Săn mây Y Tý là hành trình không xa lạ với dân phượt 2 bánh. Tuy nhiên, phượt với xế 4 bánh Ford Everest 1 cầu mang lại những trải nghiệm khác biệt và khó quên.
Với dân phượt chuyện nghiệp, cung Hà Nội – Lào Cai – Y Tý là một trong những cung đường thử thách và không nên bỏ lỡ. Phương tiện phổ biến nhất là Honda Wave và Dream chiến với lịch trình là Hà Nội – Sapa bằng tàu hỏa và đi xe máy từ Sapa lên Y Tý. Trong đó cung đường chủ yếu là từ Sapa – Bát Xát – Trịnh Tường – Lũng Pô – Y Tý bởi đường đỡ xấu.
< Cũng có đoạn lội nước qua đập.
Còn chúng tôi cùng với người đồng hành Ford Everest phiên bản 2009 1 cầu sau số tự động lại thử cảm giác khám phá với cung đường thử thách hơn từ Hà Nội – Lào Cai - Sapa – Bản Xèo – Mường Hum- Y Tý. Dù đã nghiên cứu bản đồ khá kĩ trước khi khởi hành, chúng tôi vẫn không khỏi lăn tăn khi không ít dân địa phương khẳng định “không có đường lên Y Tý cho ô tô đâu”.
Dù vậy, chúng tôi vẫn lên đường. Nếu chúng tôi mất 1 ngày để hoàn tất chặng đường từ Hà Nội lên Sapa khá quanh co với chiều dài hơn 300 km thì cũng bằng đấy thời gian chúng tôi mới đi hết hơn 70 km từ Sapa lên Y Tý. Trong phần lớn chặng đường chúng tôi phải “bò” với vận tốc dưới 10km/h.
Khởi hành từ sáng sớm, chúng tôi vừa đi vừa hỏi đường lên Y Tý, những con đường cực nhỏ xuyên qua bản là thử thách không dễ vượt qua với chúng tôi. Thời tiết tạnh ráo giúp chúng tôi tự tin hơn trong công cuộc khám phá miền đất hoang sơ này. Phần lớn đường từ Mường Hum đi Y Tý rất nhỏ, ngoằn nghèo với nhiều đá răm. Không ít đoạn đang trong giai đoạn làm đường với đá hộc và cả bùn lầy.
Dù chỉ có một cầu sau nhưng Ford Everest có dịp thể hiện khả năng off-road của mình qua những đoạn đường đầy thử thách. Nội thất xe rộng rãi giúp chúng tôi đỡ mệt trong một hành trình liên tục đầy khó khăn. Đôi lúc, các thành viên phải xuống đi bộ dẫn đường để lái xe một mình vượt sinh lầy.
< Mây mù xuất hiện trên đường vào rừng nguyên sinh Y Tý.
Đến chiều tối khi đến rừng nguyên sinh Y Tý, chúng tôi được chào đón bởi mây mù. Cảnh vật hoang sơ cùng mây giăng tạo cảm giác liêu trai khi chỉ có chúng tôi trên con đường độc đạo.
Vượt qua rừng, càng tiến gần Y Tý, mây mù càng dày đặc, chúng tôi vừa đi vừa “mò” và đôi lúc không khỏi giật mình bởi một chiếc xe máy của người dân tộc lao tới.
< Vượt qua rừng, càng tiến gần Y Tý, mây mù càng dày đặc.
Một đêm tại Y Tý, uống rượu của người Mông, cảm nhận cái rét ẩm ướt mang lại cho chúng tôi những kỷ niệm khó quên để rồi sáng sớm chúng tôi lại lên đường “săn mây”.
< Từ Y Tý đến A Mú Sung là một chặng đường cực xấu và nguy hiểm.
Từ Y Tý đến A Mú Sung là một chặng đường ngắn mà cực dài bởi dù chỉ dài 12 km nhưng chặng đường xuống núi này cực xấu. Chúng tôi thận trọng đi cực chậm trên con đường độc đạo sình lầy với một bên là vực và một bên là núi.
< Bù lại là cảnh mây mù rất huyền ảo.
Dù vô cùng nguy hiểm nhưng quang cảnh chúng tôi thấy phía dưới khiến mọi khó khăn trở nên nhỏ bé. Dưới chân chúng tôi là trùng trùng điệp điệp mây, mây trắng giăng khắp thung lũng. Hành trình hàng trăm km đầy thử thách chỉ để có cảm giác đi trên mây này hoàn toàn xứng đáng.
Sau hơn 1 tiếng ngắm mây, chúng tôi lại lên đường tới Lũng Pô, một trong những địa đầu của Tổ Quốc, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Đường lên Lũng Pô không có nhiều sinh lầy nhưng lại rất nhỏ, dốc và quanh co. Chiếc Everest số tự động liên tục phải đi ở chế độ số 1 để hạn chế tối đa việc dùng phanh, tránh nóng má phanh. Dù đường rất nhỏ và dốc, nhưng với người bạn đồng hành này chúng tôi không quá khó khăn để tới đích.
Hành trình 3 ngày trên gần 900 km cũng kết thúc nhưng cảm giác “săn mây” trên đỉnh núi cùng sự vui sướng khi vượt qua những cung đường đầy thử thách khiến chúng tôi mơ ước có dịp trở lại Y Tý, vùng đất hoang sơ đầy thú vị.
Băng rừng bằng “đại xa”
Ở Hà Nội có một đội chuyên phượt bằng ô tô. Lần nào lên đường, trên xe cũng chất đầy đồ dùng học sinh, quà, gạo...để mang đến tặng đồng bào nghèo nơi đoàn dừng chân. Chuyến đi này, đoàn “of road” của chúng tôi gồm những người lớn tuổi. Có bác tuổi đã gần 60 mà lái xe phăng phăng đến vùng núi cao Mù Cang Chải, Yên Bái. Tất cả không chỉ để thỏa niềm đam mê khám phá vượt thác ghềnh mà còn có thêm trải nghiệm trong cuộc sống.
Trời mưa khiến đường trở nên trơn trượt. Đèo dốc cao vút theo chiều ruộng bậc thang, nhiều đoạn xe dốc ngược, người lái chỉ thấy... mây. Tôi hỏi anh Sơn- một người trong đoàn “of road”- về những “chiếc xe đặc biệt” này, anh bảo: “Thực ra nó không có gì… đặc biệt cả. Đối với dân “phượt of road”, kinh nghiệm lái xe dày dạn là một chuyện, còn kinh nghiệm xử lý vượt chướng ngại vật như đường lầy, đường khó thì phải tuyệt đối hoàn hảo và an toàn”.
Trên mỗi xe đều đầy đủ đồ nghề, để có thể khắc phục sự cố mỗi khi chuyện “đen đủi” xảy ra. Nói về kỹ thuật hay tác dụng của mỗi phụ tùng trên xe, loại xe, họ có thể nói vanh vách như chuyên gia kỹ thuật ô tô thực thụ. Song, điều đó chỉ là hành trang cần và đủ của dân “phượt of road”, chứ không phải mục đích chính của những người có thú đam mê xe hơi. Bởi đối với họ, chơi nhưng phải thiết thực và ý nghĩa. Được biết, để đến vùng Mù Căng Chải lần này, những người trong đoàn đã phải tiền trạm trước đó hàng tuần để nắm được tình hình đường sá, người dân nơi đó cần gì để đoàn có thể ủng hộ, giúp đỡ...
Dân “phượt” bằng ô tô bao giờ cũng vậy, đầu tiên là chinh phục những cung đường khó, lầy lội và mang quà đến tận tay người dân. Tiếp đến, phải là những chiếc xe ô tô được “độ” phù hợp với điều kiện địa hình đường sá khó trên đất nước Việt Nam. Mỗi chuyến đi như thế, đều là cuộc khám phá đầy ý nghĩa và mang theo niềm vui.
Du lịch, GO! - Theo VTC, ANTĐ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét