Ở núi Dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), trên tảng đá lớn khoảng chục mét vuông nhưng có đến 5 giếng nước trong vắt. Do giếng ăn sâu và có đường thông vào các ngõ ngách nên nước đọng quanh năm, sơn dân gọi là giếng Tiên giữa trời.
Căn chòi giữa lưng chừng núi
Từ thuở xa xưa, người dân sống dưới chân núi đã đặt tên cho ngọn núi Dài nhỏ để phân biệt với núi Dài lớn (Ngọa Long Sơn) ở huyện Tri Tôn. Núi Dài nhỏ, ngọn núi cao thứ tư trong dãy Thất Sơn, với 265m, chu vi khoảng 8.700m, có năm giếng nước trên núi, nên còn gọi là Ngũ Hồ Sơn, thuộc thị trấn Nhà Bàng, vách phía tây và đông thuộc địa phận xã An Phú, Văn Giáo (Tịnh Biên).
Núi Dài nhỏ không như các ngọn núi khác dốc đứng cheo leo mà có độ dốc thoai thoải. Men theo con đường đất khoảng 3km, chúng ta sẽ bắt gặp những vườn cây rợp bóng với đủ các loại cây ăn trái như xoài, mít, chuối, hồng quân… cho trái quanh năm.
Tấp vào căn chòi của Nguyễn Văn Quang (Quang liều) hớp ca nước mưa trong vắt, ngọt lịm để giải khát mới biết, người dân đặt cho ông cái tên Quang liều là bởi tính khí ông ngang ngạnh, liều lĩnh, một mình lại dám che lều sống ở lưng chừng núi chống chọi với thiên nhiên hà khắc và tiềm ẩn nhiều thú rừng hung dữ. Vào ban đêm, ông cũng chẳng ngại chuyện một mình lội bộ xuống núi mỗi khi có chuyện gấp. Ông đi rừng như “ăn cơm bữa”, chẳng sợ thứ gì cho dù là rắn độc.
Gặp chúng tôi, Quang liều kể: “Hồi trước khu vực núi Dài có nhiều hổ, beo, mển, khỉ, tôi lên đây khai phá nương rẫy, lập vườn ai cũng cho là mình liều. Đặc biệt là rắn hổ mang, hổ chuối, hổ sơn thì khỏi phải nói, nhiều người đi rừng lâu lâu bị “phập” vào chân chết không kịp đến bệnh viện.
< Khách tham quan đứng trước Điện Bà, bên giếng Đôi.
Sống ở đây lâu năm nên có kinh nghiệm, muốn đi rừng vào ban đêm phải mang đôi ủng ngang gối đề phòng giẫm phải rắn, bị rắn mổ vào chân. Nếu lỡ bị rắn độc cắn tốt nhất dùng bật lửa đốt ngay vết cắn cho nọc tụ lại một chỗ không để chạy về tim thì mới mong giữ được mạng sống…”.
5 giếng nước trên một tảng đá
Từ chòi của ông Quang, chúng tôi tiếp tục đi khoảng 400 mét đường rừng nữa là tới giếng Tiên. Thật lạ kỳ, trên một tảng đá lớn lại có đến 5 miệng giếng lớn nhỏ, cái to nhất bằng mặt bàn, còn nhỏ nhất bằng miệng thau. Những giến này gồm 3 giếng lẻ và một giếng đôi với nước giếng trong xanh, mát lạnh. Dùng một thanh cây cắm xuống một miệng giếng, khi rút lên đo độ sâu khoảng 1,5m. Cạnh đó, người dân có xây một ngôi miếu thờ sơn thần.
Theo người dân cho biết, 5 cái giếng ăn sâu vào vách đá đã có từ lâu. Trước đây, bộ đội cũng lấy nước từ 5 cái giếng này mới có thể bám trụ trên núi... Cây trái ở khu vực này xanh tốt cũng nhờ có nguồn nước giếng tưới.
Núi Dài Năm Giếng cao 265 mét, nhưng Năm Giếng nằm ở độ cao chừng 200 mét bên triền phía đông. Từ triền nầy đi xuống phía núi Kéc, phía tây, rất gần và rất dễ đi hơn hướng từ nghĩa trang Liệt sĩ. Ngoài ra, con đường xuống núi phía núi Kéc đã được mở rộng và tráng bê tông xi măng được phân nửa, đã dễ đi càng đi thoải mái hơn.
Ông Huỳnh Văn Thông (70 tuổi) người đã lên núi Dài lập vườn hơn 20 năm cho biết, lúc mới lên đây đã thấy 5 cái giếng có đầy nước, bà con rất mừng vì nó là nguồn sống của những người làm vườn. Đặc biệt, dù mùa nắng, giếng nào cũng đầy nước. Có lẽ mạch nước ngầm trong đá luôn rỉ ra nên nguồn nước giếng vô tận.
“Theo truyền thuyết, ngày xưa 5 cái giếng đầy nước quanh năm, các nàng Tiên trên trời thường hay xuống tắm… Cũng có giai thoại cho rằng, hồi mới khai sơn lập địa, ở 5 miệng giếng mọc 5 đài hoa sen rực rỡ cùng năm con thú quý canh giữ. Chính vì sự huyền bí ấy mà đã thu hút đông đảo du khách đến đây chiêm ngưỡng, cúng viếng. Mỗi lần chinh phục núi Dài, khách đến viếng 5 giếng đầu tiên, rồi leo qua cúng điện Bà, điện Ông…”.
< Giếng đôi.
Lúc lên đây, tôi chọn những khu đất gần giếng tiên để khai khẩn trồng trọt cây trái kiếm cơm. Mỗi lần dọn cỏ là thấy rắn hổ sơn nằm trước mặt. Đứa con gái 16 tuổi của tôi không gặp may, trong một lần giẫy cỏ bị rắn hổ chuối bổ ngay bắp chân, sùi bọt mép chết tại chỗ. Bởi vậy, dân làm rẫy trên rừng tụi tôi ví von “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Có nhiều kinh nghiệm dạy cho mình chống chọi với thiên nhiên để từ đó mới biến nơi sỏi đá thành cơm…”- ông Thông kể.
Chúng tôi rời khỏi khoảng nắng hiếm hoi trên núi Dài Năm Giếng, xuống núi. Bà Ba Đông, vợ chủ quán, vội vàng lấy chai nước thốt nốt ướp lạnh đưa ngay. Mở nắp chai, ngửa cổ uống, đã khát quá chừng. Con đường lên núi phía tây nầy được mở rộng cho xe bốn bánh chạy lên tận Năm Giếng sẽ giúp nơi này chuyển mình thành khu du lịch, hấp dẫn ngày càng nhiều du khách.
< Điện Ngọc hoàng trên núi Dài Năm Giếng.
Khách sẽ ngồi xe một lèo tới Năm Giếng rồi thong dong thả bộ tìm hiểu cuộc sống của những người làm rẫy làm vườn trên núi. Rẫy trồng nhiều loại. Vườn cây gồm những đào lộn hột, xoài, mít, dừa, nhãn, mận, sầu riêng… Trong bóng mát với ngọn gió trời lồng lộng, khách vừa tận hưởng hương vị ngon ngọt lạ thường của trái cây trên núi vừa hít thở không khí trong lành giữa thiên nhiên.
Rời quán nước có ông bà chủ vui tánh, chúng tôi vòng qua núi Kéc. Lên núi này nhìn qua núi Dài Năm Giếng (thuộc cụm núi Phú Cường, ngọn núi cao thứ tư của Bảy Núi), trông giống như một hòn non bộ khổng lồ, tuyệt đẹp...
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Angiang online, TBKTSG, ảnh internet
Khám phá Ngũ Hồ Sơn
Kỳ lạ giếng tiên ở Bảy Núi
Lên đỉnh Thất Sơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét