Chùa Diên Hựu, hay còn gọi là chùa Một Cột được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng mười (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049. Hiện, chùa Một Cột đang bị xuống cấp nghiêm trọng và thiếu sự quan tâm từ các cấp.
Tính đến nay ngôi chùa này đã gần 1.000 năm và là biểu tượng văn hóa - tâm linh thiêng liêng, niềm tự hào của người dân cả nước.
Xin trùng tu từ 2 năm trước…
Trụ trì chùa Một Cột, Đại đức Thích Tâm Kiên cho biết: "Mỗi ngày chúng tôi tiếp đón khoảng 1.500 - 3.000 lượt khách. Các du khách từ các nơi trên mọi miền đất nước. Đặc biệt khách nước ngoài họ rất quan tâm đến chùa Một Cột. Tôi về đây làm trụ trì chùa từ năm 1992 nhưng mới chỉ có 3 lần chỉnh trang chùa vào năm 1995, 1997 và gần đây nhất là chỉnh trang chùa đón chào Đại lễ nghìn năm Thăng Long".
.
< Mái ngói bị xô dạt...
Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, hiện tại chùa Một Cột đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Do mái ngói chùa bị xô dạt không chỉ gây mất mỹ quan mà mỗi khi trời mưa gây tình trạng dột ướt xuống khu vực bên trong chùa và có nguy cơ bị sụp xuống. Tại nhà thờ tổ mỗi khi trời mưa, nước trên mái nhà chảy xuống các pho tượng, ông phải lấy nón ra để che lên cho đỡ ướt. Nền nhà lênh láng nước. Ngoài chùa Một Cột do địa thế nằm ở chỗ trũng khi mưa xuống nước dồn về, gây ngập úng nghiêm trọng - các pháp khí được bảo vệ bằng cách dùng nilông che tạm. Nhiều vị trí của nhà chùa bị dột nát rất cần được tu bổ.
< Sân chùa trở thành hồ nước mỗi khi mưa.
"Chúng tôi đã gửi đơn trình lên lãnh đạo UBND TP Hà Nội, xin được nâng cấp những hạng mục mà hiện nay đang bị xuống cấp trầm trọng. Trước mắt là tôn nền nhà thờ tổ và bề mặt của chùa Một Cột tránh ngập úng khi mưa bão. Chúng tôi đã xin trùng tu chùa cách đây 2 năm nhưng đến nay dự án nâng cấp tu bổ chùa Một Cột vẫn dậm chân tại chỗ", vị Đại đức này cho biết.
Mất nửa năm mới họp xong
< Chùa Một Cột (1922)
Ông Vũ Kim Khánh, phó giám đốc Ban quản lý Dự án quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: Từ năm 2010 UBND quận Ba Đình đã giao cho chúng tôi lập đề cương: "Dự án nâng cấp chùa Một Cột". Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi chuẩn bị trình lên lãnh đạo quận để xin phép thực hiện. Xin ý kiến của UBND TP Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa, Ban quản lý Di tích lịch sử của thành phố về những phương án thực hiện trùng tu lại chùa Một Cột. Trước khi thống nhất các phương án đó chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, trong hội thảo sẽ lấy ý kiến của các nhà sử học, văn hóa, kiến trúc.
Vẫn theo ông Khánh, Chùa Một Cột có vị trí đặc biệt quan trọng, nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ đảo một viên ngói cũng phải xin phép đầy đủ các cấp các ngành. Làm theo quy mô nhất định, chứ không thể làm bột phát, riêng lẻ. Đây cũng là vấn đề mang tính tôn giáo, nên phải làm từng bước, từng công đoạn và phải có lộ trình. Khi làm phải hết sức thận trọng, nghiêm túc chứ không được vội vàng.
Theo kế hoạch đến trung tuần tháng 9 này sẽ tiến hành họp giữa các ban ngành để thống nhất ý kiến cho việc trùng tu chùa Một Cột. Dự kiến sẽ phải mất nửa năm mới có thể lấy đầy đủ các ý kiến của các ngành, lĩnh vực xung quanh việc trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột.
Chùa Một Cột đã được chọn làm một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Năm 1962, chùa được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và năm 2006 kỷ lục GUINESS Việt Nam xác nhận là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất nước ta.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Datviet, Hanoi online và vài nguồn ảnh khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét