Khám phá ngôi đền cổ thờ thần thuốc phiện

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Trong một khu rừng của người Dao áo dài thuộc thôn Suối Thầu 2, xã Bản Luốc, Hoàng Su Phì (Hà Giang) có một ngôi đền kỳ lạ, chứa đựng nhiều giai thoại. Đền thờ vị thần mà dân bản gọi… Thần thuốc phiện. 
Với tính hiếu kỳ và phiêu lưu, chúng tôi đã đến tìm hiểu ngôi đền kỳ lạ nơi biên viễn xa xôi này.

Người Dao bản Suối Thầu nói riêng và nhiều người dân tại huyện Hoàng Su Phì tin rằng ngôi đền cổ bí ẩn bên dãy Chiu Lầu Thi là cầu nối gần nhất giữa trời và đất, là nơi người dân được gặp gỡ với các vị thần. Họ cho rằng bước chân vào ngôi đền là được bước thế giới thần linh. Nhiều người dân trên mảnh đất rẻo cao này tin có một sức mạnh thần linh ghê gớm, có thể xoay chuyển càn khôn.

Ngôi đền và pho tượng bí ẩn

< Thần thuốc phiện với cây gậy có hình quả anh túc.

Con đường từ thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) vào xã Bản Luốc như đường lên trời. Chiếc xe ì ạch, chồm lên những tảng đá hộc, mất hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới tới bản Suối Thầu. Từ đây cuốc bộ thêm gần một tiếng thì đến khu rừng có ngôi đền của người Dao áo dài.

Ông Đặng Kim Khoản, 55 tuổi, người trông giữ đền, khăn áo chỉnh tề, sau khi vái bàn thờ tổ tiên, rồi lại khấn vái trước cửa rừng mới mở cửa ngôi đền cho chúng tôi vào tham quan. Ngôi đền đơn sơ in đậm dấu thời gian. Tường trình đắp bằng đất, cửa, dui, cột đều là gỗ pơmu, mái đã được lợp phibrô xi măng.

Trong cảnh tĩnh mịch, ông Khoản cất giọng trầm mặc: Ngôi đền này đã có hơn 200 năm, chỉ ngày mồng 1 tháng Giêng hằng năm, người dân làm lễ cúng rừng, lễ cầu mùa thì mới mở cửa đền. Những ngày trong năm, không có thiên tai lớn, đại dịch, mất mùa, không có ai gặp nạn thì ngoại trừ người giữ đền, từ già trẻ, trai gái không ai dám bén mảng đến và cũng không được phép mở cửa. Theo tục lệ, trước khi mở cửa đền, người dân phải mổ trâu để dâng thần.

< Một góc nơi đặt các tượng thần.

Người dân nơi đây kể rằng ngôi đền này rất linh thiêng, Ông Khoản nhớ lại câu truyện được lưu truyền qua mấy đời người giữ đền: “Những năm đầu của thế kỷ trước (TK XX), bọn phỉ rất lộng hành, chúng thường xuyên phá phách, cướp của của người dân khắp các vùng lân cận. Một đêm, người gác đền cảm thấy rất trằn trọc và khó ngủ. Mãi tới gần sáng mệt quá mà thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn, người gác đền mơ thấy một vị thần rất to lớn, một tay cầm gậy, một tay nắm quả anh túc đứng cạnh giường gọi dậy, nhắc đi nhắc lại một câu rằng “dậy mà chạy đi, nguy đến nơi rồi!”.

Giật mình tỉnh dậy, khi đó trời vẫn còn tờ mờ sáng, ông thấy lòng bất an, liền vội vã đi báo với mọi người trong thôn. Nhận được tin, ai cũng nghĩ Thần báo điềm chẳng lành, mọi người bàn nhau thu gom đồ đạc cất giấu, sau đó kéo nhau vào trong ngôi đền lánh nạn. Quả nhiên, xẩm tối hôm đó, bọn phỉ tràn về, chúng lục lọi tìm kiếm nhưng không thấy của cải gì sau một hồi đập phá chúng chia nhau đi tìm. Phát hiện trong ngôi đền có người, nhưng lạ thay, không kẻ nào dám tiến vào trong. Đến gần sáng, không cướp được gì bọn phỉ đành rút vào rừng. Từ đó, mỗi lần bọn phỉ đến, người dân lại trốn vào đền.

Đền thờ 13 vị thần tương ứng với 13 pho tượng, trong đó có một pho tượng trên tay cầm một quả thuốc phiện, mặt quay sang hướng khác (hướng nam-PV) so với những pho tượng khác.

Theo người dân địa phương, trước có rất nhiều sách cổ viết bằng chữ Nôm Dao nói về lịch sử ngôi đền. Tuy nhiên, theo thời gian, những quyển sách này dần bị thất lạc, hiện chỉ còn một số ít. Theo những gì còn lưu giữ được, thì ngôi đền được lập nên để thờ 12 gia đình từ phương Bắc di cư đến đây để lập nghiệp. Họ là những người đầu tiên có công khai phá vùng đất này.

Ban đầu, đền chỉ có 12 pho tượng, được dân bản tôn thờ. Sau có thêm một một pho tượng nữa, đó là vị thần cầm trên tay quả thuốc phiện. Người dân địa phương gọi là Thần thuốc phiện.

Thờ thần thuốc phiện để khuyên răn người đời

Theo sử sách còn lưu giữ được tại ngôi đền, pho tượng cầm trên tay quả thuốc phiện là ông Đặng Minh Đông, một vị quan người Dao nổi tiếng khắp vùng Hoàng Su Phì khoảng hơn 200 năm về trước, người đã có công đầu trong việc lập nên bản làng, khai khẩn núi rừng và chống giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, Ông cũng là người trồng, cung cấp thuốc phiện cho khắp các vùng lân cận.

Trở thành một ông “vua” thuốc phiện, vị quan này ngày càng trở nên giàu có và độc ác. Dưới trướng ông, có biết bao quân hầu cận chỉ với mục đích duy nhất là mở rộng thế lực, trong đó, thuốc phiện trở thành món hàng độc tôn. Vì vậy, ngày càng có nhiều người bỏ mạng bên những bàn đèn… Và số người oán hận ông càng chồng chất.

< Thần thuốc phiện đang dâng quả anh túc.

Chính vì vậy, trong ngôi đền, duy nhất pho tượng thờ vị Thần thuốc phiện Đặng Minh Đông quay mặt sang hướng khác. Về điểm này, dân gian cho rằng, do đại diện cho những người làm chuyện xấu nên pho tượng không dám “nhìn mặt” người khác, nhưng có giả thuyết lại cho vị thần cầm trên tay quả thuốc phiện và nhìn về hướng Nam là do bà con nơi đây kiên quyết loại trừ cây thuốc phiện nên vị thần đó phải bỏ chạy.

Là vị quan đầy thế lực và giàu có, Thần Đặng Minh Đông vừa có công, nhưng cũng vừa có tội. Chính ông cũng nghiện ngập, làm nhiều điều xấu xa, độc ác. Đến lúc chết, ông cũng không có lấy một người con.

Khi ông mất, người dân nơi đây đã tôn thờ ông với ý nghĩa là một vị thần có công lao khai khẩn lập làng. Đồng thời, cũng nhắc nhở khuyên bảo con cháu không nên trồng, buôn bán, sử dụng thuốc phiện.

Ông Đặng Kim Đăng, 47 tuổi, là một thầy cúng trong thôn kể: Xưa kia, thôn Suối Thầu, xã Bản Luốc vẫn chìm ngập trong những rừng hoa thuốc phiện. Nhà nào bàn đèn cũng nằm lăn lóc bên bếp lửa, cả gia đình từ bố mẹ đến con cái đều hút như thể ăn cơm, uống nước hàng ngày. Chính nhờ sự linh thiêng và sự hiện diện của pho tượng 13 trong ngôi đền mà giờ đây, cây thuốc phiện gần như không còn hiện diện trên mảnh đất này.

Bao nhiêu năm nay, pho tượng và vị thần cầm quả anh túc trong ngôi đền Thượng giữa đại ngàn không mang ý nghĩa tưởng nhớ hay tôn vinh cái thứ thuốc giết người, mà ngược lại, nó là lời nhắc nhở của những đấng tối cao tới đồng bào rằng phải tránh xa loài cây cỏ giết người. Không biết “lời nhắc nhở của thần linh” có hiệu nghiệm hay không nhưng có một điều chắc chắn là 20 năm nay: với 56 hộ dân tại bản Suối Thầu, không hộ nào có người nghiện.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Nguoiduatin, Vntourist

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc