Mỹ Sơn, từ góc nhìn chính diện

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Thay vì khám phá thánh địa Mỹ Sơn từ phía sau lưng khu đền tháp theo lỗi mòn cũ mà BQL khu di tích này khai thác từ năm 1999 (thời điểm được công nhận Di sản văn hoá thế giới) đến nay, bắt đầu từ 28.12.2011, du khách đến với Mỹ Sơn sẽ được chiêm nghiệm, thưởng lãm khu di tích độc đáo này từ góc nhìn chính diện (mặt tiền) của những cụm tháp.
Cũng từ thời điểm này, BQL khu di tích đang thay đổi phương thức khai thác, bảo vệ theo hướng bền vững, trả lại không gian yên tĩnh vốn có cho thung lũng Mỹ Sơn…

"Làm sạch" Mỹ Sơn

Sáng 28.12.2011, UBND huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn chính thức đưa hệ thống xe điện, phục vụ khách tham quan.

Theo đó, đưa vào sử dụng 5 xe điện phục vụ trung chuyển khách cùng hệ thống nhà chờ, trạm điều hành... Kinh phí triển khai hệ thống xe điện này là 1,2 tỉ đồng, được đầu tư từ nguồn quỹ tích luỹ của Ban Quản lý và vốn vay ngân hàng. Theo Trưởng ban Quản lý khu di tích Mỹ Sơn - ông Nguyễn Công Hường, dự kiến năm 2012, Ban Quản lý tiếp tục đầu tư thêm 5 xe điện từ 12-14 chỗ, tiến đến cấm toàn bộ xe động cơ xăng dầu vào thung lũng Mỹ Sơn.

Với lượng khách 70-100 người mỗi ngày những năm 1999-2000, nay đã tăng lên trên 1.000 người mỗi ngày đến Mỹ Sơn, nếu không sớm có biện pháp hạn chế xe cơ giới vào sát chân tháp sẽ dẫn đến nguy cơ cao cho di sản. Đây là điều mong đợt từ lâu của Mỹ Sơn, bởi lẽ, nếu trang bị đầy đủ hệ thống xe trung chuyển thân thiện như xe điện này sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ di tích vốn đã quá xuống cấp.

Cùng ngày, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, Sở VH-TT-DL Quảng Nam đã trao giải thưởng cho cuộc thi thiết kế logo riêng cho Mỹ Sơn và chính thức chọn mẫu thiết kế logo của tác giả Lê Quang Lợi - một hoạ sĩ tỉnh Bình Dương sáng tác để làm logo riêng. Như vậy, sau 10 năm kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản Văn hoá thế giới, Mỹ Sơn lần đầu tiên có logo riêng.

Logo có hai màu vàng nâu, lấy cảm hứng chủ đạo từ màu gạch Chăm rêu phong, hình tượng thần Siva cách điệu vốn làm nên điểm đặc sắc nhất trong văn hoá Chăm. Logo này cũng sử dụng hình ảnh cách điệu chữ cái M trong tên di sản Mỹ Sơn và chữ W trong cụm từ tiếng Anh World heritage (di sản thế giới). Trước đó, với sự trợ giúp của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Ban Quản lý di tích du lịch Mỹ Sơn đã phát động cuộc thi sáng tác logo cho khu di sản thế giới từ tháng 7-11.2011.

Trải nghiệm mới

Cũng từ dịp này, Ban Quản lý khu di tích Mỹ Sơn đã hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng hệ thống bảng biển báo, hướng dẫn, thuyết minh mới. Lối khám phá, tham quan khu đền tháp Mỹ Sơn sẽ đi theo hướng ngược lại với đường đi xưa nay. Nghĩa là du khách sẽ được chiêm ngưỡng Mỹ Sơn bắt đầu từ "mặt tiền" của các đền tháp (thay vì tiếp cận từ lưng tháp) như trước.

Điều đáng nói hơn, với cung đường gần 2km, xuyên giữ khu rừng trồng ngút xanh, uốn lượn qua những triền đồi, qua những con suốt trong vắt... chắc chắn sẽ mang lại cảm giá trải nghiệm mới, đầy thích thú cho du khách. Lối đi vòng qua các di tích về đến nhóm tháp đẹp nhất Mỹ Sơn không chỉ giúp du khách có một trải nghiệm mới, một cái nhìn tổng quan hơn về Mỹ Sơn, có thời gian suy ngẫm về những gì đã thấy, đã nghe".

Ông Nguyễn Công Hường rất phấn khởi khi khu Thánh địa có được logo - điểm nhận biết riêng có, độc đáo của di sản vốn nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo ông, điều mà người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở Mỹ Sơn tâm đắc hơn đó là sự hoàn thiện chất lượng phục vụ du lịch, khám phá, nghiên cứu. Hơn 50 hướng dẫn viên, thuyết minh về khu di tích vừa được tập huấn kỹ về kiến thức, nghiệp vụ cũng như thái độ phục vụ.

Mỹ Sơn không còn tiếng ồn, khói bụi xe cơ giới, không gian được mở ra nhờ lối đi, tiếp cận mới, hoà với môi trường sinh thái tự nhiên đã tạo sự hấp dẫn mới đối với khu di tích cũ này.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Hải báo Lao Động, internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc