Cây Ngọc Am ở Hà Giang: còn hay không? (kỳ 1)

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Vỏ cây ngọc am màu trắng, sần sùi. Bóc lớp vỏ ra thì thấy phần thịt màu đỏ thẫm. Đứng ở gốc cây, thấy mùi đặc trưng của ngọc am tỏa ra thơm ngát. Thế hệ các lãnh đạo, quan lại, người có của ở Hoàng Su Phì đều mong ước có được một cỗ quan tài quý khi về với lòng đất. Nhưng Ngọc Am có còn hiện diện trên đất Hà Giang hay đã tuyệt chủng? Phóng sự nhiều kỳ từ VTC.
.
Huyền thoại về loại gỗ dùng để ướp xác người

Ngôi mộ ở vườn đào Nhật Tân, khi mở nắp áo quan, xác ướp nổi lềnh phềnh lên, nhưng không ai ấy sợ, bởi không phải thứ mùi đặc trưng, ngai ngái của xác chết bay lên, mà là một thứ mùi vừa đậm đà, vừa thoang thoảng rất dễ chịu lan tỏa khắp không gian.

< Mộ xác ướp với quan tài bằng ngọc am và tinh dầu ngọc am ở cánh đồng Nhật Tân.

Cách đây vài trăm năm, cuộc săn lùng loại gỗ đặc biệt có tên ngọc am rộ lên ở quanh dãy Tây Côn Lĩnh. Những cây ngọc am nhiều trăm năm tuổi bị đốn hạ hoàn toàn. Loài ngọc am tưởng như đã tuyệt chủng, mất hẳn khỏi ký ức người dân. Nhắc đến ngọc am, chỉ những người già ở vùng này còn biết đến. Ở vùng khác, kể cả những người đi rừng nhiều, cũng không biết ngọc am là thứ gỗ gì.

< Trải mấy trăm năm, xác ướp ở cánh đồng Nhật Tân vẫn còn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, giờ đây, cơn sốt ngọc am lại rộ lên. Nhưng còn đâu cây ngọc am để mà đốn hạ.
Người ta chỉ còn cách vào rừng đào bới, moi móc tìm những gốc rễ còn sót lại trong cuộc chặt phá từ cả trăm năm trước. May mắn lắm thì kiếm được những mảnh ngọc am vụn vặt chìm trong lòng đất.

< Mấy trăm năm, chiếc áo vẫn nguyên.

Ngọc am là thứ gỗ gì, dùng để làm gì, vẫn còn là điều cực kỳ bí ẩn. Nhưng với những nhà khảo cổ học về lĩnh vực mộ xác ướp, thì ngọc am là thứ họ biết qua.

Người thường xuyên nhắc đến hai chữ ngọc am là nhà khảo cổ, PGS-TS. Nguyễn Lân Cường. Ông là người ít khi vắng mặt trong những cuộc đào bới mộ xác ướp. Tuy nhiên, có lẽ, PGS-TS. Nguyễn Lân Cường cũng chỉ biết đến mùi tinh dầu ngọc am và những chiếc quan tài, chứ chưa thể nhìn thấy cây ngọc am còn đang sống. Trong ký ức của các nhà khoa học, loài ngọc am đã tuyệt chủng.

< Những dải vải còn nguyên vẹn trong mộ xác ướp ở xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Dù đã quật mộ cả tháng rồi, nhưng mùi hương ở vải vóc lấy từ ngôi mộ vẫn thơm phức mùi ngọc am. 

Giới buôn bán ngọc am đồn rằng, ngọc am là thứ chỉ giành cho vua chúa, chỉ những bậc đế vương mới được dùng ngọc am.

Anh Trần Đức Thuấn, Giám đốc công ty TNHH Công thương Hưng Long (Lạc Long Quân, Hà Nội) là người mê ngọc am đến độ mất cả hồn vía. Anh có thể ngồi nói cả ngày về ngọc am, có thể ngồi ngắm một mảnh rễ cây ngọc am bằng nắm tay cả ngày không chán. Anh truyền không biết bao nhiêu cảm hứng sáng tạo, biến những mẩu gốc, rễ vô tri thành những tác phẩm đầy tính nghệ thuật. Tại trụ sở công ty và xưởng mộc của anh, lúc nào cũng chất ngất những gốc rễ ngọc am.

< Một phần bộ sưu tập lũa ngọc am của anh Trần Đức Thuấn.

Theo anh Thuấn, sở dĩ ngọc am quý là vì nó là thứ của vua chúa dùng. Người Trung Quốc đã biết đến sản phẩm này từ hàng ngàn năm trước và nó là “ngọc” của rừng núi. Theo sử sách Trung Quốc, chỉ có các bậc đế vương, cung tần mỹ nữ là được dùng loại gỗ này. Nó cũng giống như ở Việt Nam, chỉ có vua chúa được mặc nhung lụa thêu rồng phượng.

Trong các hoàng cung, gỗ sưa đỏ được dùng để đóng các vật dụng như giường tủ, bàn ghế. Gỗ sưa cứng như thép, có hoa văn đẹp. Nhưng ngọc am lại có mùi thơm quyến rũ, là linh hồn của của cung vua phủ chúa. Riêng các gian phòng của cung tần mỹ nữ, có rất nhiều vật dụng bằng gỗ ngọc am.

< Những tác phẩm ngọc am trong triển lãm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đến từ Hà Giang, được định giá tiền tỷ.

Từ gỗ ốp quanh nhà, các vật trang trí, giường, ghế, chậu tắm, chậu rửa mặt, chậu xách nước… đều bằng ngọc am. Thậm chí, mỗi khi cung tần mỹ nữ tắm, đều được nhỏ vài giọt ngọc am vào bồn nước. Người đẹp sống giữa không gian đặc quánh của mùi hương ngọc am, nên thân thể lúc nào cũng thơm. Mùi ngọc am ám vào cơ thể, rồi toát ra từ da thịt người đẹp, khiến các bậc đế vương ngây ngất.

Từ khi hiểu về ngọc am, biết nó là thứ tinh túy nhất của núi rừng đất Việt, trong khi người Việt lại không hiểu gì, anh Thuấn liền sang Trung Quốc để nghiên cứu về ngọc am. Anh Thuấn nhận thấy rằng, người dân thường cũng không biết gì về loại gỗ đặc biệt này, nhưng dòng dõi quan chức, vua chúa, người giàu thì đều biết đến nó và săn lùng rất ráo riết.

< Ván thiên bằng ngọc am từ ngôi mộ ở Trung Hưng (Yên Mỹ, Hưng Yên).

Khi nghe anh Thuấn kể về ngọc am, các đại gia Trung Quốc đều rất sốt sắng và họ sẵn sàng bỏ số tiền lớn để sở hữu ngọc am, dù là những mẩu gỗ nhỏ, những gốc rễ đã chìm dưới lòng đất từ hàng trăm năm trước. Với các đại gia Trung Quốc, ngọc am biểu thị cho sự thịnh vượng, phú quý, xua đuổi ám khí, tà ma. Một đại gia mà trong nhà, trong phòng làm việc không có mẩu ngọc am hoặc không có vật dụng gì bằng gỗ sưa thì chưa thực sự sành điệu, đẳng cấp. Đại gia, quan chức Trung Quốc thường thích tiếp khách ở nhà hoặc nơi làm việc, và việc đầu tiên khi đón tiếp khách là giới thiệu một vật dụng nào đó được làm từ hai thứ gỗ này, nó giống như con buôn ở chợ, dù nợ nần chồng chất vẫn cứ phải đeo thòng lõng đầy vàng trên người.


< Đại ngàn Tây Côn Lĩnh từng là vương quốc của ngọc am.

Theo anh Trần Đức Thuấn, xưa kia, vua chúa ở Việt Nam cũng rất chuộng ngọc am. Khi vua chết, loại gỗ duy nhất được dùng làm quan tài là ngọc am. Triều đình lúc nào cũng có sẵn gỗ ngọc am để phục vụ vua chúa. Khi chôn bằng quan tài ngọc am, thì chỉ chôn một lần, không cải táng. Các bậc quan lại thời phong kiến thường chỉ được dùng gỗ vàng tâm. Khi cải táng lấy xương cốt, thì mới được cho vào tiểu nhỏ bằng ngọc am mà thôi.

Cách đây mấy chục năm, các nhà khảo cổ đã khai quật mộ vua Trần Dụ Tông và xác ướp vua còn nguyên vẹn. Quan tài vua được làm bằng gỗ ngọc am, xác vua đặt trong bể tinh dầu ngọc am đặc sánh. Thứ tinh dầu đặc biệt này đã giữ xác mấy trăm năm không phân hủy. Công nghệ ướp xác của Việt Nam cực kỳ đơn giản mà hiệu quả lại vô cùng tốt. Với tinh dầu ngọc am, toàn bộ xác có thể giữ được cả vạn năm nếu không có sự tác động, phá hoại của con người. Công nghệ ướp xác này khác với các nền văn minh khác, phải moi bỏ nội tạng và dùng nhiều phương pháp phức tạp.

Mới đây, khi Nhà nước tổ chức án táng lại cho vua Lê Dụ Tông, vẫn phải sử dụng ngọc am làm quan tài. Để kiếm được lượng gỗ làm quan tài nặng tới 700kg an táng vua Lê Dụ Tông không phải là chuyện đơn giản.

< Gốc cây ngọc am đã chết cả trăm năm trước.

Theo tìm hiểu của tôi, không hẳn chỉ có vua chúa được dùng quan tài ngọc am, mà quan lớn, người giàu thời phong kiến cũng dùng gỗ này làm quan tài. Ngọc am được dùng trong các mộ xác ướp, hay còn gọi là mộ hợp chất. 100% các mộ hợp chất khai quật được ở Việt Nam đều làm bằng gỗ ngọc am.

Tôi đã từng theo chân PGS-TS. Nguyễn Lân Cường đi khai quật một số ngôi mộ hợp chất. Ngôi mộ ở vườn đào Nhật Tân, khi mở nắp áo quan, xác ướp nổi lềnh phềnh lên, nhưng không ai ấy sợ, bởi không phải thứ mùi đặc trưng, ngai ngái của xác chết bay lên, mà là một thứ mùi vừa đậm đà, vừa thoang thoảng rất dễ chịu lan tỏa khắp không gian. Mùi thơm đến nỗi, làng mạc cách ngôi mộ vài trăm mét vẫn ngửi thấy mùi hương ngọc am.

Sau khi ngôi mộ hợp chất ở Nhật Tân bật nắp, trời mưa tầm tã, nước xối khiến xác lẫn với đất cát, tinh dầu, song suốt mấy ngày trời, xác vẫn không phân hủy, mùi tinh dầu ngọc am vẫn lan tỏa trên một không gian rộng cả km vuông.

Còn tiếp…

» Huyền thoại về loại gỗ dùng để ướp xác người (kỳ 1)
» Truyền thuyết ngọc am và những ngôi mộ không phân hủy (kỳ 2)
» Người Hán đã tàn sát đại ngàn ngọc am như thế nào? (kỳ 3)
» Những người kỳ công đóng quan tài ướp xác ở Hà Giang (kỳ 4)
» Phát hiện bất ngờ: Hà Giang vẫn còn cây ngọc am (kỳ 5)
» Ngỡ ngàng chứng kiến cây ngọc am 3 người ôm ở Hà Giang (kỳ 6)
» Trưởng công an xã có ngọc am, muốn bán cũng chả được (kỳ cuối)

Du lịch, GO! - Theo Phạm Ngọc Dương - VTC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc