Rồi bọn mình cũng tới Mũi Nghinh Phong và tấp xe qua bên kia đường, suốt đoạn này là công viên. Đường xá thoáng rộng với lề đường lót gạch đá lớn thật phẳng phiu dưới hàng cây xanh thẳng tắp xào xạc trong gió.
Cảnh tượng nơi đây hoàn toàn khác hẳn 24 năm về trước: khi ấy bọn mình đến đây với đứa con nhỏ chỉ mới 3 tuổi.
< Gió rất mạnh, mạnh đến mức giữ thế để bấm một tấm ảnh cũng thật khó khăn...
Ngày ấy, đường khoảng này chỉ be bé chạy vòng từ bãi Trước qua Ô Quắm đến bãi Sau. Ngay Mũi đá là một nhà hàng nhỏ cửa đóng then cài. Còn phía trái: đoạn có con đường dốc cong cong rẽ trái đi lên là khu nhà nghỉ rất hoang sơ nhưng khá đẹp và tiện nghi - lúc ấy do hai người bạn cai quản...
< Đường rộng thênh thang, khá vắng trong ngày thường...
Cái thuở hồng hoang mà xe gắn máy vẫn còn là đồ "xa xỉ" (1987), bọn mình chỉ đơn thuần là bắt xe đò ra Vũng Tàu rồi bắt xe ôm lên Nghinh Phong. Tay xe ôm ma mãnh chỉ đưa bọn mình tới lửng lửng dốc rồi nói rằng: đến rồi, anh đi bộ lên tý nữa...
Nói là "tý nữa" nhưng thật ra thì mất đến gần nữa giờ làm bộ hành leo dốc với hai túi hành lý nặng trĩu, với đứa con bé bỏng mà bà xã dắt lẻo đẽo theo sau trong cái nắng kinh người...
< Biển bạc có lẽ không thay đổi, còn những thứ khác thì...
Ba đứa mồ hôi nhể nhại lếch thếch đi, chỉ được an ủi bằng tiếng sóng biển cùng cảnh vật hoang sơ, cuối cùng thì cũng đến được nơi phải đến. Mừng mừng vui vui với những cái bắt tay chào đón bè bạn phương xa. Hỏi thăm, thăm hỏi mọi thứ rồi bọn mình nhận phòng.
Giữa nơi hoang vắng mới biết ngoài hai người quản lý thì các cô tại đây toàn là "gái" cả. Tuy nhiên: cái cộng đồng bé nhỏ đó lại chan chứa tình người sau 3 ngày bọn mình nghỉ tại chốn đây - gái điếm chưa hẳn là xấu, lắm khi gái đẹp nhưng trong lòng lại "xấu" trăm bề.
< Bãi tắm Nghinh Phong ngày nay: mua vé nào...
Bé con mình được các cô cưng như trứng, còn khung cảnh chung quanh thì tuyệt vời đến không thể diễn tả được: sau nhà là núi, đây chính là đỉnh Tương Phùng (Tao Phùng, một trong hai đỉnh của Núi Nhỏ) với phía trên là tượng chúa Jesus dang tay như muốn chở che, đón nhận cả vùng biển của đất mẹ mênh mông.
Nhìn xuống phía dưới là bãi Ô Quắm (bãi tắm Nghinh Phong ngày nay) không một chút rác, không bóng người ngoài vài dáng dân chài đị phương kéo lưới bắt những con cá nhái có đầu nhọn hoắc vào buổi sớm mai. Muốn tắm thì cứ việc băng qua đường rồi xuống bãi, hòa người trong lòng biển trong xanh.
< Nhà hàng New Ô Quắm trên mũi đá.
Tài sản "đi đứng" của khu nhà nghỉ chỉ là chiếc xe đạp cũ - bạn đưa bọn mình mượn để đèo nhau xuống phố. Dạo mát, ăn vặt - mình còn nhớ đã mua một chai rượu trắng ở một cửa hàng thương nghiệp trên phố để khề khà dưới bãi cho vui.
Chừng về, đèo nhau lốc cốc lên dốc mới phê: gió ngược nên lưng không kịp đẫm mồ hôi. Tiếng sóng vổ ì ầm như thôi thúc mình guồng từng vòng đạp... rồi cũng đến cua rẽ lên nhà nghỉ ẩn hiện trong ánh sáng vàng vọt, leo lét của đèn đường - Mình ốm nhưng hồi ấy cũng khỏe thật!
< Gió thốc đến vặn cả người, lúc này cái kiếng mát móc trên cổ bay mất tiêu hồi nào cũng không hay...
Đỉnh có tượng Chúa lúc ấy chưa có thang lát đá như bây giờ nên lối lên là lối mòn bên kia núi. Mé núi hướng Đông là công trường khai thác đá, nơi mà bây giờ là bãi đổ xe.
Phía sau khu nhà có giếng nước trong vắt, cung cấp nước cho nhà nghỉ qua máy bơm. Kề cận là lối mòn cheo leo, nơi cha con mình hì hục nắm tay nhau trèo lên cao, thật cao đến mãi tận gần tương Chúa dang tay. Liều lĩnh thật khi kè kè kề bên là đứa con trai 3 tuổi...
< Xe chống tít đàng kia - dựng xe cũng phải xem hướng gió vì nếu ngược lại thì gió sẽ xô ngã liền. Bước chân đi cũng phải đố người về phía trước kẻo bị ngã! Như vậy mới xứng tên là mũi NGHINH PHONG!
Cuối cùng thì hai cha con cũng được đền đáp bằng khung cảnh trời biển bao la rộng hết tầm mắt, thằng bé khoái lắm, im thinh thít, mắt tròn xoe dõi mắt ngắm nhìn đất trời và những đợt sóng vỗ.
< Lên xe, bọn mình chạy xuống dốc rồi dừng lại ở bãi tắm tự do phía đầu bãi Sau - gió dưới này ít hơn...
Ngày nay: con đường lên tượng Chúa cũng là con đường vòng qua khu nhà nghỉ - Khu nhà nghỉ vẫn còn nhưng thay đổi hoàn toàn.
Ngày nay: muốn xuống bãi Ô Quắm, muốn ra mũi Nghinh Phong phải trá phí vì là nơi kinh doanh.
< Đảo nhỏ Hòn Bà phía ngoài kia. Gió mạnh khiến nước biển tung mịt mù vào đất liền như một màn sương. Về chắc chắn phải lau lại ống kính máy ảnh.
Nghinh Phong bây giờ được định nghĩa như sau:
Mũi Nghinh Phong nằm ở hướng cực nam Thành Phố Vũng Tàu, mũi nhô ra biển Đông trông như một chiếc đầu cá sấu khổng lồ. Quanh mũi có nhiều tảng đá lớn hình thù kỳ dị vô cùng lạ mắt, đây là nơi hẹn hò tuyệt vời cho những người thích câu cá và ưa mạo hiểm.
< Bãi tắm tự do - có lẽ nhờ phần đất từ đường đến mép biển không nhiều nên là vân là bãi tắm của cộng đồng. Quá 1km tình từ Nghinh Phong là bắt đầu tấp cập các KDL, nhà hàng sán sát y nhưng những điểm du lịch nóng khác.
Cạnh mũi là bãi tắm Vọng Nguyệt, trước kia còn gọi là bãi Ô Quắm. Bãi này hẹp nhưng nước rất sạch, sóng gió dồn dập với ba bề vách đá cheo leo vô cùng hùng vĩ.
Vọng Nguyệt có nghĩa là đón trăng. Những đêm vào mùa trăng mọc hay lúc hoàng hôn, biển ở đây sáng rực như được dát một lớp bạc óng ánh.
< Bọn mình lên xe trở về, cuối đường chính phải ngoặc trái vì đụng khu bãi tắm lớn nhất VT: khu du lịch Chí Linh. Ngày xưa nơi này là rừng Chí Linh bạt ngàn...
Bên tiếng sóng rì rào, trước mặt biển sáng bạc mênh mông, du khách sẽ có cảm giác cái mênh mông bao la của trời mây sóng nước, của vũ trụ vô cùng vô tận lâng lâng bay bổng trong tâm hồn.
Nước biển ở đây rất trong và sạch. Bờ biển ít thoải, sâu hơn các bãi tắm khác ở Vũng Tàu, phù hợp với những người thích cảm giác mạnh từ những ngọn sóng lớn. Không ồn ào, náo nhiệt như ở bãi Trước. Không thoáng đãng, dữ dội như ở bãi Sau.
< Trên đường 3 tháng 2 trở về, mình thấy một ngõ rẽ nên chạy vào - Ý định là tìm đường ra đồi Nhái.
Nếu có hứng thú leo núi, bạn có thể leo lên núi Nhỏ (Tao Phùng). Nơi đây có tượng Chúa Giêsu cao 32 mét, hai tay dang rộng hướng ra Thái Bình Dương, cao 176m so với mực nước biển. Hai cánh tay dài 18,4m như chào đón du khách đến các bãi biển đông người của khu nghỉ mát này.
< Gặp doanh trại QĐ có bảng "cấm chụp hình", rẽ trái vẫn là khu dân cư thưa thớt và "Làng du lịch Chí Linh".
Từ chân núi lên tới tượng Chúa bạn phải leo khoảng 800 bậc thang. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng vào loại bậc nhất tại Vũng Tàu và là một trong hai tượng Chúa lớn nhất thế giới (một tượng ở Brazil).
< Qua một đoạn dốc khá cao, cây xanh mọc kín hai bên...
Bãi Vọng Nguyệt không dài nhưng đủ để đi vào tiềm thức của người dân Vũng Tàu qua bao thế hệ bởi sự nên thơ, kỳ bí. Nhất là khi đứng từ tượng Chúa Kitô trên đỉnh Tao Phùng nhìn xuống: du khách sẽ có cảm giác biển ở đây xanh hơn những nơi khác, lộng gió và mát mẻ lạ thường.
< Rồi gặp các ngã 3, ngã 4 tùm lum. Đây chắc chắn không phải đường vào đồi Nhái rồi vì mình đã xem sơ qua trên bản đồ vệ tinh...
Nghinh Phong vẫn còn đó dù đổi thay hoàn toàn, chỉ duy nhất còn nguyên vẹn như ngày cũ - Một ngày xưa ấy... ở trong lòng người lữ khách viễn du một thời xa vắng...
< Nhưng không phải cũng chạy loanh quanh một tý - ở đâu cũng cũng có cái thú riêng...
< Cuối cùng thì mình trở ra đường 3 Tháng 2, ngã rẽ vào đồi Nhái chắc khúc trên kia.
< Và đây rồi: khoảng đường đất dài tít tắp với phía bên trái là hồ nước rộng. Mình chạy thẳng vào.
< Chỉ hàng cột điện là có dáng dấp mùi vị tân thời một tý, còn chung quanh thật tuyệt...
< Dốc lên đồi, một trong những ngọn đồi tại khu đồi Nhái.
Ngày xưa nơi này chỉ toàn là rừng dươngvới đồi cát, không người ở. Bay giờ thì có thôn làng nhưng thưa nhà: một sự hiếm hoi giữa lòng thành phố biển đang phát triển thật nóng - Một ốc đảo giữa bạt ngàn khu du lịch...
< Thông tin trên mạng về đồi Nhái không có gì ngoài chuyện "Xẻ thịt đồi Nhái lấy cát" ảnh hưởng rất lớn đến việc xâm thực của biển và tác động xấu đến môi trường - Chuyện bọn xấu ra tòa vì cướp của, còn dám cưỡng bức thiếu nữ tại đây...
"Xấu" xẩy ra là do con người - đất chả có nơi nào tự mang tiếng xấu cả.
< Bà xã thích đi bộ nên mình chạy trước.
Chả to gan lớn bụng gì nhưng bọn mình vẫn vậy, thích chốn thiên nhiên hoang vắng - thích đi nơi mà chả mấy ai đi: Đất sợ người chừ hà cớ gì người sợ đất nhỉ?
Mình nghỉ là cuối đường sẽ đến biển, để rồi xem sao nào...
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần cuối
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét