Mùa nước nổi, mùa làm ăn của bà con nghèo. Thế nhưng, đây còn là dịp để nhiều người tổ chức chuyến đi câu cá đồng cuối tuần, một thú vui dân dã thường gặp trong mùa lũ.
Những ngày cuối tuần ngang qua các trục quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ đều thấy nam thanh nữ tú, học sinh, sinh viên, ngồi ôm chiếc cần câu thư thả bên gốc cây để câu cá. Khi chúng tôi ghé lại xem, hầu hết đều thổ lộ, câu cá ở đây không phải để bán chát mà là giải trí sau những ngày làm việc, học hành căng thẳng...
Có thể nói, câu cá như là môn thể thao thử thách lòng kiên nhẫn của các bạn. Trong quá trình câu, ngoài việc dẫn dụ cá bằng những mồi “tủ”, người câu còn phải biết canh thời điểm cá cắn câu để giật. Câu cá cũng có lúc dính, lúc không và còn tùy theo con nước, nên người câu cần phải nắm vững quy trình cũng như mồi câu cho từng loại cá.
Nhóm anh Quý có đến 5 người. Vào ngày thứ bảy, họ rủ nhau chạy xe dọc theo Tỉnh lộ 941, đến xã Cần Đăng (Châu Thành) tìm nơi để thả cần câu. Hôm gặp các anh giữa trưa, chúng tôi dừng xe lại xem xô cá mà các anh đã câu được từ sáng đến giờ, chủ yếu là cá rô khoảng trên ký.
Anh Quý cho biết: “Nhà ở Long Xuyên, vào ngày cuối tuần, anh em mua cần trúc về tóm câu rồi rủ nhau về đồng quê câu cá. Hôm nay, chúng tôi đi cả chục người, ở đây hiện có 5 người. Còn một nhóm nữa đã vào sâu trong kia chọn điểm câu rồi. Sáng giờ, anh em câu cũng được. Với mớ cá này, đem về cho mọi người chiên xù. Câu cá rất vui và thú vị. Mồi câu chủ yếu là trùn, cua lột, tép, nhện. Nãy giờ, bọn cá rô đang say mồi nên anh em giựt dính quá trời…”.
Nhớ lại hồi nhỏ ở quê, cứ vào mùa lũ là chúng tôi thường rủ nhau đi câu cá rô, cá chốt. Có hôm, cá dính nhiều mê đến nỗi quên ăn. Bây giờ, mỗi lần đi công tác hễ gặp ai câu cá là ghé lại nhìn vào thùng xem dính nhiều hay ít.
Cuối tuần rồi qua thăm Mỹ Hòa Hưng, gặp chị Phúc Diễm làm việc ở Sở Thông tin và Truyền thông đang ngồi câu cá cặp mé kênh cùng nhóm bạn. Chị nói: “Lâu lắm rồi không đi câu cá, hôm nay được mấy đứa bạn rủ sang đây chơi, sẵn tiện tóm vài chiếc cần câu ngồi câu cá cho vui.
Thiệt tình mà nói, câu cá ngoài việc giúp cho mình xả tress hiệu quả mà còn trải nghiệm được giây phút dân dã của người miền quê. Từ đó, mình mới quý trọng được thành quả lao động của dân nghèo đi bắt từng con cá để đắp đổi qua ngày. Để câu được nhiều cá không dễ như mình tưởng. Ngồi cả buổi trời chỉ dính chừng chục con cá rô!”.
Lúc này, trời đã đứng bóng, cả nhóm của chị Phúc Diễm xách lỉnh kỉnh chiếc thùng nhựa đựng hơn 2kg cá rô tấp vào quán sinh thái gần đó nhờ chủ quán làm sạch để chế biến thành hai món kho tiêu và chiên xù, rồi cùng nhau thưởng thức thành quả lao động của mình trong suốt buổi sáng.
Vào thời điểm này, đến rừng tràm Trà Sư ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã, chúng ta còn dễ bắt gặp du khách ngồi ôm cần câu câu cá. Riêng đối với du khách phương xa, họ rất sành về thú vui câu cá nên thường trang bị nhiều cây cần câu máy, bình quân mỗi cây có giá vài trăm ngàn đồng. Mỗi người ôm từ 3-4 cây cần câu, họ thả câu nhiều chỗ. Hễ thấy cần này cá cắn câu thì quấn dây lên bắt cá, cứ liên tục như vậy.
Điều đặc biệt là họ không câu cá rô, cá chốt mà chủ yếu câu cá trê, cá lăng, cá vồ đém và cá ngát. Tôi đứng xem chưa đầy 1 tiếng đồng hồ mà anh Trần Hoàng Hải đã câu dính 5 con cá lăng, cá ngát độ gần 2kg.
“Các loại cá da trơn ưa nhất “mồi thuốc” nên dính dữ lắm. Đặc biệt, những con mương trong rừng tràm nước chảy xiết, cá lăng, cá ngát rất nhiều, câu giựt thấy mê. Một mặt câu cho vui, mặt khác kiếm mồi nhậu lai rai với anh em đi du lịch trong đoàn…”- anh Hải hồ hỡi.
Câu cá đồng mùa lũ, một thú vui dân dã mà tao nhã, ai cũng thích. Đặc biệt lúc cá lớn đớp mồi, dây căng, ghị đã tạo cảm hứng cho mọi người trong quá trình câu cá trên đồng.
Du lịch, GO! - Theo web An Giang và nhiều nguồn ảnh khác.
Câu ếch, đặt trúm lươn mùa nước nổi
Hàng năm, cứ vào đầu mùa nước nổi, nước từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về tràn vào đồng ruộng, đìa, bàu, kinh, rạch,… tạo điều kiện cho các loài thủy sản sinh sôi, nảy nở. Vào thời điểm này, người dân châu thổ ĐBSCL chuẩn bị “đồ nghề” để thả lưới, giăng câu, đặt lờ- lọp, đóng đáy,…
Câu ếch mùa nước nổi rất đơn giản, vừa tiện lợi vừa ít tốn kém, mang lại hiệu quả cao. Chỉ cần vài trăm ngàn đồng là sắm được đầy đủ dụng cụ để câu ếch: cái cần câu vót bằng tre, dây gân và lưỡi câu như cần câu cá nhưng ngắn, chỉ bằng 1/3. Mồi ếch được sử dụng thích hợp là: nhái con hoặc ốc, cá bằm nhuyễn…
Lúc trời mưa vào chập choạng tối, những người câu ếch đã chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ, móc mồi vào lưỡi câu, đi dọc theo các bờ ruộng, ven vườn tìm nơi ếch thường trú ẩn để cắm câu… Sau vài giờ họ trở lại thăm câu, ếch đã dính cần câu trĩu nặng, người cắm câu chỉ cần gỡ bắt con ếch bỏ vào rọ, tiếp tục móc mồi mới, rồi ngồi chờ.
Anh Ba Tâm (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) cho biết: “Tôi sắm 60 chiếc cần câu mỗi đêm kiếm cũng được 4- 5kg ếch, bán được hàng trăm ngàn đồng, đủ chi tiêu cho gia đình…” Anh Năm Hải (xã Hòa Bình, huyện Tam Nông) có 10 công ruộng. Anh sắm sẵn 100 cần câu. Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu xong, hai đứa con trai lớn đi cắm câu bắt ếch mỗi đêm.
Anh Hải cho biết: “… Mỗi đêm, thằng Sơn, thằng Hà bắt cũng được 5- 7kg ếch. Đêm nào trúng bắt được hơn 10kg ếch, bán trên 400.000đ”. Cháu Sơn ngồi kế bên tiếp lời: “Đi câu ếch thích lắm chú ơi. Có đêm trúng câu dính trên chục ký, con nào con nấy bự bằng bàn tay xòe, thấy phát mê! Ếch xào sả ớt, xào củ hành ăn ngon “bá chấy”, còn nhậu thì có ếch rang muối là nhứt xứ. Vậy mời chú ở nhà cháu ăn cơm và lai rai với ba cháu chơi…”
Không chỉ câu ếch, người dân Đồng Tháp Mười còn đi soi ếch! Người đi soi ếch mang theo giỏ, bao, đèn pha, nơm… Trời tối, người đi soi thường tìm tới những nơi có vũng nước đọng, hố lá, đìa, bàu… và có tiếng ếch kêu nhiều. Sau đó, tắt đèn ngồi rình. Những con ếch say sưa bắt cặp, người soi bước nhẹ nhàng đến mở đèn lên ra tay bắt từng cặp ếch bỏ vào giỏ. Nếu ếch lặn xuống hồ nước thì dùng nơm chụp. Chỉ cần soi vài giờ là bắt được 5- 7kg ếch, có đêm soi trúng cũng hơn 10kg ếch, vừa cải thiện bữa ăn, vừa kiếm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình!
Cùng với nghề câu ếch, soi ếch, nghề đặt trúm bắt lươn ở các huyện vùng sâu Đồng Tháp Mười này cũng đang phát triển mạnh. Nhiều nông hộ ở đây nhờ nghề đặt trúm bắt lươn mà đã vượt qua cảnh khốn khó trong mùa nước nổi. Anh Lê Văn Tuấn (xã An Phong, huyện Thanh Bình) có 4 nhân khẩu hành nghề đặt trúm hơn 5 năm qua cho biết: “Từ ngày mùng 5/5 âm lịch đến nay, mỗi đêm tôi đặt hơn 50 ống trúm kiếm cũng được trên- dưới 3kg lươn. Đêm nào trúng thu hơn 5kg, bán trên 400.000đ!”
Đặt trúm bắt lươn hiện đang là một nghề chính để tạo việc làm và đem lại nguồn thu nhập chính cho vợ chồng anh Trần Văn Đường và chị Trần Thị Thừa (ấp Tây, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Mỗi ngày, vào buổi xế trưa, vợ chồng họ thay phiên nhau đẩy xe dọc theo tuyến Quốc lộ 30 thuộc địa phận xã Tân Thạnh đến thị trấn Thanh Bình và xã Bình Thành hoặc đi dọc tuyến Đường tỉnh 843 thuộc các xã Tân Phú, Tân Mỹ... tìm nơi để đặt trúm... Đến 5- 8 giờ sáng hôm sau thi đi dỡ trúm. Mồi đặt lươn thường là trùn, cua, ốc chết, cá tép thối...
Với 80 ống trúm, bình quân mỗi ngày gia đình anh Đường kiếm được trên dưới 3kg lươn, bán cho những thương lái chở đi TP Cao Lãnh, TX Sa Đéc... Với giá 150.000 đ/kg lươn loại 1 và 120.000 đ/kg lươn loại 2, thu nhập từ 300.000- 500.000 đ/ngày.
Anh Đường vui vẻ nói: “Với nghề đặt trúm bắt lươn hàng năm, vợ chồng tôi kiếm được không dưới 10 triệu đồng, đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình và nuôi con ăn học”. Chị Thừa- vợ anh Đường ngồi kế bên tiếp lời: “Đặt trúm mê lắm chú ơi! Mỗi lần dỡ trúng không dưới 7kg lươn, vừa cải thiện được bữa ăn vừa có tiền mua gạo, quần áo, sách vở cho các con tôi ăn học...”
Câu ếch, soi ếch, đặt trúm lươn… đang là nghề kiếm sống của nhiều hộ dân nghèo vùng quê Tam Nông, Thanh Bình (Đồng Tháp)… Khi đã rỗi công việc đồng áng thì nghề câu ếch, soi ếch, đặt trúm lươn… đã nuôi sống các hộ nghèo trong mùa nước nổi…
Du lịch, GO! - Theo web Vinhlong, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét