Hơn 20 năm nay, trên thềm lục địa phía Nam có những ngôi nhà bằng thép và gỗ, sừng sững hiên ngang giữa mênh mông đại dương. Đó là một minh chứng hùng hồn, khẳng định cột mốc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, bất khả xâm phạm.
< Trong nắng sớm giữa sóng nước mênh mông, nhà giàn hiện lên như biểu tượng của sức sống mãnh liệt, khẳng định chủ quyền trên biển của đất nước.
Vượt chặng đường hơn 300 hải lý, từ thành phố biển Vũng Tàu, hơn hai ngày đêm vất vả, con tàu HQ 996 đưa chúng tôi đặt chân tới các nhà giàn DK1 (gọi tắt là nhà lô) thuộc Cụm khoa học và dịch vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chốt giữ trên thềm lục địa phía Nam.
Pháo đài giữa biển
Tiếp chúng tôi trên nhà giàn Phúc Tần, thiếu tá Nguyễn Đại Hùng, trạm trưởng xúc động nói: Trước tháng 7/1989, trên vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam, một số nước có ý định thôn tính, độc chiếm Biển Đông, đã dùng cả vũ lực chiếm một số đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa vào tháng 3/1988. Sau đó, họ đã đưa tàu chiến, kết hợp với tàu thăm dò, bắt đầu ngang nhiên xuất hiện khảo sát ở tại thềm lục địa phía Nam, nơi có nhiều tiềm năng tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý báu như dầu khí, hải sản...
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trạm, chỉ vào lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trước gió, anh Hùng khẳng định "đây chính là biên giới, chủ quyền thiêng liêng của nước ta, bất khả xâm phạm".
Hiện nay, 15 nhà giàn DK1 nằm rải rác trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc, ở các bãi cạn như Quế Đường, Phúc Tần, Tư chính, Huyền Trân… thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và điểm cuối cùng chốt ở bãi cạn Cà Mau.
Mỗi nhà giàn vừa là cột mốc chủ quyền, vành đai thép khẳng định biên giới lãnh hải quốc gia, vừa là nơi trú ngụ cho các ngư dân ra khai thác hải sản xa bờ.
Được xây dựng với kết cấu bằng thép, mỗi nhà giàn có 4 chân, đóng trên dải san hô nổi, do Bộ tư lệnh công binh khởi công xây dựng từ tháng 7/1989. Với sức chịu đựng bền bỉ trước sự khắc nghiệt của thời tiết như gió bão giật trên cấp 11 - 12, nhà giàn được chia thành nhiều tầng, nhiều khối, tầng học tập công tác, tầng chứa nước ngọt, luyện tập thể dục thể thao, có cả khu tăng gia chăn nuôi gà, vịt và trồng rau xanh… với diện tích sử dụng hàng trăm mét vuông/ tầng.
Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, mọi hoạt động, hay sinh hoạt đều được tình toán, tận dụng chi li từng cm. Nhưng vui nhất vẫn là các chiến sĩ mới ra công tác lần đầu ở nhà giàn. Do chưa quen nhà, quen trạm, không gian bó hẹp, nhìn ra xa mênh mông sóng nước biển trời, hốt hoảng tưởng nhà giàn bị xập.
Thiếu tá Đậu Đình Phú, nhân viên cơ yếu nhà giàn chia sẻ: “Ở đây ngày nào cũng như ngày nào, chỉ có sóng gió và đồng đội làm bạn. Mỗi sáng thức dậy anh em lại lao vào luyện tập, rèn luyện thân thể, mỗi người một nhiệm vụ để canh giữ biển trời Tổ quốc. Tối đến mỗi người 1 giờ thay nhau gác, đó là những khoảnh khác căng thẳng nhất trong đêm. Những lúc rảnh rỗi anh em lại câu cá, nhưng mắt luôn dõi về đất liền".
Sứ mệnh lính đảo
Rời trạm Phúc Tần, chúng tôi đến thăm bãi cạn Tư Chính. Thiếu tá Trang Hải Âu đưa chúng tôi đi một vòng, đứng trên nhà giàn dõi theo các mục tiêu đang “di động” trên mặt biển.
“Lính biển chúng tôi không có phút nghỉ ngơi, nơi biên giới hải đảo xa xôi, những lúc bồng súng gác trong sương gió vẫn khắc khoải một tình yêu Tổ quốc đến vô bờ” - anh tâm sự.
Nói về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, đại úy Hồ Thế Công, nhân viên cơ yếu nhà giàn trả lời chắc nịch: Ở đây khổ nhưng vui lắm anh ạ. Lính đảo “thèm” lời ca tiếng hát của các đoàn văn công đất liền ra biểu diễn.
Ở đây, trung bình năm được 1- 2 đoàn văn công đất liền biểu diễn, có năm “đói” văn công, anh em luôn ngóng đợi nhưng chẳng thấy đâu.
Còn chuyện tắm rửa cũng chỉ là “hi hữu”, mặc dù có lượng nước ngọt dự trữ về mùa khô nhưng vẫn thiếu trầm trọng. Lính nhà giàn phải lên “kế hoạch tắm” mùa khô tuần tắm hai lần, mỗi lần cấp 2- 3 lít nước ngọt, chủ yếu dùng khăn tắm lau qua người hoặc tắm theo kiểu em bé.
Tuy khó khăn gian khổ là thế nhưng anh em không bao giờ kêu ca, phàn nàn. Mỗi buổi tối trên các nhà giàn các chiến sĩ vẫn ôm đàn, nghêu ngao hát những điệp khúc “đời mình là khúc quân hành” hoặc “lướt sóng ra khơi” quên đi những khó khăn gian khổ, cùng nhau xây dựng nhà giàn vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là cột mốc tiền tiêu của Tổ quốc.
Chia tay các anh. Con tàu lắc mạnh. Những người giữ biển gửi gắm về đất liền lá thư về đất mẹ yêu thương. Họ luôn tự hào là con của biển khơi, ngày đêm trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, quyết tâm canh giữ chủ quyền biển trời bao la của Tổ quốc.
Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet, internet
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 1: Vùng ánh sáng bừng lên
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 2: Sống ở nhà giàn
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ 3 : Thương lắm , đất liền ơi
- 72 giờ trên nhà giàn DK1 - Kỳ cuối: Bố, con và DK1
Đây là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một li không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...
22 năm qua tại vùng biển của Tổ quốc, những cơn sóng cao từ 13m đến 15m, có sức tàn phá khủng khiếp đã đánh đổ, nhấn chìm 5 nhà giàn, 1 tàu trực. 13 cán bộ chiến sĩ chốt giữ nhà giàn đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Nhiều người phải lênh đênh trôi dạt trên biển hàng chục giờ trong cái nắng cháy da, cái đói, cái rét thấu xương. Thế nhưng, nhà giàn này đổ lại có nhà giàn khác được xây lên, lớp trước ngã xuống lại có lớp sau tiếp bước. Đó là sự hình dung ngắn gọn nhất về những nhà giàn DK1 ở vùng biển thềm lục địa – những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông.
22 năm qua, với việc dựng lên những nhà giàn DK1 hiên ngang giữa trùng khơi sóng gió, người Việt hôm nay tiếp tục dựng lên những cột mốc chủ quyền mà mọi thế hệ người Việt đã dựng xây và gìn giữ. Lòng yêu nước của người Việt xuyên qua mọi thời gian, chưa bao giờ vơi cạn...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét