Rời Bình Định trời đã xế chiều, xe theo Quốc lộ 19 lên các tỉnh Tây Nguyên.
Không khí dịu mát thay dần cái nóng cháy người ở miền biển. Bầu trời bắt đầu xuất hiện những đám mây xám xịt như báo hiệu trời sẽ mưa. Dọc bên đường có nhiều rẫy bắp, cà phê của đồng bào dân tộc. Thấp thoáng trước mặt, dãy Trường Sơn hùng vĩ dần hiện ra. Chúng tôi đã đến Tây Nguyên!
Về chiều, một cơn mưa rào chợt ập đến khi xe vào khu vực núi non hiểm trở. Các loài cây mọc trên núi như tươi tỉnh ra đối lập với một không gian vắng lặng. Hơn nửa giờ sau, mây tan mưa tạnh, màu xanh của rừng, màu xanh của trời đất được rắc thêm sắc nắng vàng tạo nên một gam màu trong xanh, gợi một cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng. Cảnh đẹp vây quanh chúng tôi từ bốn phía.
Những con đèo ngoằn ngoèo cứ nối tiếp nhau mà chúng tôi chỉ nhớ được đèo An Khê - một địa danh đã ghi vào sử sách. Lên đến đỉnh đèo nhìn xuống, cả một khung cảnh hùng vĩ và mang đầy sự huyền bí của núi rừng. Con đường đã qua giờ nhìn lại trông giống một con rắn đang uốn mình đi tới. Bên dưới, những chiếc xe tải, xe khách đang “bò” lên, nhỏ như những chú kiến. Ven đường, chốc chốc có những ống nhựa dẫn nước từ các con suối xuống hai bên đường. Chủ xe tải dùng nó để rửa hay tẩy uế xe (đối với những xe chở gia cầm).
Vào địa phận Kon Tum, hai bên đường làng mạc, nhà máy, hàng quán, trạm xăng, khu dân cư trù phú. Nằm ở cực bắc Tây Nguyên, Kon Tum có tiềm năng phong phú về tài nguyên đất đai, khoáng sản và nguồn nhân lực dồi dào. Thị xã Kon Tum đang trong giai đoạn phát triển, chợ búa tấp nập, kiến trúc khách sạn, nhà hàng lạ mắt, hàng điện tử dồi dào, cùng những con đường mới mở làm chúng tôi ngạc nhiên. Đêm ở đây khá yên tĩnh, người dân dường như có thói quen ngủ sớm, mới 9 giờ tối mà đường phố đã vắng tanh. Lác đác một ít quán cà phê hoạt động với vài ba vị khách.
Kon Tum là vùng đất cư trú của nhiều dân tộc ít người, chiếm đa số là người Ba Na và Gia Rai. Họ là những cư dân nông nghiệp trồng lúa rẫy, mỗi năm làm một vụ, phụ thuộc vào nguồn nước trời. Nhà rông là nơi sinh hoạt chung và cũng là nơi diễn ra lễ hội của làng. Làng nào càng đông dân cư, nhiều thanh niên và giàu có thì nhà rông càng to, càng cao. Đi sâu vào bản làng, trẻ con bồng bế nhau kéo ra tròn xoe mắt nhìn những người đồng bằng lần đầu đến Tây Nguyên. Đứa nào nước da cũng sạm nắng, nhưng gương mặt thể hiện nét hồn nhiên của trẻ thơ vùng núi.
Đến với Kon Tum, biết được bao điều mới lạ. Cầu Đak Blà bắc qua sông là chiếc cầu dây văng lớn của Tây nguyên, được thiết kế khá đẹp. Người Kon Tum còn tự hào với nhà thờ gỗ - một công trình kiến trúc rất độc đáo với những đường nét riêng mang đậm tính tôn giáo. Không những thế, đây còn được xem là nhà thờ cổ nhất ở Tây Nguyên còn sót lại, xây dựng từ năm 1913 và hoàn thành năm 1918. Ngục Kon Tum còn đó như một minh chứng của lịch sử để nhắc với người đời về những cuộc đấu tranh đau thương, mất mát, gian khổ và đã phải trả bằng xương máu của các chiến sĩ cách mạng, họ đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để chống lại sự áp bức của thực dân Pháp.
Quốc lộ 14 - con đường huyết mạch xuyên các tỉnh Tây Nguyên giờ đã phẳng phiêu. Chốc chốc có chuyến xe Buôn Ma Thuột - Hải Phòng, Buôn Ma Thuột - Hà Nội chạy vụt qua. Từ Kon Tum về Gia Lai chỉ hơn 50km nhưng có nhiều đoạn gấp khúc. Trên đỉnh núi, mây cứ quần tụ bao phủ, cho dù mặt trời đã lên cao. Thấp thoáng bên dưới, nhiều người dân tộc lom khom làm cỏ, tỉa bắp... Gần đến Gia Lai xuất hiện khu rừng thông, như gợi nhớ về một góc trời Đà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên.
Thành phố Pleiku khá sầm uất với những con đường mới mở rộng thênh thang, những ngôi biệt thự, khách sạn, nhà hàng có lối kiến trúc mới lạ, nhưng phảng phất nét đặc trưng của Tây Nguyên. Khách sạn Hoàng Anh - Gia Lai thật đồ sộ, đứng trên sân thượng có thể bao quát toàn cảnh thành phố Pleiku. Đến đây mới thấy được hoạt động kinh doanh của bầu Đức phong phú cỡ nào, không chỉ đơn thuần gỗ và đội bóng đá Hoàng Anh - Gia Lai như mọi người đều biết.
Biển Hồ nằm không xa trung tâm thành phố với dòng nước trong xanh, cảnh quan thơ mộng không thua gì hồ Than Thở ở Đà Lạt. Nơi đây trước kia là miệng núi lửa, nay trở thành nơi cung cấp nước sạch cho cả phố núi này. Còn công viên Đồng Xanh có diện tích trên 20ha, nằm giữa một cánh đồng lúa xanh bát ngát. Nơi đây trưng bày những mẫu nhà rông, nhà sàn, những bức tượng uy nghi của Thần Lửa, Thần Nước... Đặc biệt, ở công viên này có trưng bày ba khúc gỗ hóa thạch với hàng triệu năm tuổi, nhìn bên ngoài đúng là gỗ nhưng sờ vào lại là đá.
Thật thú vị! Không chỉ ở Gia Lai mà đến đâu ở các tỉnh Tây Nguyên cũng bắt gặp rất nhiều bức tượng gỗ phản ánh công việc hàng ngày và sinh hoạt của người dân. Người đánh trống, người giã gạo, người trồng lúa, người đi săn... nhưng nhiều nhất là nói sự sinh thành, sự ra đời và tái sinh mãi mãi của con người: Tượng những thanh nữ ngực trần phồn thực, người đàn bà chửa, mẹ bồng con... Nhìn những tượng gỗ, nhà mồ Tây Nguyên có thể nhận ra đây là những tác phẩm được làm liền mạch như một cơn xuất thần tất yếu và bất chợt, dường như bức tượng đã nằm sẵn trong thân gỗ và óc người sáng tác, họ chỉ có việc bóc nó ra bằng những nhát rìu thúc giục.
Đến Tây Nguyên mà không cưỡi voi, uống rượu cần thì thật là phí. Ở Buôn Đôn (Đăk Lăk) có dịch vụ cưỡi voi. Những chú voi hiền lành luôn nghe theo lời chủ, sẵn sàng “hạ mình” để đưa du khách một vòng khu du lịch Bản Đôn. Những chiếc cầu dây giăng trên dòng Sêrêpok làm thót tim biết bao cô gái vùng đồng bằng. Đứng giữa cầu trông ra thác bảy nhánh đang tuôn nước xuống dòng sông Sêrêpok, vừa hùng vĩ lại vừa nên thơ. Hai bên bờ sông, các loại cây rừng có rễ, dây leo chằng chịt như đang muốn hướng ra sông, cứ nối dài đến gần chân thác.
Thấp thoáng bên dưới những rặng cây, vài du khách cũng như dân địa phương đang ngồi thảnh thơi câu cá. Từng đôi thanh niên nam nữ cố len lỏi bám vào các rễ cây lớn tiếp cận đến thác nước để chụp ảnh lưu niệm. Khi bước vào ngôi nhà dài của người Ê-Đê cứ như lạc vào thế giới của các sử thi hùng tráng. Đây là biểu tượng lớn nhất về mặt nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo hình của người Ê-Đê.
Đêm đến, chúng tôi tản bộ vào trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Quả là thủ phủ của Tây Nguyên! Khác với Kon Tum, PleiKu, hơn 9 giờ tối, khách thập phương vẫn còn tấp nập. Rất đông cư dân thành phố tập trung tại các công viên sinh hoạt hoặc đi bộ trên lề đường như một hình thức tập thể dục. Tuyến đường Nguyễn Tất Thành tập trung nhiều cơ quan hành chính của tỉnh, cơ quan đại diện của Trung ương ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên với những tòa nhà có lối kiến trúc hiện đại. Chợ đêm đã bắt đầu manh nha. Thành phố đang trên đà phát triển.
Mấy ngày đi khắp phố xá các tỉnh lỵ ở Tây Nguyên, điều chúng tôi thích thú là không có cảnh xe ôm, bán vé số chèo kéo khách. Tây Nguyên có nhiều điều kiện để mở những tuyến du lịch, vì nơi đây còn giữ được cảnh quan và xã hội cổ sơ. Chỉ tiếc rằng thời gian lưu lại của chúng tôi không được nhiều, không có điều kiện hòa mình vào cuộc sống của người dân tộc, đến những thung lũng hoang vắng hay mạo hiểm, trèo lên những đỉnh núi cao ngất trời...
Giữa những cánh rừng thông bạt ngàn trên đường 14 nối Buôn Ma Thuột - Pleiku - Kon Tum, những cột trụ của của trạm điều độ đường điện Bắc - Nam vươn cao, cùng với những cây ăng-ten trên chóp nhà rông, nhà dài của đồng bào dân tộc. Tây Nguyên đang thể hiện một sức sống mới.
Du lịch, GO! Theo báo Datmui, internet
Tây nguyên huyền diệu
Du lịch "bụi" Tây Nguyên
Tây Nguyên: Thú vị ngày bốn mùa
...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét