Cứ vào khoảng tháng 7 âm lịch hàng năm, nước đầu nguồn đổ về ngập trắng đồng các tỉnh miền tây nam bộ. Đó là mùa lũ hay “mùa nước nổi”.
Ở nơi khác đến người ta chỉ nghĩ đến sự chết chóc và mất mát. Nhưng đối với người dân nơi đây mùa lũ còn là mùa mưu sinh, là một “thiên đường”. Nếu bạn chưa về miền tây vào mùa lũ lần nào thì hãy khoác balô lên vai ngay đi. Đến đó, bạn sẽ cảm nhận được những cung bậc thú vị của “thiên đường” này…
Mùa đặc sản
Cuộc sống người dân miền tây bao đời nay luôn gắn bó với sông nước, ruộng vườn. Chín dòng sông cùng vô số kênh rạch chằng chịt chảy suốt ngày đêm tạo nên vùng đất “chín rồng” sung túc.
Chỉ từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nước sông gầm gừ tràn lên ruộng đồng.
Thế nhưng, như một sự tạ lỗi, mùa nước nổi cũng đem đến cho con người bao sản vật tự nhiên, cho đất đai bao phù sa màu mỡ. Khách du lịch đến miền tây mùa này sẽ được thưởng thức những món đặc sản “ngon, bổ, rẻ”.
Khi gió tây nam lành lạnh, nước ngập lé đé bờ ruộng cũng là lúc bông điển điển nở vàng rực dọc khắp bờ đê. Nước càng lên cao, bông điển điển nở càng nhiều, càng vàng hơn.
Lúc này ngoài việc bắt cua bắt ốc, bọn trẻ con còn được dang nắng ngoài đống hái bông điên điển đem ra chợ bán. Bông điên điển ăn rất ngon và có nhiều cách chế biến. Tuy nhiên ngon nhất phải là nấu canh chua với cá linh. Ngoài ra, cũng có thể làm gỏi chua, ăn với bánh xèo hoặc xào thịt bò. “Đặc sản” bông điên điển mọc tự nhiên mỗi khi lũ về, đã ngon lại rẻ. Cá linh cũng là một đặc sản của vùng đất phương nam chỉ có vào mùa nước nổi. Thịt cá linh vừa mềm vừa béo, thường được kho lạt hoặc kho me. Còn nếu đem cá linh nấu canh chua với bông điên điển thì đúng là hết ý. .
“Canh chua điên điển cá linh/ Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”. Cái vị nhẫn nhẫn bùi bùi của bông điên điển, lại thêm vị béo ngậy và thơm phức của cá linh, ăn một lần là nhớ cả đời. Người dân miền tây mặc dù có phần nghèo khó, nhưng những món đặc sản như thế này lại là món ăn thường ngày.
Nhiều người cho rằng chuột là thứ bẩn thỉu, không thể ăn được. Nhưng khi về miền tây nếu cứ nghĩ vậy là lầm to. Con chuột sống nơi cống rãnh mới mang mầm bệnh.
Còn giống “chuột cơm” sống ngoài đồng ăn lúa nên mập mạp, thịt nó ăn còn ngon hơn cả thịt gà. Chuột cũng là món “đặc sản hàng ngày” của dân miền tây. Nếu khách đến đây mà chưa ăn chuột coi như chưa đến miền tây lần nào. Món truyền thống là “chuột xào rau răm”, “chuột khìa nước dừa”. Còn chuột làm sạch rồi đem ướp gia vị cho thấm, rồi đem nướng trên than hồng lại là “mồi bắc” của dân nhậu. Chuột còn được đem nấu canh chua xả, thịt vừa mềm vừa thơm, ăn bao nhiêu cũng không đủ.
Nước lên, những đồng lúa bạt ngàn chìm trong biển nước. Nhưng lúa bây giờ được thế chổ bằng bông súng. Bông súng mùa này cũng mọc tự nhiên đến kín đồng, người ta gọi là “bông súng ma”. Người dân chỉ việc ra ruộng nhổ lên chất đầy xuồng rồi chở ra chợ. Trong những bữa cơm chiều, nếu có nồi cá linh kho lạt ăn với bông súng là coi như khỏi phí nửa cuộc đời.
Ẩn trong sóng nước mênh mông mùa lũ là bao nhiêu tặng vật của tự nhiên. Mùa này ngoài đặc sản cá linh, thì cá rô, cá lóc, cá trê… cũng nhiều vô số.
Cá lóc thì đem nướng trui rồi nhắm nháp với vài li rượu đế. Cá rô chiên giòn vừa mềm vừa ngọt chấm với nước mắm gừng cay cay…
Chỉ cắn vào một miếng thôi là tưởng như quên cả đất trời! Không riêng gì chuột, cá, mà lươn, ếch, rắn, rùa... trong mùa nước này cũng đều trở thành món ăn khó quên cho bất cứ ai yêu mến mảnh đất phương nam, vốn chỉ mới hình thành hơn 300 năm lẻ.
Du ngoạn giữa ngàn khơi…
Bình thường người miền tây chỉ quanh quẩn bên ruộng vườn, nhưng khi nước lên họ lại có thêm nghề mới. Đến đây, bạn sẽ được cùng họ ra đồng giăng câu, thả lưới. Ngồi trên chiếc xuống ba lá chòng chành giữa biển nước, bạn sẽ thấy được cách họ thả câu, móc mồi như thế nào. Rồi nửa đêm chống xuồng ra ruộng thăm câu, tiếng cá mắc câu quẫy đuôi dưới nước làm lòng rộn rã, quên rằng gió tây nam đang thổi lạnh buốt sau lưng.
Trong mùa nước nổi, xuống ba lá là phương tiện mưu sinh chủ yếu của người nông dân. Dùng xuồng để đi lại, giăng câu thả lưới, hay dùng chở đất thuê… Chiếc xuồng bé nhỏ lướt băng băng giữa đồng còn nhanh hơn cả đi xe. Về miền tây để được cầm xào chống xuồng qua những bờ ruộng ngập nước mà du ngoạn khắp nơi. Được ngồi giữa đồng một mình câu cá, bỏ lại sau lưng tất cả phiền muộn - cái hối hả lo toan thường ngày. Chiều chiều, ngồi trên chiếc xuồng ba lá nghe sóng nước dập dềnh. Giữa trời nước mênh mông gió lộng, nhấp một ngụm nước trà ướp hương sen ngọt đắng rồi lắng nghe câu hò tình buông lửng. Hay thả hồn theo câu vọng cổ dặt dìu “xế liêu xang xự”… mà nghe lòng thanh thản lạ thường.
Mùa này cá nhiều lại rẻ. Bắt được ăn không hết, người ta đem làm mắm để dành ăn trong mùa khô. Về đây bạn sẽ được tận tay làm mắm. Biết được qui tắc muối cá “một chén cá ba chén muối”. Và bao lâu thì mới “thính mắm”, “chao mắm” được. Đặc biệt, món lẩu mắm với rau nhúc, mồng tơi, tai tượng, bông súng … bạn không được ăn. Nếu ăn rồi bạn sẽ không muốn về nhà nữa đâu!
Mọi năm nước lên là ngập nhà ngập đường. Còn bây giờ đường nông thôn đã có bờ đê cao chống lũ. Về miền tây mùa này bạn có thể ở “homestay” với người dân địa phương. Dân miền tây xưa nay hồn hậu chân chất và rất hiếu khách sẵn sàng chào đón bạn. Giờ này, ở miền tây nước đang lên, người dân đang háo hức chờ lũ về để bước vào cuộc mưu sinh mới. Về với vùng lũ để được “sống chung với lũ”, để hiểu được nghị lực và khí phách của những con người dũng cảm nơi đây. Cùng sống với lũ để lắng nghe “mùa nước nổi” đi qua cuộc sống của mình, vừa gột rửa tâm hồn vốn không ít phiền muộn, vừa làm lòng mình mát sạch. Và không chừng, còn đem đến cho mình màu mỡ “phù sa” của vùng đất “chín rồng” linh thiêng này.
Du lịch, GO! - Theo Giản Phúc - YuMe, ảnh internet
Tổ chức đi phượt mùa lũ - Giảm thiểu rủi ro, tai nạn
Mùa lúa chín, mùa mưa lũ... mùa "đi"!
Đề nghị các nhóm tổ chức đi du lịch bằng xe máy trong mùa này cần chú ý một số điểm không thể bỏ qua như sau:
+ Các đoàn đều phải có trưởng đoàn có kinh nghiệm tổ chức. Các thành viên phải tôn trọng tiếng nói của trưởng đoàn cũng như kỷ luật đoàn đề ra ( * Đừng lên đường nếu đoàn đi của bạn chưa thống nhất một số kỷ luật về đi xe, về phân công trách nhiệm, về quy định dừng nghỉ...)
+ Chuẩn bị xe cộ tốt cũng như một số đồ dùng cứu hộ nếu đi vào các bản làng xa xôi hoặc các cung đường hiểm trở ( hoặc tốt nhất chọn các cung đường vừa sức không đi qua hoặc ngủ lại các điểm "nhậy cảm" như bản trũng cạnh suối, bản nằm dưới chân núi vvv). Đồ dùng cứu hộ đơn giản nhất là dây thừng, còi, đèn pin...
+ Các đoàn trên 8 xe máy tuyệt đối phải chia nhóm và có xe chốt đoàn của từng nhóm. Người chốt đoàn là người hi sinh hơn các thành viên khác. Không bao giờ dừng lại quá 5' để chụp ảnh, nghỉ chân. Không vượt trước các thành viên trong đoàn. Giữ dụng cụ sửa xe của đoàn. Có đủ số ĐT của đoàn. Luôn đảm bảo gom đủ thành viên khi tới trạm nghỉ. Xe chốt đoàn có thể thay đổi trong suốt chuyến đi để đảm bảo mọi thành viên đều có thể tận hưởng chuyến đi một cách thoải mái.
+ Luôn tâm niệm không "vượt mọi thử thách" và đối mặt với mọi " rủi ro" trên đường. Bằng cách tôn trọng luật giao thông. Không rượu bia ở các bữa ăn nếu chưa phải chặng nghỉ cuối. Không hái hoa, rửa chân tay, trèo leo ở suối - thác - ngầm trên đường ( cho dù đang ở cùng cả đoàn). Lựa chọn địa điểm nghỉ chân và nghỉ đêm hợp lý.
Kao
0 nhận xét:
Đăng nhận xét