Ở nhiều vùng quê Phú Yên có những con đường được lát đá. Nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến đường đá cổ thuộc địa phận thôn Cần Lương (xã An Dân, huyện Tuy An).
Con đường đá cổ này là một bộ phận của di tích lịch sử chùa Từ Quang (chùa Đá Trắng). Đường đá cổ có độ dài hơn 500m bắt đầu từ quốc lộ 1 tại dốc Vườn Xoài trải dài lên đến vị trí ngôi chùa ở lưng chừng núi. Con đường không cao lắm nhưng do được xếp bằng đá tảng với mặt đường hơi gồ ghề nên chỉ dành cho người đi bộ.
Toàn bộ con đường được xếp bằng đá granit màu nâu đen được nhặt từ triền núi nơi đây. Đá có nhiều kích cỡ, từ những viên vừa tầm người nhấc cho đến những tảng lớn. Đá được vận chuyển về đây và sắp xếp một cách công phu, liền khít nhau. Tuy không sử dụng bất cứ chất kết dính nào nhưng đường đá cổ này được chèn kỹ lưỡng nên không bị chông chênh và có độ ổn định cao.
Chiều rộng của con đường đá cổ ở mỗi đoạn có sự khác nhau. Đoạn từ quốc lộ 1 lên đến đầu dốc khoảng hơn trăm mét có kích thước rộng hơn đoạn từ đầu dốc đến vị trí chùa, trong đó điểm rộng nhất là 5m, điểm hẹp nhất 2,5m. Việc kiến tạo con đường đá cổ này được tiến hành trong một thời gian dài và phải huy động nhiều sức người.
Theo sách Lược sử Phật giáo và các chùa Phú Yên, của tác giả Nguyễn Đình Chúc và Huệ Nguyễn thì con đường này được đắp vào những năm cuối thế kỷ XIX, là kỳ công của Thiền sư Huệ Nhãn, một trong những vị tổ sư trụ trì chùa Từ Quang cùng những tăng ni, tín đồ Phật giáo.
Di tích đường đá cổ chùa Từ Quang cách TP Tuy Hòa 35km về phía bắc. Con đường đá cổ là bộ phận của di tích chùa Từ Quang đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cấp Bằng công nhận là Di tích quốc gia năm 1997. Di tích này hiện đang được bảo vệ nguyên trạng với trạng thái bảo quản tốt.
Đường đá cổ chùa Từ Quang thuộc loại hình di tích lịch sử. Đây là con đường đá cổ còn nguyên vẹn nhất ở Phú Yên hiện nay. Con đường đá cổ của chùa Từ Quang là dấu tích vật chất hiếm hoi, điển hình cho loại hình đường giao thông bằng đá đã một thời tồn tại phổ biến ở Phú Yên.
Đường đá chùa Từ Quang vừa có giá trị thẩm mỹ, góp phần tạo nên nét đặc sắc của một ngôi cổ tự, vừa là di sản văn hóa kết tinh bằng công sức của các tăng ni, tín đồ Phật giáo chùa Từ Quang và các đạo hữu gần xa.
Hơn một thế kỷ trôi qua, đường đá cổ chùa Từ Quang đã in dấu rất nhiều bước chân của các tăng ni, tín đồ Phật giáo và lữ khách gần xa đến viếng chùa và chiêm ngưỡng đường đá cổ.
Nhìn bề mặt con đường đá nhẵn bóng đọng lại dấu ấn những bước chân đến chốn thiền môn khiến ta có cảm giác bâng khuâng khó tả. Mỗi khi du ngoạn nơi này, trong sâu thẳm ký ức của du khách lại liên tưởng đến bề dày lịch sử của một ngôi chùa gắn với con đường đá cổ và những giá trị tinh thần lan tỏa từ đó.
Du lịch, GO! - Theo web Phú Yên, internet
Chùa Đá Trắng
Chùa Từ Quang toạ lạc trên núi Bạch Thạch thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km. Chùa nằm trên núi, giữa một vùng toàn đá trắng nên còn gọi là chùa Đá Trắng hay chùa Bạch Thạch. Được xây dựng từ năm 1797, chùa Đá Trắng nằm ở độ cao gần 100m so với mặt nước biển. Lưng chùa hướng về phía Bắc dựa vào dãy núi Xuân Đài, những cụm đá màu trắng nhấp nhô ẩn hiện trong những chòm cây um tùm càng làm tăng thêm vẻ cổ kính, thâm nghiêm.
Ba mặt còn lại là triền núi thoai thoải đổ về hướng Đông với những lùm bụi nhỏ, cỏ xanh tạo cảm giác cho du khách thập phương như đang đứng nhìn ngắm một thảo nguyên thu nhỏ trong những bức danh họa cổ điển lúc trời quang mây tạnh, nắng hanh nhẹ.
Còn phía Nam, trước mặt chùa là con sông cái Ngân Sơn - Phú Mỹ bao bọc tựa một dải lụa bạc trong nắng ban mai. Những buổi chiều ánh sáng phản chiếu mặt nước biếc dòng sông và dãy núi đá trắng trong khoảnh khắc trời mây sông núi liền một màu trông rất thơ mộng.
Chùa có tổng diện tích khoảng 5.000m², phía Tây là nơi xây dựng tháp thờ các vị hòa thượng khai sáng và trụ trì. Trong số đó có một ngôi thật đồ sộ, những ngôi khác nhỏ hơn. Duy có điều bia hiệu của mộ tháp đã bị rêu phong xói mòn che phủ không còn đọc được chữ khắc. Riêng ngôi tháp của Đại sư Thiện Tu viên tịch được xây theo kiểu mẫu những mộ tháp của phái Đại thừa, đặc trưng của Campuchia, Thái Lan, dáng tháp có nhiều vòng tròn lớn nhỏ chồng lên nhau trông như những vòng hào quang của Phật pháp.
Xung quanh chùa là vườn xoài rất nổi tiếng, đã đi vào thơ ca Phú Yên như là một sản phẩm rất đặc biệt. Ngoài ra, trong chùa có quả Đại hồng chung nặng 330kg do Hoà thượng Pháp Ngũ đúc tại kinh đô Phú Xuân. Chùa Đá Trắng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1997.
Du lịch, GO! - Theo NTO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét