Huyện chưa bao giờ có đám cưới!

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Cuộc sống của người dân trên đảo Phú Quý (Bình Thuận) ngày nay đã có nhiều thay đổi, khấm khá, hiện đại nhưng việc tổ chức cưới hỏi của những đôi trai gái trên đảo vẫn chưa hề xảy ra.

< Nhìn từ núi Cao Các.

Huyện đảo Phú Quý có lẽ là huyện duy nhất trên đất nước ta không có đám cưới. Cụ Hai Dương (xã Đông Hải) cho biết: Hơn 80 tuổi mà tui chưa ăn đám cưới ai trên đảo bao giờ… Có lẽ tập tục này bắt nguồn từ thuở xa xưa khi những cư dân đầu tiên phát hiện ra đảo và định cư tại đây.

Đảo Phú Qúy rộng 16,4 km², gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ, nằm cách TP Phan Thiết 56 hải lý về phía Đông. Huyện đảo có 3 xã Ngũ Phụng, Tam Thanh và Đông Hải bao quanh còn có nhiều hòn nổi lớn, nhiều bãi biển, gành đá, vịnh hoang sơ rất đẹp.

< Núi Cao Các nhìn từ Gành Hang.

Những năm trước đây, khi ghe thuyền ra đảo mỗi tuần một chuyến, đảo gần như biệt lập với đất liền. Dân trong Phan Thiết, Phan Rí gọi người ngoài đảo là dân Hòn. Tiếng nói, âm điệu rất khó nghe. Chưa nói đến vốn từ vựng sử dụng rất nhiều phương ngữ và từ cổ.

Hồi năm 80 thế kỷ trước, một tàu vượt biên cập vào đảo Phú Qúy mà cứ tưởng đã ra nước ngoài. Trên đảo không có xe cộ, thời tiết hanh hao lúc nào cũng vàng ươm như mùa thu, tóc của đàn ông nắng gió biển làm vàng hoe, đỏ quạch, nghe giọng nói lạ của người dân khiến cho những người vượt biên cứ tưởng đang đến một đảo quốc nào đó.

< Vịnh Ông Tỉnh trong nắng chiều.

Hỏi thăm đường đến… trụ sở cơ quan công quyền, dân trên đảo nghe câu được, câu không nên chỉ đại về phía doanh trại Tiểu đoàn 475 của Tỉnh đội Thuận Hải cũ đóng quân trên đảo. Cả thuyền vượt biên đều bị bắt giải về đất liền.

Có thể do cuộc sống biệt lập, thường xuyên đối mặt với thiên tai, khắc nghiệt và cực khổ mưu sinh trên biển nên các tập tục truyền thống không được chú trọng và không lưu truyền.

Tục cưới hỏi trên đảo Phú Quý rất đơn giản gần như không ai để ý đến. Trước đây trên đảo không có đường nhựa, không có xe ô tô, gắn máy nên khái niệm “lên xe hoa” càng không thể có.

< Bãi biển Phú Quý.

Những chàng ngư dân khỏe mạnh khi đến tuổi trưởng thành, sẽ được các cô gái quan tâm đến với những thành tích như: lặn sâu, lâu nhất, đánh cá giỏi, câu mực nhiều, hoặc giả bị bão tố vẫn sống trên biển nhiều ngày…

Nếu để ý, nhớ nhung một cô gái, không cần mai mối dạm ngõ như các nơi, chàng trai trình bày với cha mẹ, người thân hoặc với chủ ghe nếu không còn người thân. Nhân dịp nhà bên cô gái có tiệc tùng, đám giỗ nhà trai sang “đánh tiếng” . Tục lệ ở trên đảo gọi là “nói chừng”. Nghĩa là đề cập việc con cái muốn thành vợ chồng. Việc này không cần bất cứ lễ vật hay nghi lễ gì cả. Cộng đồng cư dân trên đảo không đông, không bị chi phối bởi tác động từ bên ngoài nên các gia đình đều rất biết nhau, quen nhau như trong đại gia đình. Con ai, nhà ai, ghe ai tất cả đều rành rẽ.

< Một góc đảo nhìn từ trên núi.

Nếu nhà cô gái đồng ý, thì chính thức ngay sau đó, chàng trai đã có thể đến nhà gái để ngủ. Không cần nghi lễ động phòng hay tuần trăng mật, những cặp uyên ương trên xây tổ rất tự nhiên, rất đơn giản như biển và thuyền ghe không thể thiếu nhau.

Cô gái cũng chính thức trở thành vợ anh chàng kia mà không cần tốn kém, thách cưới gì cả. Rất ít có đám từ chối lời “nói chừng” của nhà trai. Vì các điều kiện cần và đủ đã hội tụ, nên việc “nói chừng” là cái cớ để xác lập hôn nhân.

Thông thường nhà có con gái bao giờ cũng dành buồng riêng. Nếu gia đình khá giả có thể cho luôn căn nhà riêng cho hai bạn trẻ xây tổ ấm. Chàng rễ ban ngày làm việc bên gia đình mình, tối về ngủ với cô dâu. Nếu hai bên gia đình có công việc, hoặc giỗ kỵ, dựng nhà mới…thì sang “mượn” cô dâu, hoặc chú rễ về nhà giúp vài hôm tùy theo công việc.

< Đảo Ngọc Phú Quý.

Thời gian “ngủ bên nhà vợ” nếu xảy ra những mâu thuẫn, hay phát hiện sự rạn nứt, bất ổn nào đó trong hạnh phúc, tình yêu chàng trai có thể “chia tay” mà không cần phải hòa giải hoặc ly hôn.

Cũng không hiếm những trường hợp sau thời gian chung sống rất ngắn ngủi, các cô vợ “sa thải” chồng vì những lý do không thể chung sống lâu dài. Bao giờ thì cô dâu về sống bên nhà chồng? Câu trả lời: bao giờ cũng được nhưng có điều kiện.

< Bãi biển hoang sơ.

Nhà chồng cảm thấy cần có con dâu chung sống, phải được con dâu đồng thuận thì chọn dịp nhà bên gái có giỗ kỵ, tiệc vui sang trình bày và xin đưa con dâu về sống. Đa phần người dân trên đảo không chọn cách này vì sống bên chồng hay bên nhà gái thì vẫn “ngày việc ai người ấy làm” chỉ có tối về ngủ chung. Nếu ra riêng thì miễn bàn.

Ngày trước, chỉ khi nào cô dâu sinh ra con trai, gia đình bên chồng mới tổ chức bữa tiệc ăn mừng, sang nhà gái xin đón con dâu về sống bên nhà chồng. Nếu cô dâu chỉ sinh con gái thì bên nhà trai ít khi đón về. Quan niệm của dân biển: sinh càng nhiều con trai càng tốt. Con trai chính là lao động trên biển và cũng là người mang lại của cải, tài sản bảo đảm cuộc sống.

< Cảng đảo Phú Qúy.

Ảnh hưởng của quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (nam trọng, nữ khinh) đã bám sâu gốc rễ vào các thế hệ tuy không bộc lộ rõ nét, nhưng ngấm ngầm tư tưởng phong kiến trong việc chọn dâu và cháu nội nối dõi tông đường.

Ông Dương Minh, 70 tuổi, ở xã Ngũ Phụng, có 10 người con (7 trai, 3 gái) tỏ ra lạ lẫm: “Dòng họ tôi ở đây mấy đời rồi, nhưng tôi chưa dự qua đám cưới nào cả. 10 đứa con có vợ, có chồng hết rồi, nhưng chẳng có đứa nào tổ chức đám cưới”.

Người dân trên đảo lạ lẫm và không hiểu nổi: đám tiệc cưới tại sao có khách dự. Họ quan niệm đó là chuyện của hai bên gia đình thôi. Vì vậy mà nhiều đời nay dân trên đảo không quan tâm đến hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn.

Anh Nguyễn Văn Nhị - Một anh bạn cán bộ Công an Bình Thuận cho biết: năm 2010, đơn vị anh tập trung nhiều tháng trời ở đảo Phú Qúy để làm giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu cho dân, hướng dẫn pháp luật… nhiều câu chuyện cười ra nước mắt mà chúng tôi sẽ kể vào dịp khác. Lấy chồng sớm, đẻ nhiều, thất học mù chữ, ít hiểu biết pháp luật là vấn nạn ngày nay vẫn còn khá phổ biến trên đảo.

Từ năm 2000 trở lại đây, do việc tăng cường cán bộ, giáo viên từ đất liền ra đảo nên trên đảo xuất hiện vài tiệm thuê đồ cưới và chụp ảnh. Nhưng đám cưới của “công dân nhập cư” cũng chỉ là hình thức để chụp ảnh, quay phim…lưu niệm. Tiệc cưới cũng chỉ là bánh kẹo, nước trà, nước ngọt như thời bao cấp. Vì nếu tổ chức rình rang, có mời dân trên đảo cũng không ai dự vì xa lạ. Nhờ vậy mà phong trào “tiết kiệm” tiệc tùng cưới hỏi trên đảo Phú Quý không cần phát động cũng trở thành điển hình, gương mẫu.

Trên đất Việt, vẫn còn hòn đảo ngọc Phú Quý là nơi không tổ chức đám cưới bao giờ, nhưng các cặp vợ chồng trẻ ở đây đều sống rất hạnh phúc, cho đến khi răng long, đầu bạc.

Du lịch, GO! - Theo Phunutoday, internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc