Ai đã từng có dịp ghé thăm Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, Tri Tôn, An Giang), ngồi uống nước trong một quán cóc, nghe nước suối chảy róc rách dưới chân, mới thấm hết cái yên bình của nơi này.
< Núi Dài, trong cụm Thất Sơn, An Giang.
Lân la hỏi vài ba câu về cuộc sống của người dân ở đây, tôi mới vỡ lẽ: Bình yên như thế, nhưng nhọc nhằn vẫn in dấu trên mỗi con người. Dựa lưng vào núi mà sống, có mấy khi an nhàn…
Người dân địa phương quen gọi mấy nóc nhà dưới chân núi Ô Tà Sóc là bến chuối, do trước đây là bãi tập kết chuối bán cho bạn hàng, cũng là nơi nghỉ chân của nhiều loại khách: Khách tham quan, khách du lịch, khách… nghèo. Nhưng có lẽ, chiếm đông nhất vẫn là loại khách cuối cùng. Nói là khách cho sang, chứ họ là dân lao động, dân địa phương nhà trên núi, qua lại mưu sinh từng ngày.
< Đường vào phum sóc dưới chân núi Dài.
Sà vào quán, leo lên võng nằm, kêu ly cà phê đá và gói thuốc, anh Nguyễn Hữu Phước (38 tuổi) cảm thấy khỏe hơn khi đã trốn được cái nắng oi nồng ban trưa: “Nắng quá, từ trên núi xuống chịu không xiết! Nhưng được cái là dạo này trời hay mưa, nên cũng không đến nỗi nào”.
Rồi anh kể cho chúng tôi nghe chuyện đời mình và những người ở đây. Đa số đều từ nơi khác đến, do muốn vứt cái đói nghèo sau lưng, họ quyết tâm đến Ô Tà Sóc lập nghiệp.
“Lúc trước vợ chồng tui ở Châu Phú, không có đất đai, tài sản chỉ là hai đứa con. Bàn tính kỹ, cả nhà cố gắng mua hơn 7 công đất trên núi, với giá 11 triệu đồng, rồi dựng tạm mái nhà, bỏ công sức khai hoang, trồng rẫy. Biết là cuộc sống sẽ cực, nhưng rồi mình cũng vượt qua, chứ ở đồng bằng cũng có hơn gì đâu. Nông dân mà chẳng có đất, khổ trăm bề!”. Vậy là, 7 công đất của anh được trồng theo công thức “lấy ngắn nuôi dài”: Trồng đậu rồng, rau cải, chuối… để ăn qua bữa, còn cây lâm nghiệp, xoài thì vun vén từng ngày.
< Học sinh xuống núi đi học cùng gà-mên cơm.
Nếu thiên nhiên miền Nam chia ra hai mùa rõ rệt, thì nhịp sống nơi đây cũng thế. Mùa mưa xanh cây tốt lá, người mua bán nườm nượp, tất tả nhưng có miếng cơm ngon, bởi rẫy lên tươi tốt, hầu như ngày nào cũng thu hoạch để gánh xuống núi bán. Còn mùa nắng, cái nóng dội lên từng phiến đá, hắt lên trên từng mảnh đời cơ cực. Hơn 20 hộ dân nơi đây phải bươn chải đủ việc: Gánh củi, gánh xoài… theo yêu cầu của người mua hàng.
Cũng phải nói thêm, giống như núi Cấm, gánh thuê cũng trở thành “đặc sản” nơi đây. 2km đường núi từ chân lên đỉnh Ô Tà Sóc đầy hiểm trở, cheo leo, nhưng không thể cản được bước chân con người.
Chị Nguyễn Thị Bé Năm, 30 tuổi, người sống gần chót đỉnh cho chúng tôi biết: “Gánh hàng vất vả lắm, nhưng ở đây ai cũng phải làm. Nhẹ nhẹ thì 60kg, nặng thì hơn 100kg. Con nít 15, 16 tuổi cũng có thể gánh phụ hơn 30kg mỗi bận. Sức đàn ông khỏe mạnh thì từ 7 giờ sáng tới 2 giờ chiều cũng chỉ gánh được 3 gánh. Giá rẻ, mình không ráng gánh nhiều lần thì đâu có tiền. Chưa kể, mỗi lần xuống núi lại phải nghỉ mệt, uống nước, hoặc ăn chút gì đó lấy sức”.
< Oằn lưng gánh hàng xuống núi.
Thấy tôi há hốc miệng khi biết giá gánh thuê chỉ 500 đồng/kg, chị cười: “Có hàng gánh là mừng lắm rồi, tụi tui chỉ mong vậy thôi”. Tính ra, tối đa một ngày họ có thể kiếm được khoảng 100.000 đồng.
Thấy tôi nhẩm tính như thế, chị Nhứt, chủ quán nước nói với ra: “Cuộc sống ở đây là vậy đó. Đường lên xuống núi chỉ đi mình ên còn mệt đứt hơi, huống chi là gánh nặng! Tui bán quán nước này lấy tiền cũng rẻ, chủ yếu là cho bà con nghỉ ngơi thôi. Ly nước giá 2.000-3.000 đồng, vậy mà nhiều khi họ cũng hổng có tiền uống…”. Tiếng nói của chị xa dần, khi chị thoăn thoắt bưng nước ra cho mấy người đàn ông mới xuống núi.
Dưới chân Ô Tà Sóc tôi còn nghe nhiều chuyện rất đặc trưng của người dân. Không có điện, họ sử dụng bình ắc- quy. Không có nước, họ cùng nhau chuyền dây từ mạch suối trên núi xuống, ngọt lành đến lạ. Con nít (đặc biệt nhiều ở khu vực này, chắc trên 30 đứa!) 5 giờ sáng rọi đèn pin đi học, tay ôm cặp, tay xách theo gà – mên cơm tới trường, chiều tối mới lọ mọ về nhà. Xe máy, xe đạp của mọi người cứ tập trung gửi ở quán nước, bảo đảm không mất (mà mất gì được mấy chiếc xe cà tàng, cũ kỹ.
< Phong cảnh Ô Tà Sóc còn hoang sơ, thơ mộng.
Mọi người sống dựa vào nhau, như đã dựa vào núi vậy, bởi trong cái khổ, tình người càng trở nên ấm áp. Nhà nào càng ở trên cao thì càng… nghèo (vì nếu có tiền đã mua đất ở dưới chân núi cho tiện), chỉ có thể sống khỏe khi mảnh đất trồng cây lâu năm cho thu hoạch.
Anh Phước giúp tôi kết thúc bài viết này bằng câu nói: “Tui và mọi người ở đây cũng xác định sẽ bám trụ lâu dài với mảnh đất của mình, ráng một thời gian nữa sẽ khá lên thôi. Vả lại, ở ngay trên ngọn núi anh hùng, ai cũng rành lịch sử đấu tranh của quê hương hết, cũng tự dặn mình phải sống thật vững vàng như cái thời cha anh đi trước”.
Du lịch, GO! - Theo An Giang Online. internet
Nhà nông mở đường lên núi Dài
Ở xã Lương Phi (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), có những con đường bê tông chạy dọc theo triền núi Dài do chính nông dân tự thiết kế, đầu tư và cùng nhau xây dựng.
< Sắp xếp hàng hóa chuẩn bị đưa xuống núi bằng xe máy.
Thiếu đường vận chuyển nông sản
Phía sau khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc (xã Lương Phi) có con đường nhỏ nối dài đến tận chân núi Dài (còn gọi là Ngọa Long Sơn), một trong những ngọn núi lớn nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ. Vừa qua khỏi những trại tập kết nông sản, chúng tôi bắt gặp tấm bảng được viết nguệch ngoạc bằng sơn đỏ với dòng chữ: “Con đường này do nông dân trồng rừng và trồng vườn hùn vốn”. Đồng thời, trên tấm bảng cũng ghi rõ “Bốn điều cấm”: Không được uống rượu. Không chở củi khúc cồng kềnh khi lưu thông trên đường. Không đổ cây trên đường. Thắng xe phải bảo đảm an toàn.
Ông Nguyễn Thời Lai - một trong những người phát động làm đường lên núi giải thích: “Sở dĩ phải đặt ra những quy định này là do đường lên núi khá hẹp (chiều ngang từ 1-2m), lại thêm đường có nhiều đoạn khúc khuỷu quanh co, chủ yếu để phục vụ vận chuyển nông sản xuống núi”.
Dọc theo triền núi Dài, đoạn thuộc ấp Ô Tà Sóc hiện có hơn 60 hộ dân làm vườn và nương rẫy với diện tích rất lớn, chủ yếu trồng xoài, mít, chuối, gừng, nghệ, ngãi bún, cây thuốc Nam… Mỗi hộ canh tác từ vài chục đến cả trăm công đất.
Hồi trước, khi chưa có con đường này, cứ đến mùa thu hoạch, các chủ vườn ở đây thường phải thuê người gánh nông sản từ triền núi xuống chân núi để đưa đi tiêu thụ với giá 500-1.200 đồng/kg. “Mỗi mùa xoài, tôi thu hoạch khoảng 3 tấn trái, chưa kể mít và chuối thu hoạch thường xuyên. Tính ra tiền thuê người gánh hết hơn 4 triệu đồng. Những hộ canh tác diện tích lớn thì tiền thuê cả chục triệu đồng” - ông Lai nói.
Tuy vậy, người khỏe nhất cũng chỉ gánh được 70 – 80kg/ngày. Việc vận chuyển nông sản với số lượng lớn không thể thực hiện, hàng bị ùn ứ...
Hơn nghìn ngày công phá đá, mở đường
Những khó khăn đó đã khiến các hộ dân làm vườn và trồng rừng ở xã Lương Phi đi đến quyết định hùn vốn, cùng góp sức làm đường lên núi. Cứ vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần lại có hơn 30 người tập trung đến làm việc. Họ dùng xà beng và ròng rọc di chuyển những tảng đá ra khỏi đường. Sau khi mặt đường được san phẳng, họ trộn bê tông trong những chiếc phuy nhựa và bắt đầu đổ, được khoảng 200m thì ngừng lại, qua tuần sau mới thi công tiếp.
“Làm như vậy để mặt đường bê tông khô hoàn toàn. Sau đó, chúng tôi dùng xe chuyển vật liệu những đoạn vừa đổ bê tông xong để làm tiếp những đoạn còn lại, chỉ có như vậy mới mang được bê tông lên núi” - ông Lai cho biết.
Thời gian làm đường, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng những nhà nông ấy đều không nản chí. Công việc được chia ra rành mạch, cơm nước thì chị em phục vụ tại chỗ, việc nặng nhọc do đàn ông làm. Cuối cùng, sau hơn 4 tháng thi công, con đường đã hoàn thành trong niềm vui khôn tả của người dân. Để làm được con đường dài 1.750m này, các hộ dân đã phải bỏ ra gần 53 triệu đồng cùng 1.110 ngày công tình nguyện. Nhờ có con đường, một người có thể vận chuyển xuống núi bằng xe máy từ 150 – 170kg nông sản/ngày, gấp đôi so với gánh bằng vai.
Nhờ có con đường, một người có thể vận chuyển xuống núi bằng xe máy từ 150 - 170kg nông sản/ngày, gấp đôi so với gánh bằng vai và cũng đỡ vất vả hơn. Anh Thái Văn Chẳng, Trưởng ban ấp Ô Tà Sóc, cho biết, thấy được hiệu quả của đường bê tông lên núi, nông dân ấp Ô Tà Sóc đang tiếp tục hùn vốn và góp công xây dựng thêm một con đường bê tông mới với quy mô tương đương đường Ô Thổ Phi.
Vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, hàng chục người lại tập hợp đến làm đường. Ai cũng nhiệt tình và vui vẻ bởi họ biết rằng, khi con đường hoàn thành thì việc vận chuyển nông sản của họ sẽ dễ dàng hơn, thu nhập tăng lên và cuộc sống được tốt hơn...
Bên cạnh tạo thuận lợi cho nông dân, những con đường lên núi Dài còn tạo thành đường băng ngăn chặn rừng bị cháy lan, huy động lực lượng và di chuyển dụng cụ chữa cháy được nhanh hơn. Theo Hạt kiểm lâm huyện Tri Tôn, nhờ có đường bê tông lên núi, việc vận chuyển vật tư xây dựng các giếng nước phòng, chống cháy rừng khu vực Ô Tà Sóc được dễ dàng hơn, không phải tốn kém nhiều tiền thuê người gánh cát, đá, xi măng lên núi như trước.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Danviet, Nongthonmoi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét