Sau 11 năm xa vắng, năm nay Rồng trở lại với mọi người theo tiếng gọi tâm linh Nhâm Thìn. Trong số 12 con giáp thì rồng là con vật huyền thoại. Theo quan niệm truyền thống của Trung Quốc và Việt Nam, rồng là con vật thần linh, mạnh mẽ nhất được con người ngưỡng mộ, yêu quí, tôn thờ.
Chuyện con rồng cháu tiên gắn với huyền thoại Âu Cơ - Lạc Long Quân là niềm tự hào chung cho tất cả các dân tộc Việt Nam. Rồng đi vào cuộc sống của con người trong hầu hết các hoạt động sản xuất, kiến trúc, lễ hội, mỹ thuật, thậm chí cả trong miếu mạo, đình chùa… ở phương Đông, con rồng đứng đầu trong bốn loài vật tượng trưng cho sự phong lưu, sức mạnh của con người, gọi là tứ linh. Đó là Long - Ly - Qui - Phượng (rồng, lân, rùa, phượng).
Rồng là con vật tưởng tượng, hư cấu từ những hình tượng của những con vật có thực. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều dân tộc có biểu tượng con rồng với nội dung khác nhau. Hình tượng con rồng có muôn vàn dáng vẻ, mầu sắc rực rỡ, không những thấy trong thơ ca, tiểu thuyết, hội hoạ, đồ mỹ nghệ, điêu khắc, kiến trúc chùa chiền, cung điện qua các thời đại mà còn đi sâu vào phong tục tập quán dân gian. Những ngày lễ, tết, hội hè đều có hình bóng con rồng.
Năm mới Nhâm Thìn được thể hiện qua những con rồng lớn nhất, dài nhất và cũng độc đáo nhất tại các chợ hoa xuân qua các vùng miền trên khắp nước, mời bạn xem:
Rồng tại đường hoa Nguyễn Huệ.
Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2012 sẽ có 90% thay đổi so với năm trước. Chủ đề chính là "Việt Nam - Quê hương tôi" và 4 chủ đề phụ gồm Vườn mai Bác Hồ, Truyền thuyết hóa Rồng, Đất nước trọn niềm vui, Vươn đến tương lai. Với từng chủ đề sẽ có những bài trí riêng như khu vực tượng đài Bác sẽ sắp đặt rất nhiều chậu mai vàng, đầu đường hoa là hình ảnh rồng bay lượn trên nền mây. Khu Đất nước trọn niềm vui sẽ là hình ảnh bánh chưng, bánh ú, bánh tét hoa tượng trưng cho ba miền, rồi những biểu tượng nón quai thao, nón lá, chuồn chuồn hoa…
Hình ảnh cánh đồng lúa thanh bình với đồi cơm lam, giàn bầu, mướp, ao hoa sen cùng khuôn viên cao nguyên với các loại hoa lan cũng được tái hiện. Đặc biệt, một trong những điểm nhấn của đường hoa năm nay là hình ảnh biển đảo với các tiểu cảnh bãi cát trắng, hàng dừa, thuyền thúng, dàn phơi lưới cá, ngọc trai, ốc hoa…
Ngoài hàng trăm ngàn chậu hoa cảnh cùng khoe sắc, đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) luôn có biểu tượng con giáp của năm. Năm nay, điểm nhấn sẽ là con rồng dài 26 m, cao 5,5 m làm bằng xốp và lục bình. Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Thìn sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ 27 tháng Chạp đến mùng 4 tết.
.
Đôi rồng 35 mét trên mặt nước hồ Tây
Tết Nhâm Thìn, đôi rồng thời Lý bằng gốm sứ dài 35 m, cao hơn 8 m do các nghệ nhân Bát Tràng chế tác sẽ bồng bềnh trên mặt nước hồ Tây.
Đôi rồng gốm sứ thời Lý đạt kỷ lục Guinness Việt Nam đặt tại Công viên Bách Thảo (Hà Nội) từ dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bắt đầu được dời đến đặt tại hồ Tây - khu vực đường Nguyễn Hoàng Tôn kéo dài với đường dạo ven hồ.
Đôi rồng gốm dài 35 mét, được làm từ 6.000 chiếc đĩa và hơn 4.000 chiếc cốc có nước men đặc biệt.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đôi rồng được lắp đặt tại hồ Tây mang nhiều ý nghĩa lịch sử và tâm linh. Vị trí đặt rồng đối xứng với phủ Tây Hồ và trục Hồ Tây - Ba Vì, Hồ Tây - Cổ Loa, tạo sự gắn kết chặt chẽ với các địa danh văn hóa.
Rồng tại Đà Nẳng
Còn tại Hội hoa xuân dịp tết Nhâm Thìn tại Đà Nẵng có rồng sứ dài 57 mét cùng cặp rồng bằng cây xanh dài hơn 70 mét đã tạo nên nét độc đáo.
Năm nay, Đà Nẵng đã trang trí “tam rồng” dài kỷ lục tại chính giữa Công viên 29-3. Bộ ba rồng này đang được trang trí đèn phục vụ người dân đến công viên vui chơi vào ban đêm trong những ngày diễn ra hội hoa xuân.
Cặp rồng làm từ 7 lùm cây xanh được đặt mua từ Bến Tre. Cặp rồng này dài 54 mét, tính cả chiều uốn lượn rồng dài hơn 70m. Để vận chuyển được đôi rồng này từ Bến Tre ra Đà Nẵng, những nghệ nhân phải tháo rời và sau đó nối lại bằng khung sắt.
Ấn tượng hơn là con rồng sứ được đặt chính giữa.
Rồng sứ dài 40 mét, tính cả đường uốn lượn rồng dài 57 mét. Đại diện Công viên 29-3 cho biết, rồng sứ được đặt làm từ Trung Quốc trong dịp tết cách đây 12 năm.
Đầu rồng được làm khá kỳ công. Chân rồng có 4 móng, được tạo dáng uốn lượn tinh xảo. Còn những chiếc đĩa sứ tạo thành vảy rồng. Đuôi rồng được thiết kế theo hình bông sen. Xung quanh rồng sứ được trang trí hoa và cây cảnh.
Hội hoa xuân TP Đà Nẵng được khai mạc tối 21/1 (tức 28 Tết), với nhiều hoạt động như trưng bày tượng đá non nước, hội thi các bộ môn nghệ thuật hoa viên, long lân tranh châu, hội bài chòi, hái lộc đầu xuân... Theo Sở VHTT&DL thành phố, đây là dịp cho người dân vui chơi, cảm nhận Tết cổ truyền và đặc biệt là mừng 15 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Rồng ở xóm tôi:
Tại hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng đã khai mạc từ ngày 23 tháng chạp: rồng được thiết kế tiết kiệm bằng vật dụng tái sinh (dĩa CD cũ, dĩa mốp dùng 1 lần) nhưng khá độc đáo.
Rồng tại đây dài khoảng 46m, được thiết kế giản đơn nhưng khá ấn tượng thể hiện ông rồng Nhâm Thìn vùng vẩy uốn lượn nửa chìm nửa nôi trên mặt đất.
Hội chợ hoa xuân tại khu Phú Mỹ Hưng năm nay lần đầu tiên sẽ tổ chức đường xuân với chiều dài 360m ôm quanh hồ Bán nguyệt và mở rộng ra những con đường xung quanh với các khu hội chợ, giải trí, chợ hoa, bồn phun nước...v.v...
Chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng không bán vé nên thu hút lượng khách khá đông đến thưởng lãm, mua sắm.
Để vào đây bạn phải gởi xe bên ngoài nhé (có rất nhiều điểm gởi xe) và chuẩn bị dép nhẹ... vì sẽ phải đi bộ nhiều do khu hội chợ, chợ hoa rất rộng.
Du lịch, GO! - Tổng hợp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét