Lũy tre thấp thoáng đàng xa
Mấy mươi bước nữa về qua cổng làng
Trong lòng bỗng thấy xốn xang
Quê hương hai tiếng nặng mang suốt đời...
Xưa, ở những làng quê châu thổ Bắc bộ, Làng khi ấy tương đối khép kín, chỉ để một hoặc hai lối ra vào và cổng làng được quy định là giới hạn giao lưu liên làng và mở ra khu thổ canh của làng đó. Vào buổi sáng, cổng làng mở, dân làng đi làm, đến tối lặn mặt trời, sau khi dân làng về thôn thì cổng làng được đóng lại, "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Lâu dần, cổng làng không chỉ là nơi phân địa giới giữa các làng với nhau, mà trở thành biểu tượng văn hoá của làng quê châu thổ Bắc bộ, cùng với cây đa, mái đình. Và cổng làng luôn có vị trí quan trọng trong đời sống thực và tinh thần người Việt.
Theo quan niệm truyền thống, bên cạnh cây đa, giếng nước, đình chùa, cổng làng vốn có ý nghĩa như một sự chào đón chân thành, hồ hởi của người địa phương dành cho khách. Với những người con xa quê lâu, sau một hành trình dài trở về, chiếc cổng làng luôn mang đến cảm giác yên bình, thân thương, tạo những giá trị hữu hình vô giá.
Cổng làng xưa – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ
Cổng làng là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của làng quê cổ truyền vùng Bắc Bộ. Cổng làng thường tập trung nhiều ở vùng đồng bằng Bắc bộ như ở tỉnh Hà Bắc, Hà Tây, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, chủ yếu là những vùng trồng lúa và có văn hoá làng xã. Có làng giàu, có làng khoa bảng, có làng nghề... tất cả những cái hay cái đẹp đều được các vị túc nho viết thành câu đối khắc trước cổng. Và đó là một phần của văn hóa làng.
Cổng làng hai bên có lũy tre, lại mở ra cánh đồng nhiều gió mát, dân làng thường đến ngồi chơi và nhiều khi cổng làng là nơi giao lưu tình cảm, trao đổi thông tin. Một chiếc cổng bằng gỗ cũ kỹ đã tróc sơn, một cánh hay một chiếc cổng xây bằng gạch rêu phong đã mọc đầy là hình ảnh quen thuộc của làng quê Bắc bộ Việt Nam - một biểu tượng thân thương và đặc trưng của mỗi làng quê truyền thống.
Cổng làng ra đời từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành và phát triển của làng. Ðó là nơi đất lề, quê thói, làng đã đủ tuổi để cất dựng nên một chiếc cổng. Dù to dù nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà trong làng có thể xộc xệch, sơ sài; con người có thể lam lũ, nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Ðơn giản chỉ bởi cổng làng là bộ mặt, là biểu tượng của làng quê, phần nào thể hiện được cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân trong làng.
Cổng làng được dùng như một qui ước không gian hơn là một giới hạn địa lý của làng. Tam quan cổng làng được dùng như một qui ước không gian hơn là một giới hạn địa lý của làng. Nó chẳng ngǎn che được gì về vật lý lẫn thị giác. Vậy mà làng không cổng chẳng khác gì nhà không cửa. Nó như một dấu hiệu đánh mốc trong và ngoài của không gian làng - đó là một phần của văn hóa làng. Cái kiểu đánh dấu này luôn tồn tại trong tâm thức người Việt. Một buổi giao lưu trong thiên nhiên, một đám hội hè, hễ có nhiều quần thể khác nhau thì thế nào cũng dựng cổng, định vị "xác định chủ quyền" dẫu thực tế chẳng có gì ngǎn cách. Cổng làng như một nghi thức trong cấu trúc môi trường làng. Có cổng thì ở sát rìa làng, có cổng thì ở tít đầu đường, chỗ giao với cái quan (đường cái) và làng.
Vẻ đẹp của cổng làng gắn với nền văn minh lúa nước, mang tính phác họa, gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác, nơi như có dáng đứng của cha, có vòng tay của mẹ, nơi tâm điểm để cho ta lượng đo sức mình khi đi xa và ngược lại nó cũng là nơi hút về những nỗi nhớ, những hoài niệm về quê hương. Cố giáo sư Từ Chi cho rằng, cổng làng có vị trí quan trọng trong đời sống thực và đời sống tinh thần người dân Việt Nam. Bởi lẽ, dù đô thị hóa đến đâu, nhiều nhà cao tầng hay biệt thự, làng vẫn không thể là phố.
Chưa cần bước sâu vào làng, chưa đặt chân tới sân đình, đứng trước cổng làng, người xa lạ cũng có thể cảm được phần nào cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân. Bởi vậy, cổng làng phải được đặt ở vị trí trang trọng nhất và dễ nhìn nhất, để người của làng dù có tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, trở về trong một đêm không trăng, không sao chỉ khẽ chạm tay cũng biết mình đã về tới mái nhà thân yêu. Phía sau cánh cổng làng chính là sự kết nối cộng đồng gia tộc làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hoá riêng biệt không làng nào giống với làng nào.
Con đường đi qua cổng làng, để lại theo nǎm tháng những lớp bụi quê vô thường, vô thức, chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện lớn của làng. Những đám rước, đám hội, thương nhau cũng hò hẹn ở chốn cổng làng, rồi khi về làm dâu, bước qua cổng làng về nhà chồng, trở thành một thành viên trong cộng đồng dân cư... như đều được bắt đầu hay kết thúc ở đây. Có ai mỗi khi xa quê không ngoái nhìn lại, nhìn lần cuối tam quan làng mình. Những người con xa xứ, khi về lại quê nhà, bước qua cổng làng là biết mình đã về tới mái nhà thân yêu, về được lại mảnh đất chôn rau cắt rốn, chợt thấy lòng ấm lại. Có cả niềm hân hoan, nỗi bịn rịn ươn ướt trên mi, quệt vào vách cổng, sướt trên cột cổng. Và có ai mỗi khi xa quê không ngoái nhìn lại, nhìn lần cuối tam quan làng mình. Với vẻ trầm mặc ghi dấu ấn văn hóa một thời được xây dựng và phương trưởng của vùng miền theo thời gian.
Kiến trúc cổng làng châu thổ Bắc bộ
Kiến trúc cổng làng xưa không cầu kỳ, phô trương, mà chỉ nhằm khẳng định chỗ đứng của mình trong khoảng không gian làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, vốn "nửa kín, nửa hở", trong đó giới hạn của nó chỉ mang tính chất tượng trưng. Mỗi một cổng làng Việt Nam đều có những nét kiến trúc riêng làm tâm điểm trong cái bố cục hài hòa với không gian của con đường làng, lũy tre xanh, cây đa, giếng nước, ao làng và những cánh đồng lúa chín.
Cổng làng thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất, dễ nhìn thấy nhất và thường thì chỉ có một cửa chính nhưng ở nhiều nơi, liền với cửa chính còn có hai cửa phụ thấp và nhỏ hơn, được xây dựng trang trí hài hoà với cổng chính, tạo thành một thể kiến trúc thống nhất tựa như những ngôi tam quan của chùa, hay như những bức cửa mã ở đình làng. Ngày thường, người lạ kể cả dân làng chỉ được qua lại ở hai cửa ngách, khi làng có việc trọng đại như vua đến thăm, lễ rước quan trạng vinh qui, hội hè… cửa chính mới được mở ra. Hai bên cổng làng thường gắn đôi vế đối chữ nho, câu đối có thể do vua ban nhưng phần lớn là những câu đối do làng lập nên.
Cổng làng thường là một tam quan xây gạch, không to lắm cũng không lớn lắm. Cầu kỳ thì đắp ngói với một vài họa tiết dân gian. Ở những chốn quê nghèo, cổng làng mộc mạc. Hai bên trụ gạch thấp nhỏ, khiêm nhường đỡ một tấm xà cũng bằng gạch, thế là thành cổng làng. Không một nét vẽ trang điểm, không màu mè, thậm chí không một nét chữ tên làng, vậy mà chính những chiếc cổng vô danh như thế lại trở nên thân thiết gắn bó vô chừng.
Làng khá giả thì cổng lớn, rồng chầu, hổ phục, nóc mái và đầu đao có khi kết đôi chim phượng. Thời phong kiến, nhiều khi danh giá của làng quyết định tầm cỡ cổng làng. Ngày ấy, làng nào có nhiều người đỗ đạt, làm quan thường được vua ban cho quyền xây cổng lớn nhưng cũng không được vượt quá những qui định của luật lệ.
Cũng không ít làng dựng hai cổng, gồm cổng tiền và cổng hậu. Cổng tiền, thường hướng về phía Đông Nam, hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc, để đón những niềm vui sinh sôi trong lao động và hạnh phúc, còn cổng hậu, thường hướng ra phía Tây, hướng mặt trời lặn, để tiễn đưa những vướng bận buồn rầu.
Cổng làng trước đây còn có cánh cửa, do bà con địa phương chung tiền dựng bằng gỗ hoặc bằng tre và thường trổ về hướng Đông Nam, đón gió mát và mặt trời mọc. Cánh cửa ấy mở ra mỗi sớm, với hy vọng mang vào phúc lộc và niềm vui. Cổng có người thay nhau canh gác để bảo vệ bình an cho bà con, khi có biến động.
Cổng làng, đối với người xưa, có sự gắn bó sâu sắc, thể hiện tình cảm thiêng liêng với quê hương xứ sở. Xưa, Lương Văn Can, người sáng lập ra phong trào Đông Kinh nghĩa thục (1907), quê ở làng Nhị Khê, Thường Tín, mỗi khi về quê, qua cổng làng là cổng Quốc, có đề bốn chữ “Như kiến đại tân” (Như được đón khách quý), nếu đi xe tay, đến cổng Quốc, ông đều xuống xe, đi bộ về nhà. Mặc dù theo lệ làng phải đến gần đền thờ Nguyễn Trãi, gọi là đền ông Khai Quốc, có tấm bia hạ mã, người đi xe mới phải xuống xe đi bộ qua đền, rồi qua đền lại được lên xe đi tiếp.
Tình cảm sâu nặng với quê hương, trân trọng các bậc tiên liệt của người quê, mỗi khi qua cổng làng đáng quý, đáng trọng biết bao. Trải qua bao đời, những tình cảm ấy, gắn với cây đa, giếng nước, ao làng, gắn với những ngôi đình, ngôi chùa cổ, đã trở thành hồn quê, mang sức sống và bản lĩnh của làng, trở thành sức mạnh vật chất, chống lại kẻ thù, mỗi khi đất nước bị xâm lược. Nhờ vậy mà ở những thời kỳ dân tộc ta bị mất nước nhưng làng thì không bao giờ mất. Và lẽ sống của người làng được ghi tạc ở cổng làng, luôn sáng ngời những giá trị chân, thiện, mỹ. Đó chính là một diện mạo mang bản sắc độc đáo của văn hoá làng.
Trải qua thăng trầm của thời gian, ngày nay cổng làng - Biểu tượng văn hoá của làng quê châu thổ Bắc bộ đang dần đi vào quên lãng bởi tốc độ chóng mặt của sự đô thị hóa. Nhà tầng với nhiều kiểu cách xây dựng pha tạp đã mọc lên giữa những làng quê bao đời mộc mạc, bình dị, phá vỡ ít nhiều cái cảnh quan đã là đặc trưng của nông thôn Bắc bộ suốt mấy trăm năm.
Dẫu vậy, vẫn còn ở đâu đó tại các làng quê miền Bắc bộ vẻ đẹp của những kiến trúc cổ của những chiếc cổng làng đa dạng. Cổng làng Bắc bộ như một lời mời chào thành thật nhất để ta bước vào với đời sống làng quê. Trong một góc tâm thức nào đó của người dân, cổng làng vẫn tồn tại như một biểu tượng thân thương và đặc trưng của mỗi làng quê truyền thống.
Hiện nay, các làng quê Việt Nam và các làng xã ngoại ô thành phố đang nở rộ “phong trào” phục chế lại hay xây dựng mới các cổng làng theo kiểu truyền thống. Đó là một nét đáng mừng. Nhưng có lẽ, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu sau mỗi cổng làng ấy là cuộc sống người dân luôn no ấm, yên bình và đậm đà bản sắc “Mỹ tục khả phong” (Phong tục tốt đẹp) riêng.
Du lịch, GO! - Theo mạng Cinet, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét