà các anh vào rừng thì vui lắm. Cả bản sống ở trong rừng hàng tháng trời để hái rồi đốt lửa sấy khô. Đêm đêm rừng thảo quả dậy tiếng hú gọi nhau í ới!” Từ bản Thăng, con đường thảo quả Quản Bạ xuyên qua Cao Mã Pờ ra chợ phiên Tùng Vài ngày thứ năm và con đường chính của thảo quả đi qua Trung Quốc, nơi người dân ở đó có nhu cầu dùng thảo quả trị bệnh hoặc làm gia vị trong thức ăn hàng ngày. Thảo quả thuộc họ gừng, được nhắc đến từ lâu trong các bài thuốc. Sách Bản thảo chính nghĩa ghi: “Thảo quả vị cay, tính ôn táo. Thiên về trừ hàn thấp mà ôn táo trung cung cho nên thảo quả là vị thuốc chủ yếu để trừ hàn thấp ở tỳ vị.
Ở vùng rừng núi, khí độc sương mù đều là loại âm thấp tà, dễ làm tổn thương chính khí, muốn trừ khí độc phải dùng loại ôn táo…” Chúng tôi ăn trưa ở bản Thăng khi rời rừng thảo quả. Ông Sơn, một người trồng thảo quả nổi tiếng, trên đường về vừa đi vừa bứt rau rừng và bẻ măng thảo quả. Món chân giò nướng thảo quả và măng thảo quả xào thịt treo sẽ còn theo mãi trong ký ức của tôi với mùi vị nồng nàn thơm thảo của những người Nùng, người Dao sát vùng biên giới xa xôi. Bản Thăng – chúng tôi ước mơ sẽ trở lại đây trong mùa thảo quả để nghe mùi thơm dậy lên và những tiếng cười giòn tan lấp ló dưới tán rừng xanh mướt.
Người Pà Thẻn bí ẩn
Chia tay Quản Bạ ở Cổng Trời. Địa điểm nổi tiếng này không mang lại ấn tượng gì bởi chúng tôi đã đi theo con đường từ trên cao xuống thấp. Ở bên dưới Cổng Trời có một điều thú vị đang háo hức vẫy gọi: tộc người Pà Thẻn bí ẩn ở huyện Quang Bình của Hà Giang. Pà Thẻn còn có tên khác là Pà Hưng, Mèo Lài, Bát Tiên tộc… dân số chỉ khoảng 7.000 người. Năm 2008, cô gái Phù Thị Thiên đã làm ngạc nhiên người Hà Nội bằng lễ hội nhảy lửa giữa thủ đô. Khi chúng tôi tới bản My Bắc, thật không may Phù Thị Thiên không có ở nhà. My Bắc là nơi sống tập trung của người Pà Thẻn với nhà đất có bờ rào cây sạch sẽ ngăn nắp.
Từ bốn giờ chiều, thầy cúng Sìn Cao Phong đã cho thanh niên trai tráng chất một đống củi to, cao gấp đôi đầu người trước sân trường tiểu học. Rất đông trẻ con, người già tụ tập tới đây hứa hẹn một đêm nhảy lửa hết mình. Ngoài 60 nhưng thầy cúng Sìn Cao Phong trông vạm vỡ trai tráng. Ông học nghề cúng từ người bố suốt chín năm và trải qua ba giai đoạn thử thách nghiêm ngặt cam go còn hơn cả các sư chùa Thiếu Lâm luyện tập.
Những người Pà Thẻn biết nghề cúng nay đếm không quá trên đầu ngón tay. Khi mặt trời vừa xuống núi, thầy Phong ngồi vào bàn làm lễ cầu thần linh xin nhảy lửa với lễ vật đạm bạc một nén hương, một con gà và mười chén rượu. Lễ cúng diễn ra khá lâu, ngọn lửa được châm lên trước khi ông ngồi vào cây đàn sắt hình chiếc ghế với hai thanh gõ nhạc cụ cũng bằng sắt. Âm thanh lời chú kỳ bí quyện với tiếng gõ kim loại huyền hoặc lúc bổng lúc trầm.
Đám thanh niên, thiếu niên tham gia nhảy lửa bắt đầu ngồi bệt xuống đất quanh thầy cúng, mắt nhắm nghiền. Ban đầu họ ngồi xa, sau dịch sát lại gần, vây quanh thầy cúng. Đống lửa to sắp biến thành một bãi than hồng. Bỗng nhiên, một thiếu niên trong bọn mắt lờ đờ, nhảy cẫng lên kỳ quái như những con cóc, chồm tới giật lấy một thanh sắt trên tay thầy cúng ngồi đối diện trên chiếc ghế và gõ. Chiếc ghế rung bần bật theo nhịp điệu dồn dã. Có tiếng reo: “Nhập rồi! Nhập rồi! Thần đã về…
” Tích tắc sau, thiếu niên nhảy giật cục khỏi ghế, lao mình vào đám than hồng trong tiếng vỗ tay và tàn lửa tung toé. Sau màn dạo đầu, những chàng trai tham gia nhảy lửa lần lượt đờ đẫn giật lấy thanh sắt gõ gióng giả rồi lao vào than hồng. Thầy cúng vẫn điềm nhiên ê a. Đám nhảy lửa đông dần, đông dần. Những chàng say lửa nhào lộn trong đống than đỏ chói, bốc từng vốc lửa đỏ tắm lên đầu, chà vào mắt… Họ nhảy qua nhảy lại, tắm tưới trong lửa hồng như tắm nước lã bình thường và cuối cùng thoát ra ngã vật xuống đất sùi bọt mép bất tỉnh nhân sự!
Buổi chiều, thầy cúng Sìn Cao Phong nói ai cũng nhảy lửa được nếu thần nhập. Chỉ cần mắt tập trung nhìn ngọn lửa, tai tập trung nghe lời chú chừng hơn một tiếng đồng hồ. Khi thấy đống lửa màu hồng chỉ còn lại một đốm xanh lét bằng quả trứng, cảm giác “thèm lửa” sẽ xuất hiện. Một lực đẩy vô hình lôi cuốn người đã nhập nhảy vào mà không bị thương tích. Nhảy lửa chỉ toàn đàn ông, thiếu niên dễ nhập hơn người lớn, người yếu bóng vía cũng mau nhập hơn. Ngày xưa, người Pà Thẻn tổ chức nhảy lửa để cầu may, mừng mùa vụ mới. Dân tộc nhỏ bé này còn nhiều lễ hội thần bí thú vị khác mà chưa ai giải thích được.
Du lịch, GO! - Theo SGTT, ảnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét