Dẫu con ngán sống phổ biến ở các vùng ven biển nhưng có lẽ theo nhiều người đã thưởng thức thì không ở đâu con ngán ngon được như ngán sống tại khu vực cửa sông Bạch Đằng nơi giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng.
Con ngán là loài nhuyễn thể sống ở vùng nước mặn và nước lợ trải dài suốt từ Nam chí Bắc. Trông vẻ bên ngoài con ngán lớn hơn con ngao và có vỏ sần sùi màu trắng do sống sâu dưới đáy cát. Khi ở dưới nước, ngán thường thò chiếc xúc tu to và dài để thở và kiếm thức ăn, nếu thấy mặt nước động là chui nhanh xuống dưới bùn để trốn kẻ thù. Ngán là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Trong thịt ngán có đầy đủ các chất protit, gluxit, lipit, nhiều vitamin và những chất khoáng cần thiết cho cơ thể.
Vào mùa ngán, các ngư dân khai thác ngán thường phải lội rất sâu dưới bùn mới có thể móc được con ngán, có thể như thế mà con ngán mang tiếng là ngán chăng chứ đứng xét về độ thơm ngon của chúng thì ăn chẳng bao giờ thấy ngán.
Ngán bắt được hay mua về cho vào chậu nước rửa sạch bùn bám sau đó cho vào chậu nước vo gạo, hoặc nước ấm ngâm khoảng 2-3 giờ cho chúng nhả hết cát rồi vớt ra. Từ con ngán có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau như ngán luộc, ngán nướng, gỏi ngán, cháo ngán, bún ngán...Món ngán được chế biến theo những cách khác nhau lại có hương vị riêng nhưng có lẽ ấn tượng với người ăn hơn cả đó là món rượu ngán.
Ngán dùng để chế biến rượu ngán phải là ngán bánh tẻ, vì ngán lúc đó đang độ phát triển nhất thịt nhiều, ngọt và béo ngậy, có vị nồng chát đặc trưng của ngán. Những chú ngán sau khi đã đánh rửa sạch, trắng bóng được mổ ngang lưng, lấy một cái bát hứng lấy phần nước và thịt. Thịt ngán phải được rửa bằng chính nước con ngán để không bị tanh và giữ được vị tươi ngon. Hầu hết mọi người đều cho rằng rượu ngán được chế biến đơn giản nhưng chỉ có những người dân bản địa sành ăn mới biết cách chế biến rượu ngán.
Ngán sau khi sơ chế sạch sẽ thì đem thả trực tiếp vào cốc rượu, sau đó người ta dùng đũa đánh bong cho ngán tiết ra chất mật, phản ứng với rượu làm ngán có màu hơi xanh và nước rượu chuyển sang màu hồng hồng. Đây là cách chế biến rượu ngán ngon nhất và thường được gọi với cái tên dân dã tiết canh ngán. Một ly rượu ngán tuyệt hảo phải đảm bảo có mùi thơm nồng khó tả và có vị cay của rượu, vị ngòn ngọt, chan chát của ngán hoà quyện trong một ly rượu ngán. Món khai vị của các thực khách nam giới rất nghiền nếu ngại uống rượu tiết sống, ta có thể hâm nóng rượu trước khi uống.
Còn với những món ăn phổ biến như ngán nướng, hấp thường người ta chỉ chế biến tái thôi vì nếu chín quá ngán sẽ giảm ngon ngọt. Sau khi ăn xong ngán nướng hay hấp thì món ăn để no và ấm bụng sau khi lai rai cùng bạn bè chính là một bát cháo ngán nóng hổi là đủ để kết thúc một bữa đại tiệc về món ngán mà sao ăn vẫn chưa thấy ngán!
Du lịch, GO! - Theo báo Laodong
0 nhận xét:
Đăng nhận xét