Từ xa xưa, Vĩnh Long là mảnh đất rộng nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Với yếu tố “cố cựu” đó, dù hiện nay Vĩnh Long đã thu hẹp địa giới nhưng vẫn còn lưu giữ khá nhiều di tích của tiền nhân, trong đó có làng gạch ngói Long Hồ tồn tại khoảng 150 năm nay. Thăm làng gạch ngói Long Hồ cũng là chuyến du lịch làng nghề.
Có dịp đến làng gạch ngói Long Hồ, những năm sau ngày hòa bình trên con đường đất đá lổn nhổn, bạn sẽ được chứng kiến những lò gốm hình trứng khổng lồ nằm “úp” dọc bờ sông Cổ Chiên một cách ngoạn mục. Năm 1997, làng gạch ngói trở thành làng gốm đỏ. Đi dài theo các phường xã dọc bờ sông Cổ Chiên như: Phường 5 (TX Vĩnh Long), xã Thanh Đức (Long Hồ), các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Chánh An (Mang Thít) các cơ sở sản xuất gốm đỏ hầu như nằm liền kề bên nhau. Xe tải nhận hàng tấp nập các chuyến đến, đi. Không khí sinh động này đã thay cho làng gạch ngói nghèo nàn năm xưa.
Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, làng gốm này còn phát triển dịch vụ vận tải thủy bộ, bao bì và làm khuôn mẫu. Đất sét ở đây nhiều phèn, khi qua lửa nung sẽ cho thứ gốm không men có nhiều sắc độ “lạ kỳ” mà họa sĩ tài ba cũng không thể nào phối màu được. Hiện nay, đến với làng gốm Long Hồ, đến thăm một làng nghề nổi tiếng bạn sẽ sững sờ chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đặc sắc hầu như có một không hai ở nước ta; đó là nhà gốm.
Cách xa hàng chục thước, bạn đã thấy dãy tường rào của ngôi nhà gốm đỏ au ánh lên trong sắc nắng. Tiếp cận, chắc chắn bạn sẽ chắc lưỡi khen những hoa văn họa tiết được khắc họa trên những cột gốm thật hài hòa.
Nối giữa những cột gốm là những bức họa gốm đỏ đẹp không thua kém. Mái nhà lợp ngói đỏ. Sân nhà lót gạch tiểu với màu đỏ cố hữu, bóng lưỡng, chắc chắn, tạo hình hoa văn mỹ thuật. Toàn bộ nền nhà khách, nhà bếp đều được lót gạch tàu. Tường nhà là những hàng gạch tiểu đỏ lựng được xây hết sức khéo léo, mặt ngoài, mặt trong có nơi để trần, có chỗ che kín bằng vách gốm đỏ.
Đi dọc tường nhà, bạn sẽ bị “choáng ngợp” bởi những bức bích họa; bức màu đỏ hồng độc đáo, bức màu giả đồng đen...
Đó là tác phẩm gốm đỏ liên hoàn của họa sĩ Thế Đệ thể hiện bản đồ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng ba cô gái mặc trang phục truyền thống vùng miền mình: Bắc, Trung, Nam; là bức tranh hồng hạc - thể hiện thời thái bình thịnh trị.
Đó là những bức bích họa đưa bạn trở về thời cha ông đổ mồ hôi, kể cả xương máu để khẩn hoang vùng “nê địa” Đồng bằng sông Cửu Long này; những lễ hội dân gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, qua nét bút tạo hình không lẫn vào đâu của họa sĩ Lê Triều Điển.
Bạn sẽ sững sờ chiêm ngoạn những bức phù điêu màu đồng đen. Nhưng không, đó chỉ là những bích họa gốm đỏ được phủ đồng đen cho thêm phần giá trị. Chưa hết, gốm Long Hồ còn được thể hiện qua những bình, những chậu nhiều sắc màu bóng láng, lấp lánh, tinh khôi như sơn mài. Mà, sơn mài thật. Người ta đã chuyển những chậu, những bình gốm đỏ thành sản phẩm đặc thù của sơn mài để làm tăng thêm giá trị ngôi nhà gốm.
Để gia chủ tiếp khách còn có bộ bàn trà, với bốn chiếc đôn, đều bằng gốm đỏ. Giữa nhà là chiếc đi-văng, nhưng không phải được làm bằng cẩm lai, gõ đỏ, thao lao, mà hoàn toàn bằng gốm có màu vàng sậm, mát lạnh tay sờ.
Tại đây, khách có thể đặt mua chiếc đi-văng gốm rộng 1,6 mét dài 3 mét, bốn gờ xung quanh trang trí hoa văn mỹ thuật với cả chân quỳ. Sản phẩm được làm bằng đất sét cùng hóa chất, không cho vô lò nung như các sản phẩm gốm khác, thoạt nhìn giống như đi-văng bằng gỗ quý như căm xe, cà chất, gỗ đỏ hoặc thao lao.... Đi-văng gốm có tuổi thọ như đi-văng gỗ. Đang mùa nắng gắt, nằm đi-văng gốm thì khỏi phải nói. Bạn sẽ nghe cảm giác mát mẻ, sảng khoái lan thấm vào thớ thịt, giúp bạn đi sâu vào giấc ngủ lúc nào không hay. Giá 45 triệu đồng/chiếc. Đây là sản phẩm độc đáo ở “vương quốc gốm đỏ” Long Hồ này.
Chặp tối, bạn thư thả ngồi trên một trong bốn chiếc đôn gốm của chiếc bàn trà đặt trong căn nhà mát. Nhà mát là loại nhà được các giới chức hoặc nhà giàu địa phương xưa kia xây dựng bên bờ sông. Bây giờ, nhà mát được kết cấu bằng gốm đỏ, vừa đẹp vừa bền, vừa giữ được phong vị xa xưa cho những tâm hồn hoài cổ. Ngồi trong nhà mát gốm, bạn vừa thưởng thức đặc sản quê hương vừa cùng anh em nhỏ to tâm sự, tính toán chuyện làm ăn tương lai, trong những cơn gió mát lành từ bờ sông thổi vào, thật là hạnh phúc!
So với nhà được xây dựng bằng gỗ, nhà gốm và nhà mát có giá rẻ hơn. Trung bình, một căn nhà gốm để ở có giá khoảng 150 triệu đồng, còn nhà mát thì chừng 80 triệu đồng. Bàn trà gốm có giá 1,8 triệu đồng.
Nhà gốm là “kiệt tác” xuất sắc của làng gốm Long Hồ, được kết cấu hoàn toàn bằng gốm nung đỏ, kể cả rui, mè, đòn tay, đòn dông, kèo, cột..., tất cả đều vững chắc và hài hòa dưới bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ mỹ thuật, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đảm trách. Nhìn đại thể, nhà gốm cấu trúc giống nhà chữ “đinh”, là một trong những kiểu nhà truyền thống của Nam bộ. Nó là nơi lưu giữ dấu ấn không gian sinh sống của một tầng lớp cư dân khá giả xưa, là nét văn hóa bản địa độc đáo, sang trọng, phù hợp với sự phát triển theo đà tiến hóa của dân tộc trên nền tảng truyền thống. Chính vì vậy mà nhà gốm là điểm thu hút khách tham quan.
Du lịch, GO! - Theo web TCDL, ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét