Bà cụ ngồi cạnh bếp lửa, xung quanh là những thiếu nữ Tày mới mười tám đôi mươi đang chăm chú nghe lời cụ kể: “Ngày xưa, người dân Tày nói về vẻ đẹp của phụ nữ Tày đơn giản lắm vì người Tày không nói được hay và cầu kỳ đâu”. Cụ dẫn ra ngay câu tục ngữ về vẻ đẹp của cô gái Tày của Nghĩa Đô: Phụ nữ là lá là hoa/Là sao đêm sáng, là bầu trời xanh.
Cách nói của người dân Tày nơi đây có sự mộc mạc đến giản dị trong tư duy, cách nghĩ và cách quan sát của họ. Cách ví von phụ nữ Tày như lá, như hoa, như sao, như bầu trời xanh là cách miêu tả tuy đơn sơ nhưng đã mang đến vẻ đẹp giản dị, trong sáng và mát mẻ của những cô thiếu nữ Tày vừa mười tám đôi mơi. Vẻ đẹp ấy hòa lẫn với vẻ đẹp của thiên nhiên là cách nói rất phù hợp với cuộc sống và môi trường cư trú của người dân Tày ở nơi đây.
Đi vào miêu tả chi tiết vẻ đẹp hình thể của người thiếu nữ Tày, bà cụ lại đọc tiếp một câu tục ngữ khác, nhìn đôi mắt bà cụ sáng và vui tươi hẳn lên: Con gái má lúm đồng tiền/ Chân trắng bẹ chuối bóc/ Tay thuôn búp măng mọc/ Nhiều trai làng chết lăn.
Ca dao trữ tình Việt Nam cũng có nhiều câu nói về vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ: Cổ tay em trắng như ngà/ Đôi mắt em liếc như là dao cau... Người Tày ở Nghĩa Đô lại có cách nói nghe một lần có thể nhớ mãi. Câu tục ngữ là một quan niệm rất thật của người dân Tày vùng Nghĩa Đô. Có thể đó là cách nói chẳng có chút văn chương bác học theo quan niệm thẩm mĩ của nhiều người nhưng đó lại là cách nói để khẳng định chuẩn mực về vẻ đẹp người phụ nữ vùng đất này.
Là con gái thì phải má lúm đồng tiền mới xinh, là con gái Tày chân phải trắng như bẹ chuối mới bóc, tay phải thuôn như búp măng trên rừng già...
Vẻ đẹp ấy được hình thành trong tư duy của ngư*ời dân qua chính những gì họ nhìn thấy, qua chính công việc lao động vất vả trong cuộc mưu sinh như đào măng trên rừng già, chặt chuối nơi rừng sâu về nuôi lợn.
Nghe bà cụ đọc, những cô gái Tày mới lớn như bị cuốn hút, bởi cho đến giờ các cô cũng đâu có được biết về “vẻ đẹp chuẩn mực ấy” là: Eo thắt đáy con mạ/ Má ửng hồng bồ quân/ Chân dong dỏng duyên dáng/ Tóc uốn dáng đuôi gà/ Mắt liếc mòn đá suối.
Tục ngữ Tày Nghĩa Đô xưa chỉ có mấy câu giản dị vậy thôi nhưng đã nói lên cái đẹp về hình thể, dáng đi, sự hiền hòa, mát mẻ toát lên từ cái ửng hồng của khuôn mặt của các cô gái miền sơn cước.
Người thiếu nữ Tày cũng biết làm duyên làm dáng qua cái mớ tóc đuôi gà, má ửng hồng như quả bồ quân mới chín trên rừng già là tín hiệu của cô gái đã trưởng thành.
Eo của các cô không phải là thắt đáy lưng ong như cách nói của người Kinh mà là thắt đáy con mạ mới là người phụ nữ vừa đẹp vừa chăm chỉ và khỏe khoắn. Và đôi mắt của ngời thiếu nữ Tày trong câu tục ngữ “Mắt liếc mòn đá suối” đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với người nghe, làm say đắm những chàng trai trong bản và từ phư*ơng xa đến. Thế mới biết người thiếu nữ Tày Nghĩa Đô không chỉ đẹp, không chỉ duyên dáng mà còn sắc sảo và khỏe khoắn trong quan niệm hết sức mộc mạc và giản dị của người dân nơi đây.
Đêm đã về khuya, bếp lửa than càng nồng đợm như lời kể của bà cụ về vẻ đẹp của người phụ nữ Tày Nghĩa Đô. Đang kể, bà cụ bỗng cất lên một lời ru mà tôi chưa được nghe một lần: “Ngủ ngon bé ngủ cho ngon/ Ngủ chờ mẹ thả gà lên rẫy cũ sờn non/ Mẹ thả con vịt xuống cánh đồng ốc hến/ Gà ăn thóc vãi no béo mập/ Vịt ăn tép ốc béo đầy bầu/ Lấy về mổ thịt cho con ăn. Rồi cụ nói: “Người phụ nữ Tày không chỉ đẹp đâu nhé mà còn biết cả hát ru nữa đấy”. Đó là vẻ đẹp của tình mẫu tử mà ngư*ời phụ nữ Tày nơi đây chắt chiu từ cuộc sống lao động vất vả và “chưng cất” nó thành điệu hồn của lời ru:
Có lời ru nào mà mộc mạc đến vậy, dù chẳng có gió mùa thu thức trọn canh chày, dù chẳng lên núi để rửa bành con voi nhưng lời ru của người mẹ Tày Nghĩa Đô như in sâu vào trong giấc ngủ của em bé Tày và tâm hồn chúng được lớn lên từ đó.
Rồi ngay cả cái dáng địu con (một phong tục của người Tày Nghĩa Đô) cũng được người phụ nữ đ*ưa vào lời ru: Chín tháng mẹ địu con đằng trước/ Năm năm mẹ cõng con trên lưng/ Đằng trước địu bằng da/ Đằng sau địu bằng vải.
Những câu tục ngữ giản dị, chân thật mà dường như không thể thật hơn được nữa đã nói lên cả sự hy sinh ấy: Mẹ mặc rách, mặc ná/ Mong cho con có bát cơm đầy/ Mong cho con mặc đẹp bằng chúng bạn.
Cứ như thế, qua lời kể của bà cụ, những câu tục ngữ của người Tày được lưu truyền bằng phương thức truyền miệng hết sức mộc mạc, chân thật và giản dị đã làm toát lên vẻ đẹp tiềm ẩn của người phụ nữ Tày Nghĩa Đô.
Du lịch, GO! Theo Didulich.net và nhiều ảnh nguồn khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét