Từ thị xã Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) đi về hướng biển Long Hải khoảng 25 km, dọc theo con đường quanh co uốn lượn, bên là biển rộng mênh mông, bên là ngọn núi Kỳ Vân cao vời vợi quanh năm lộng gió, du khách sẽ thấy một ngôi chùa nằm nép mình yên bình dưới những ngọn núi đá đồ sộ. Đó là Phủ Thạch Hầu.
Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, tọa lạc dưới chân núi Kỳ Vân, xã Phước Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa. Phủ Thạch Hầu hay chùa Khỉ vốn có tên gọi chính thức là Thiền viện Chơn Nguyên. Hơn mấy chục năm về trước khi Thiền viện còn là những căn nhà ghép bằng gỗ ván tạm bợ nằm vắt vẻo trên triền núi Kỳ Vân thì lũ khỉ đã về đây sinh sống. Lúc đó, một vài con khỉ đuôi dài ốm đói, chúng kéo từ trên núi xuống trộm trái cây cúng, sư thầy trụ trì Thích Thông Luận thấy thương nên cho ăn.
Dần dần lũ khỉ quen hơi, tìm xuống chân núi mỗi ngày. Ban đầu là dăm chục con, sau đó đợt cao điểm, số khỉ lên tới 200 con. Mải rồi người dân địa phương gọi chùa là chùa Khỉ.
Trong hành trình đến Long Hải, nhiều du khách không ngần ngại chọn Chùa Khỉ làm nơi dừng chân. Bên cạnh việc lễ Phật và tham quan cảnh đẹp thiên nhiên thì điều hấp dẫn khác chính là những chú khỉ ngộ nghĩnh, được nuôi trong môi trường tự nhiên trên ngọn núi Kỳ Vân phía sau chùa.
Khách đến tham quan chùa muốn thấy khỉ thì phải đi tầm 10-11 giờ sáng, thời điểm đàn khỉ xuống núi ghé chùa dùng bữa. Từ trên đỉnh núi: khỉ lớn khỉ bé, có con đeo theo con nhỏ đi thành từng bầy lũ lượt xuống núi. Ngôi chùa vốn dĩ yên tĩnh bỗng chốc náo động bởi âm thanh kêu gọi bầy đàn chí chóe và tiếng hò reo phấn khích của khách thăm chùa. Khỉ bu đen trên cây, trên mái chùa, trên mỏm đá có tượng Phật. Bầy khỉ trật tự chờ được người nhà chùa cho ăn, không phá bĩnh.
Lúc đầu chỉ vài ba chục, giờ số khỉ đã lên đến gần 200 con. Du khách đến đây thường mang theo chuối và các loại trái cây, cho khỉ ăn rồi mới tham quan cảnh đẹp.
Lần bên phải chùa lên núi Kỳ Vân ngắm cản quan: Nổi bật giữa muôn ngàn cây lá xanh tốt, những tuyệt tác từ đá do thiên nhiên kiến tạo sẽ làm cho du khách ngạc nhiên đến thú vị. Một “rắn ngậm ngọc” biểu tượng cho sự phồn thịnh; một tảng đá lớn hình dáng như tượng đầu Phật gợi sự an lành; một tảng khác giống như một con voi khổng lồ quỳ phục; một cây bồ đề trăm tuổi, gốc và rễ len lỏi trong từng hốc đá gợi nhớ dáng cây Kơnia Tây Nguyên…, tất cả làm nên nét độc đáo của ngôi chùa mà không nơi nào có được.
Muốn mạo hiểm, du khách có thể lần theo con đường mòn phía sau chùa dẫn lên đỉnh Bạch Vân. Trên đỉnh, điện Bạch Vân nằm nhô ra khỏi lưng chừng núi, quanh năm lộng gió. Từ đây, du khách có thể nhìn bao quát toàn bộ cảnh biển mênh mông non nước hữu tình.
Chùa hiện nay là điểm du lịch dã ngoại hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và nước ngoài. Vào mùa xuân, con đường từ thị trấn Long Hải đến chùa Khỉ (cách khu căn cứ Minh Đạm, Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 2,5 km) tràn ngập hoa anh đào trắng hồng rực rỡ. Đây là một điểm sinh thái khá lý thú dù chưa được sự đầu tư và phát triển của ngành du lịch.
Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét