Bình nguyên xanh Khai Trung

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Nằm trên độ cao 700m so với mực nước biển, xung quanh có núi đá cao bao bọc, xã Khai Trung là một bình nguyên giữa miền rừng núi trùng điệp của huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái, chốn nơi cư trú của đồng bào hai dân tộc Tày và Dao.

"Năm sau mùa măng đắng
Cho anh gửi cơi trầu
Khai Trung đến lần đầu
Nghe rưng rưng lòng hát".

Qua cầu Bến Lăn, con đường bê tông chếch dần độ cao lên trời. Du khách sẽ được cảm nhận sự hòa quyện giữa hai cảm giác hiện đại và hoang sơ. Thấp thoáng đâu đó sự kỳ bí của mảnh đất Khai Trung, một cái tên mới nổi bên cạnh những cái tên khác của những tua du lịch ở tỉnh Yên Bái.
Khai Trung còn có tên khác là Thủy Điều, nghĩa là nguồn nước điều tiết đi nơi khác. Phải chăng vì vậy mà các con suối Khai Trung - nguồn sinh thủy từ núi Măng, núi Diêm đều đổ ra Lâm Thượng, xuống Tân Lĩnh để nhập vào sông Chảy dự trữ thủy năng cho Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà?

< Núi đá Lục Yên.

Đến đây chỉ có hai con đường, đường mòn từ Lâm Thượng sang song phải đi bộ qua nhiều dốc, nhiều khe suối và đường từ Tân Lĩnh lên đã được bê tông hóa, ô tô có thể tới tận trung tâm xã. Ai đã đặt chân đến Khai Trung đều thán phục địa phương trong việc làm đường giao thông nông thôn.

Năm 1998, Khai Trung được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng mua thuốc nổ phá đá và bằng công sức của nhân dân mở con đường 16km từ cầu Bến Lăn vào xã. Rồi xã vận dụng phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hoàn thành nhựa hóa cùng bê tông hóa 14km đường liên thôn. Câu chuyện lúc mới mở đường, xã trích tiền ngân sách mua 1 chiếc xe máy Minck, không với mục đích làm phương tiện đi lại mà chủ yếu lấy tiếng động cơ tác động vào giác quan mọi người để tạo niềm tin.

Nghe kể lại cứ như chuyện cổ tích... Bây giờ thì nhà nào cũng có xe máy, còn ô tô có thể chạy khắp 5 thôn, bản tựa đi trong khu du lịch sinh thái được đầu tư khá tốt về kết cấu hạ tầng. Vui chân, chúng tôi dạo qua các thôn Giáp Chảy, Khe Rùng rồi về Tác Én. Nghe bên tai, tiếng suối róc rách chảy giữa thảm lúa vàng. Những ngôi nhà sàn Tày ẩn hiện sau tán cọ trung du và những ngôi nhà của người Dao nép mình bên rừng quế tỏa hương thơm ngát. Hấp dẫn nhất vẫn là rừng sồi nguyên sinh diện tích khoảng 5 ha với những thân cây thẳng vút, lá to mỡ màng. Đây cũng là khu rừng duy nhất ở huyện Lục Yên và của tỉnh Yên Bái còn lưu giữ được nguồn gen quý hiếm.

Cổng các bản làng ở Khai Trung hình vòm như một chiếc cầu vồng hiện ra trên đỉnh dốc và cũng từ đây, con đường thoai thoải trườn xuống vùng đất bằng phẳng rồi mất hút trong màu xanh của nương, của ruộng, của cây, của sắc trời, sắc núi.

Điều đầu tiên đến Khai Trung có thể cảm nhận được ngay chính là khí hậu. Gió trời không thể thông thốc thổi vào Khai Trung. Trước khi đến với bình nguyên này, nó phải hòa quyện với khí núi đá trên độ cao lưng chừng, tạo nên cái mát dịu mà không một máy điều hòa nào làm ra được.

Lên Khai Trung mùa nào cũng thú vị nhưng có lẽ đẹp nhất là vào mùa hè và mùa thu. Đó là khi bình nguyên Khai Trung bừng lên một màu xanh mỡ màng của lúa, của ngô và của gần 100 ha đậu tương trải dọc hai bên con đường bê tông dài tít tắp dẫn vào trung tâm xã. Sang thu, cả thung lũng ấy lại nhuốm đầy một mầu vàng rực của đậu tương chín rộ.

Nắng và gió nơi bình nguyên xanh yên ả này cũng thật khác lạ: Gió ở trên cao rì rào cùng cây rừng, còn nắng thì vàng trong đùa vui nơi kẽ lá. Cuộc sống của đồng bào nơi đây chưa thực dư dả, không sơn hào hải vị nhưng cũng đủ làm vui lòng bao khách thập phương.

Rời xa cuộc sống ồn ào náo nhiệt của phố xá, bứt khỏi nhịp sống hối hả gấp gáp với bao công việc thường nhật, trở về với bình nguyên xanh Khai Trung du khách sẽ cảm nhận được cái hồn quê mộc mạc, sự dung dị đến vô tư của người vùng cao thuần phác, để tìm lại cho mình chút bình yên nơi tâm hồn, tìm về những giá trị đích thực của cuộc sống.

Du khách cũng sẽ được hoà mình cùng nhịp sống thường nhật của người dân bản địa với những tập quán sinh hoạt văn hoá còn mang đậm bản sắc riêng của từng tộc người; được thăm thú những cánh rừng tự nhiên với vẻ đẹp hùng vĩ của điệp trùng núi đá. Hoặc như du khách cũng có thể thả bộ trong rừng sồi nguyên sinh rộng trên 2ha với nhiều cây có đến cả trăm năm tuổi để tận hưởng trọn vẹn cái không gian thuần khiết của đất, của trời Khai Trung.

Khi đã thấm mệt, du khách có thể dừng chân nghỉ lại nhà sàn văn hoá hay bất kỳ một gia đình người Tày, người Dao nào trong xã để thưởng thức món đặc sản gỏi cá bỗng, món gà, thịt dê núi chế biến theo cách ăn của đồng bào Dao hoặc đơn thuần chỉ là những thứ rau rừng ngon đến lạ lùng... để rồi say mềm với chén rượu ngô thơm nồng từ chính tay chủ nhà chưng cất...

Không chỉ đẹp và quyến rũ bởi thiên nhiên hoang dã, Khai Trung còn rất nổi tiếng với hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi như hang Diêm, hang Dơi, hang Tắc Én...Ngoài ra, Khai Trung còn nổi tiếng bởi các sinh hoạt văn hóa đân tộc. Cũng là câu khắp, câu lượn nhưng âm sắc tiếng Tày của người Khai Trung làm cho câu hát thêm tình tứ thiết tha, điệu múa khăn, múa hoa thêm uyển chuyển.

Với 212 hộ, 1.096 khẩu, Khai Trung đã làm cho trên 100 ha ruộng nước, 90 ha đỗ tương, 30 ha lạc, 35 ha ngô năng suất ngày càng cao. Mặt khác, Khai Trung đẩy mạnh quy hoạch bảo vệ rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng mới, nuôi cá bống, chăn nuôi đại gia súc. Việc phát triển các hoạt động văn hóa dân tộc cũng chính là nền tảng vững chắc cho du lịch Khai Trung ngày thêm phát triển.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ CTTĐT tỉnh Yên Bái, báo Yên Bái, ảnh internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc