Trong một lần trảy hội xuân Yên Tử, chúng tôi được nghe một câu chuyện thú vị về ngôi làng người Dao Thanh Y dưới chân núi thiêng Yên Tử.
Ngôi làng còn lưu giữ nhiều nét đẹp về phong tục tập quán. Đặc biệt nơi đây là xứ sở của các cô gái mang vẻ đẹp trong sáng, nhẹ nhàng... như sương núi, hoa rừng. Tương truyền đó là hậu duệ của các cung nữ xưa kia theo Phật hoàng về Yên Tử. Tò mò vì sự tích này, chúng tôi lặn lội vào trong núi rừng Yên Tử đi tìm dấu tích của xứ sở này.
Chuyến đầu trên đường vào bản chúng tôi bất ngờ gặp mưa lớn ở xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí). Anh Lý Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND xã nhất quyết ngăn: Vào làng phải qua nhiều suối, ngầm, mưa to lũ đổ về rất nguy hiểm.
Tìm về câu chuyện và dấu vết bản người đẹp
Trên hành trình trở lại lần này, chúng tôi đi cùng “chuyên gia” Ngô Ngọc Ảnh, nguyên Trưởng phòng VHTT Uông Bí, hiện là cán bộ Ban quản lý di tích danh thắng Yên Tử, người đã nhiều năm nghiên cứu về các dân tộc người Dao vùng này. Ông kể: Tương truyền rằng Thượng hoàng Trần Nhân Tông cách đây trên 700 năm quyết định bỏ lại triều chính vào Yên Tử tu luyện.
< Ngôi đền “Năm Mẫu” dưới chân núi Yên Tử, tương truyền thờ năm mẫu (mẹ) có công với làng.
Không muốn vua cha vào Yên Tử, vua Anh Tông ngầm sai 300 cung tần mỹ nữ đến đây can ngăn, xin vua quay về. Tìm mọi cách không thể mời được vua về kinh, 300 cung tần mỹ nữ đã gieo mình xuống con suối của đại ngàn Yên Tử để tỏ lòng trung trinh. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đau xót cho lập đền cúng tế và đặt tên con suối này là suối Giải Oan. Hiện nay, suối Giải Oan nằm vắt ngang xã Thượng Yên Công, bốn mùa có làn nước trong vắt.
Lại nói tiếp chuyện trong số 300 cung tần, mỹ nữ trầm mình ở non thiêng Yên Tử thì có năm người được làng người dân tộc thiểu số Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử cứu sống. Để cảm nghĩa cứu mạng, năm cung tần mỹ nữ này đã tình nguyện lấy năm chàng trai bản địa và những hậu duệ nơi này được thừa hưởng nhan sắc cũng như phong cách lịch lãm của các cung phi. Khi các bà qua đời, dân làng Thượng Yên Công đã lập đền thờ Năm Mẫu để tưởng nhớ những nàng dâu vốn là cung tần mỹ nữ sắc nước hương trời.
Sau quãng đường khoảng 10km với nhiều suối, ngầm, chúng tôi đặt chân tới vùng đất trong câu chuyện, bản Khe Sú. Từ xa, bản Khe Sú dần hiện ra trong sương mờ, từng khoảng ruộng yên bình nằm lẫn trong màu xanh núi rừng. Bản kéo dài từ con suối Giải Oan chảy qua làng tới chân đại ngàn Yên Tử. Bản có khoảng 1.000 khẩu, 100% là người Dao Thanh Y.
Cụ Bàn Cương, trưởng bản, năm nay gần 90 tuổi kể: Bản có trên 300 hộ, chủ yếu là các dòng họ như: Lý, Trương, Bàn… Không rõ thực hư câu chuyện ra sao nhưng đã bao đời nay phụ nữ vùng này rất xinh đẹp, duyên dáng. Có lẽ do nơi đây nguồn nước, khí hậu trong lành, mát mẻ hội tụ ở vùng non thiêng nên con người sống vui vẻ khoẻ mạnh… Lại được thừa hưởng nét đẹp của tổ tiên, các cô gái người Dao ở đây sinh ra đều có nước da trắng sáng, vẻ mặt rạng rỡ. Thiếu nữ Dao nơi đây có dáng người cao, mảnh mai, thanh thoát, giọng nói dịu dàng thánh thót như chim rừng…
Trưởng bản chỉ về phía con suối chảy vắt qua làng, tiếp: Tích đó chúng tôi được các cụ truyền lại qua nhiều thế hệ. Xưa kia con suối Hổ Khê (sau là Giải Oan) vốn dài, rộng có thể dong thuyền rồng vào tận Yên Tử. Một ngày nọ, trai làng đã cứu 5 thiếu nữ, vốn là các cung nữ quyên sinh trên dòng Hổ Khê. Họ đã một lòng ở lại, kết duyên sinh con đẻ cháu, nuôi dạy con cháu nên người… Sau khi mất, dân làng lập đền thờ Năm Mẫu, đến nay vẫn còn miếu thờ ở xã Thượng Yên Công. Tên vùng đất Nam Mẫu nay cũng được cho là đọc chệch từ Năm Mẫu mà thành.
Đang trò chuyện ngoài sân, chúng tôi thoáng thấy một tốp thiếu nữ người Dao đi làm về, vừa đi, họ vừa vui vẻ trò chuyện bằng tiếng Dao. Các cô gái người Dao đều mang trang phục đỏ truyền thống, đầu đội mũ thêu đính bạc, cổ đeo xà tích, chuông bạc duyên dáng. Họ ghé thăm nhà trưởng bản. Cô gái đi đầu tên là Triệu Thị Thắm có khuôn mặt trái xoan, dáng người cao, khoẻ mạnh, giọng nhẹ nhàng, cười tươi chào chúng tôi bằng giọng lơ lớ tiếng Kinh.
Chị Lý Thị Hà dù đã gần 40 tuổi, ngày ngày vẫn vất vả với công việc đồng áng nhưng vẫn có nét đẹp, sự duyên dáng và nước da trắng, đặc trưng của các cô gái Dao vùng này. Chị nhiệt tình mời đoàn chúng tôi về thăm tổ ấm gia đình, thưởng thức chè, xem các thiếu nữ dệt lụa, may trang phục dân tộc… Trông họ ai cũng duyên dáng trong trang phục truyền thống.
Các cô gái Dao tuy không được học cao nhưng đều có cách cư xử nhẹ nhàng, lịch thiệp, khéo léo. Các cụ bà trong bản kể: Theo phong tục tập quán của người Dao vùng này, từ xa xưa cách giáo dục con cháu, đặc biệt là các cô gái Dao rất cẩn thận, thậm chí có phần nghiêm khắc. Người Dao dùng roi dâu để dạy con. Bởi theo họ quan niệm con hư là do bị ma quỷ ám chứ sinh ra vốn đã ngoan rồi. Khi lớn, các thiếu nữ được dạy bảo kỹ về cách ăn nói nhỏ nhẹ, đi đứng từ tốn, nhẹ nhàng…
Anh Lý Đức Hải cho biết: Không phải ngẫu nhiên mà đông đảo thanh niên thành phố, tỉnh ngoài, thậm chí đàn ông nước ngoài đua nhau tìm về làng hỏi vợ.
Nhiều cô gái trong bản cũng đã được đưa đi thi người đẹp và đoạt các giải cao, tiêu biểu như người đẹp Trương Thị Hậu, đoạt giải ba trong cuộc thi người đẹp các dân tộc vùng Đông Bắc…
Ngày mới trên bản người Dao
Em Triệu Thị Thắm tâm sự: Em không có điều kiện học tập nhiều. Học xong lớp 12, em trúng tuyển và được một đơn vị nhận đưa đi tu nghiệp và làm việc tại Nhật. Em mong muốn có điều kiện làm việc để gánh vác cùng bố mẹ cho các em đi học. Em cũng mong muốn được học thêm về văn hoá, du lịch để khi về quê nhà có thể giúp đỡ cha mẹ, bà con quê hương bớt nghèo, bớt khổ.
Cụ Bàn Cương cho biết: Dù đã bị mai một theo thời gian nhưng những nét đẹp, phong tục tập quán như: Lễ cấp sắc, phong tục lễ tết vẫn được người Dao lưu giữ cẩn thận. Tục ma chay, cưới hỏi thì được giản tiện cho phù hợp… Các cô gái Dao vẫn giữ được “nếp nhà”, những phẩm chất vốn có của người con gái Dao.
Anh Lý Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống, văn hoá đồng bào dân tộc Dao đã đổi thay nhiều. Bản đã có đường đi lại dễ dàng, có nhà văn hoá, có trường học cho con em.
Nhiều mô hình kinh tế, cây, con giống năng suất cao đã góp phần cải thiện cơ bản đời sống của bà con. Hiện chúng tôi nỗ lực cùng bà con nghiên cứu để lưu giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của người Dao.
Trên vùng đất yên bình dưới chân núi thiêng Yên Tử, một mùa xuân nữa lại đến với bản Khe Sú. Cụ Bàn Cương vui mừng chứng kiến một lớp trẻ của bản người Dao dần lớn khôn, đang nỗ lực xây dựng quê hương, phát huy những nét đẹp bản sắc truyền thống của dân tộc.
Du lịch, GO! - Theo Hà Phong (Quảng Ninh Online), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét