Một quần thể hang dơi sâu thăm thẳm với nhiều bí ẩn vừa được phát hiện ở Khu du lịch -di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh quốc gia cụm thác Dray Sáp - Gia Long.
Trong một lần đi tuần tra bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sáp (BQLRĐDCQ) thuộc xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô đã phát hiện một quần thể hang dơi ở tiểu khu 1246 còn rất hoang sơ, chưa ai đủ sức vào sâu để khám phá. Gần đây, chúng tôi đã được các nhân viên của BQLRĐDCQ dẫn đi khám phá nơi này, một thắng cảnh còn nhiều bí ẩn nằm trong khu vực cụm thác Gia Long - Đray Sáp, thuộc xã Đắk Sô (Krông Nô).
Gần một giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi mới đến được điểm dừng chân rẽ vào hang dơi. Khi đôi chân của tôi không còn nhấc nổi nữa thì anh Trần Xuân Quang, cán bộ quản lí bảo vệ rừng đưa tay chỉ và nói: “Hang động đây nè”.
Vừa dứt lời, anh chỉ cho thấy miệng hang lộ rõ, với những phiến đá tổ ong nằm chễm chệ trên nền đất như các vị thần canh gác cửa. Anh Quang nhanh nhẹn bám cây rừng leo xuống và rọi đèn pin để giúp cả đoàn nhìn rõ đường đi xuống hang.
Trong không khí mát rượi, âm u, đầy hơi nước, phảng phất một mùi đặc trưng làm cho mọi người biết đây chính là hang dơi.
Trong không gian tĩnh lặng như tờ, tối mịt, một chút ánh sáng phát ra từ vách đá như làm tăng thêm sự huyền bí của hang động. Ánh đèn pin yếu ớt, bước chân nhẹ nhàng của chúng tôi đã đánh thức đàn dơi, làm chúng bay loạn xạ. Thu hút nhất là những tảng đá muôn hình, muôn vẻ, có tảng hình thoi, hình trụ, hình tam giác, có tảng dài thẳng tắp như một khẩu đại bác khổng lồ nằm xếp chồng lên nhau. Những dải nhũ thạch chảy dài từ trên cao xuống nền hang, tạo nên những hình thù kì dị như minh chứng sự kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên.
Phần giữa hang, vòm động được nâng cao, sâu hút như một cung điện trong huyền thoại mà chưa ai có thể khám phá hết bí mật của nó. Từ trên cao, những hạt nước nhỏ xuống rơi tí tách, đều đặn, nhẹ nhàng, thánh thót, hợp thành âm thanh êm dịu. Để giải thích thêm sự huyền bí của hang động, anh Hà Công Tụng, cán bộ kiểm lâm đi cùng kể: “Hang động này sâu lắm, nên ít người khám phá. Những người dân sống xung quanh khu vực này chưa có ai vào vì họ cho rằng trong hang có rất nhiều loài trăn, rắn dữ, sống hàng chục năm. Nếu ở đây quy hoạch và xây dựng một cách hợp lí thì sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch”.
Hang dơi ở đây có tự bao giờ, hiện chưa có câu trả lời chính xác, nhưng theo một số người dân bản địa thì nó là một miệng của một ngọn núi lửa có tên là Chư Blúk. Ngày xưa, trong thời điểm khó khăn, vua Gia Long cùng đoàn tùy tùng đã từng kéo nhau lên chốn rừng thiêng nước độc này lẩn trốn và đã trú ngụ ở hang động này suốt một thời gian dài. Cũng vì lẽ đó mà con thác đẹp hùng vĩ ở gần hang được đặt tên là thác Gia Long. Theo Ban quản lí rừng đặc dụng Đray Sáp thì hằng ngày có hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan và ngắm cảnh hang động này.
Một số vị khách hiếu kì đã đi sâu vào hang, nhưng cũng chỉ được vài chục mét rồi quay ra, nên hiện tại những gì liên quan đến các hang động này vẫn là một dấu chấm hỏi. Xung quanh các hang động này chằng chịt dây leo, lối vào các cửa hang còn hoang sơ như thuở hồng hoang.
Anh Tụng cũng cho biết thêm: “Hang dơi ở đây nhiều lắm, cách mấy chục mét lại có một cái, chồng chéo, liên hoàn tạo nên một quần thể hang động huyền bí. Chúng tập trung chủ yếu ở tiểu khu 1246, nhưng chưa được quy hoạch để khai thác thành một điểm thu hút khách du lịch. Trong hang có vô số ngõ ngách, không biết chỗ nào là tận cùng, đá xếp thành từng chồng, tạo cảnh quan rất độc đáo…”.
Hang dơi, một địa điểm độc đáo còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, hấp dẫn, ẩn chứa một tiềm năng du lịch lớn. Hy vọng vào một ngày không xa, hang dơi ở khu du lịch Đray Sáp sẽ được đầu tư, khai thác, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.
Du lịch, GO! - Theo báo DacKnong, Datviet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét