Động Tam Thanh - Thắng cảnh nổi tiếng xứ Lạng

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Động Tam Thanh nằm ở phường Tam Thanh, phía Tây phố Kì Lừa của thành phố Lạng Sơn, từ thủ đô Hà Nội lên Lạng Sơn chỉ có 154km, thêm 14km nữa là đến Đồng Đăng.

Tam Thanh là quần thể 3 động Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh, trong động Tam Thanh có chùa Tam Thanh. Động Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh, được mệnh danh là “Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng”.

Ngay phía bên ngoài cửa động Tam Thanh là một ngôi chùa nhỏ, hấp dẫn du khách vì vẻ độc đáo, khác hẳn những ngôi chùa ở miền xuôi, được xây dựng từ thế kỷ XVII và cũng mang tên gọi là Tam Thanh. Tại chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý, trong đó tấm bia Ma Nhai có niên đại cổ nhất ghi lại chi tiết việc xây dựng và tôn tạo ngôi chùa này, bia khắc thơ của Ngô Thì Sĩ - quan đốc trấn Lạng Sơn với nội dung ca ngợi cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình của động Tam Thanh.

Đặc sắc nhất là bức tượng phù điêu A Di Đà được tạc vào vách núi theo thế đứng trong hình một lá đề, đây là một kiệt tác nghệ thuật thời Lê - Mạc thế kỷ XVI - XVII chứa đựng những giá trị lịch sử và thẩm mỹ sâu sắc.

Bước qua cửa động rộng khoảng 8m, cao trên 10m, ta vào lòng động thứ nhất dài khoảng 60m, rộng đến gần 30m, tiếp đến là vòm động thứ hai - động Nhị Thanh.

Danh thắng Nhị Thanh được phát hiện và tôn tạo bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII bởi Ngô Thì Sĩ, biến nơi đây thành một nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân. Chắc chắn bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tự nhiên của động Nhị Thanh với những dải nhũ đá rủ xuống khiến du khách tưởng như đang lạc vào mê cung.


Chạy dọc theo động là dòng suối Ngọc Tuyên, nước xanh biêng biếc, phần đọng lại trước cửa động tạo thành ao Nhất Bình thơ mộng, ở giữa hang có một khoảng đất rộng gọi là “sân khấu”, có ánh sáng từ cửa Thông Thiên rọi chiếu thật huyền ảo.

Tại sân khấu này, Ngô Thì Sĩ đã từng mở tiệc chiêu đãi và thưởng thức các chương trình thơ ca, đàn hát.
Ngay vòm cửa động còn lưu giữ một bức họa vẽ Ngô Thì Sĩ uy nghi, trang trọng, bức hoạ là ước vọng của ông được muôn thủa hoà vào hang núi để tiêu dao.

Xúc động trước tình cảm đó, nhân dân lập bàn thờ ông và gọi là Di ái Đường.


Tại cửa sau của Nhị Thanh, bạn sẽ nhìn thấy Tam Thanh ở lưng chừng núi. Cửa hang cao khoảng 8m, nhìn về hướng Đông, có lối đi lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh sáng.

Đi sâu vào trong động đến khu vực “sân khấu” sẽ có hai cửa thông thiên, ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào động làm cho những nhũ đá ngời lên đẹp lạ thường, trong hang có rất nhiều hình đá mà thiên nhiên ban tạo thật kì diệu.

Đặc biệt, ở khu trung tâm của động, có hồ Âm Ty, nước không bao giờ vơi cạn, hồ tuy nhỏ nhưng cảnh quan tuyệt đẹp, có nguồn nước dồi dào chảy suốt ngày đêm.

Nhờ kỹ thuật chiếu sáng hiện đại, màu sắc hang động càng lung linh, tô điểm cho cảnh trí thêm hấp dẫn. Tận cùng của động Tam Thanh có một lối thông thiên dẫn đến một chỗ dừng chân nhỏ đủ để bạn có thể đứng ngắm nhìn cảnh quan một vùng nông thôn đổi mới quanh khu vực thắng cảnh.

Tam Thanh với chùa, động và cả hồ Âm Ty tuyệt đẹp, quyến rũ bước chân du khách chẳng muốn rời. Đến đây bạn sẽ thấy mình như được tĩnh lòng hơn để nhớ về một giai đoạn lịch sử, thủa khai sơn của cha ông ta và sẽ càng thêm hiểu, thêm yêu Xứ Lạng, ra khỏi động vẫn còn ngoái trông để ngắm nhìn và thầm hẹn ngày trở lại.

Du lịch, GO! Theo NTO, internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc