Ở độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, Mã Pí Lèng được biết đến như một trong những hùng quan độc đáo và là cội nguồn văn hóa của hơn 200.000 người Mông hiện sinh sống trên cao nguyên đá Hà Giang.
Đỉnh núi kỳ vĩ này nằm giữa đoạn đường nối thị trấn Mèo Vạc với thị trấn Đồng Văn dài chừng 20km. Để đến đó, bạn có thể đi “xe ôm” song một phương án được dân phượt ưa thích là thuê xe máy để tự mình chinh phục đoạn đường hiểm trở này, với giá khá “mềm” khoảng 20.000đồng/giờ/xe máy.
Và nếu muốn có một chuyến đi suôn sẻ, bạn cần có một tay lái vững vàng để vượt qua những khúc cua ngoằn ngoèo, có độ dốc cực lớn. Một sơ sẩy có thể khiến bạn rơi tõm xuống vực sâu hàng trăm mét bởi đoạn đường hẹp và hầu như không có rào chắn 2 bên.
Xuất phát từ thị trấn Mèo Vạc, sau hơn nửa giờ đồng hồ băng qua đoạn đường “tử thần”, chúng tôi có mặt trên đỉnh Mã Pí Lèng.
Người dân tộc ở đây rất hồn hậu, bạn có thể tìm đến nhà họ và “đặt vấn đề” ở lại cùng gia đình họ. Và chúng tôi đã có cơ hội tìm hiểu văn hóa người Mông nơi đây qua… một đám ma “tươi”.
Theo tục lệ người Mông, dù đám ma hay đám cưới đều phải tổ chức linh đình, mổ bò mời dân bản đến ăn. Nếu là đám ma, nhà nào có tiền mở tiệc đãi cả bản sẽ được tổ chức đám ma “tươi”, còn không có thì sẽ gia hạn khoảng 3 tháng sau phải mổ bò khao cả bản coi như trả nợ và đó là đám ma “khô”. Trong tiềm thức người Mông, cái chết chưa hẳn là nỗi buồn, không có địa ngục hay thiên đường. Âm phủ chỉ là một “bến chờ” trên con đường họ tìm đường lên trời đi tìm hồn tổ tiên nguồn cội…
Vậy nên, nếu có dịp dự một đám ma người Mông, bạn không cần phải tỏ thái độ buồn thương, thậm chí có thể cùng họ thưởng thức những đặc sản nơi đây như mèn mén, thắng cố… nhâm nhi chén rượu ngô cay nồng và thả hồn cùng những giai điệu khèn du dương, trầm bổng vang vọng khắp núi đồi. Người Mông quan niệm, tiếng khèn sẽ chỉ đường dẫn lối cho người chết về thế giới bên kia suôn sẻ.
Trong đám ma “tươi”, cả bản tụ tập cùng nhau ăn uống bên cạnh xác chết trong suốt 3 ngày diễn ra nghi thức đám ma. Và trong lúc ăn, người ta cũng không quên rót rượu hay bón cho người đã khuất những món ăn có trong buổi tiệc, coi đó như bữa cơm vĩnh biệt.
Khác với nhiều nơi, thi thể người quá cố được đặt trên những cây gỗ nhỏ, để ngoài trời sau khoảng 3-4 ngày mới mang đi chôn cất. Quan tài được làm bằng gỗ độc mộc và có lót lá cây dương xỉ. Xác chết được bọc vải đen, trắng 2 lớp, một lớp sẽ được thay ra và đốt trước khi đặt thi thể xuống quan tài, lớp được giữ lại sẽ là trang phục theo người đã khuất sang thế giới bên kia.
Đại diện gia quyến sẽ chỉnh trang lại trang phục, trong khi thầy cúng đọc những bài cúng nhằm trừ tà ma cho người đã khuất trước khi chôn cất. Sau khi lấp đất, ngôi mộ được phủ lên lớp đá tai mèo - vốn sẵn có trên vùng cao nguyên đá này. Việc đưa tiễn và chôn cất đều do nam giới đảm nhiệm.
Đám ma người Mông ở thôn Sừ Pa Phìn: Người ta vui vẻ, khèn sáo, rượu chè rồi hè nhau làm những bức "phướn" lộng lẫy sắc màu. Chẳng thấy sự buồn rầu hay ma quái nào ở đó cả mà chỉ toàn niềm vui sặc sỡ.
Ở bản Sín Lao Chải, khách có thể cùng đám trẻ ngồi dán những bức phướn trông thật lạc quan cho người quá cố. Ngồi ở trong mây, dán trong mây mù, một buổi chiều buồn như... nghĩa trang.
Khi xong hết thì người ta quy tụ giữa sân nhà rượu chè thỏa thuê và cuối cùng là đem người đã khuất đi chôn. Đoàn người gồm thân thích, láng giềng - dẫn đầu là những người lớn tuổi đi trong tiếng khèn trống, chũm chọe, thanh la, não bạt suốt dọc đường - những cái phướn, lọng cũng mang theo: thứ này sau khi chôn thì người ta sẽ đặt cạnh mộ.
Du lịch, GO! - Tổng hợp theo ANTĐ, Do Doan Hoang blog
0 nhận xét:
Đăng nhận xét