Những người nước ngoài đã sống ở VN hay đến du lịch tại VN chắc hẳn ai cũng vài lần bị chèo kéo mua hàng, bị “chặt chém”. Thường đi chu du các vùng miền ở VN, tôi cũng có những câu chuyện của riêng mình.
< Chèo kéo...
Ba năm trước, tôi đi tour một ngày tham quan Tam Cốc (Ninh Bình) trên thuyền nan nhỏ 2-3 người. Khi tôi và một du khách khác đang say sưa ngắm nhìn cảnh đẹp sông nước thì không biết từ đâu một cô bán hàng từ thuyền khác nhảy vào bắt đầu giới thiệu từ áo thun đến khăn trải bàn.
Chúng tôi lịch sự từ chối, bảo không cần nhưng cô bán hàng cứ nằng nặc bắt chúng tôi mua, còn anh chèo thuyền đã dừng lái, vờ nhìn vu vơ đâu đó. Nhìn sang thuyền bên cạnh, tôi thấy đôi du khách Pháp cùng đoàn cũng bị chèo kéo và nhiều thuyền khác cũng bị dừng lại để tham gia cuộc “mua bán” không có trong chương trình.
Hiểu ngầm rằng giữa mênh mông sông nước thế này nếu không mua thì không về được, tôi đành móc hầu bao mua chiếc áo thun. Người bạn cùng thuyền của tôi cũng phải mua một chiếc khăn thêu thì cô bán hàng mới bỏ sang thuyền khác để tiếp tục chèo kéo.
Đoạn đường về lại bờ, anh hướng dẫn viên đón chào chúng tôi với nụ cười rạng rỡ. Nhưng những vị khách trong đoàn không còn vui tươi như khi mới xuất phát nữa. Chúng tôi nhận ra rằng mình đã bị sập bẫy trong vụ “chặt chém” này.
Nếu không chi gấp vài lần cho những tiểu thương, những người bán hàng rong thì du khách nước ngoài cũng phải trả hơn vài chục ngàn ở những đơn vị có uy tín. Biết một chút tiếng Việt, tôi đọc được bảng giá một số địa điểm du lịch nổi tiếng tại TP.HCM, Huế và thấy có hai giá khác biệt cho du khách nước ngoài và địa phương. Biết rằng một số nước có chính sách là người địa phương được miễn phí trong khi khách nước ngoài phải trả tiền vào các khu di tích, nhưng điều đáng nói là sự chênh lệch về giá ở các địa điểm du lịch còn chưa rõ ràng. Tôi từng chứng kiến một khu du lịch ghi vé bằng chữ tiếng Việt thay vì bằng số để người nước ngoài không phát hiện!
< Người bán hàng rong quấy rầy khách nước ngoài ở đèo Hải Vân.
Tôi đã có dịp đến các nước châu Á như Singapore, Nhật Bản và không thấy tình trạng nâng giá đối với du khách nước ngoài. Ngược lại, các nước này còn giảm giá, miễn thuế, kèm theo ưu đãi cho những người trình passport du lịch để họ có dịp tham quan cảnh đẹp, tận hưởng mua sắm để rồi về quảng bá cho bạn bè, người thân.
Tôi hiểu VN không giàu như Nhật, Singapore và nhiều người lao động nghèo ở các địa phương còn dựa vào du lịch để kiếm sống. Tuy nhiên, mang tâm lý du khách không biết nhiều về giá cả ở VN và họ chỉ đến một lần, một số người bán hàng cứ tranh thủ “chặt” thì ai còn dám đi mua sắm gì hay thậm chí trở lại VN nữa?
Không phải khách Tây nào cũng giàu “kếch sù”. Nhiều người phải làm thêm giờ, tằn tiện để có những chuyến du lịch xa với gia đình, bạn bè. Nếu cứ phải lo lắng về chi phí phát sinh do bị “chặt chém”, áp lực bị chèn ép khi mua sắm, khó chịu từ những cuộc đôi co, tranh cãi với người bán thì còn tâm trí đâu tận hưởng chuyến đi?
Tôi nghĩ vấn đề “chặt chém” ở VN đã kéo dài khá lâu và du khách nào đến đây cũng đều được cảnh báo về điều này, nhưng nhiều người khó tránh khỏi trở thành nạn nhân trong những cuộc mua bán. Nhiều giao dịch thực hiện trong vài phút trên đường, trên tàu không có hóa đơn, không địa chỉ cụ thể nên rất khó báo cho cơ quan chức năng truy ra người “chặt chém” để phạt. Tôi nghĩ cần khuyến khích du khách chụp ảnh, ghi lại số tàu, đặc điểm người bán làm bằng chứng.
Cùng với chính quyền địa phương, các công ty lữ hành, hướng dẫn viên, nhân viên quầy thông tin du lịch hãy ra sức bảo vệ quyền lợi của du khách hơn nữa, giúp họ có một kỳ nghỉ đáng nhớ ở VN để họ sẽ trở lại, dẫn thêm nhiều du khách mới và làm giàu cho ngành du lịch.
"Tôi ủng hộ việc lập đường dây nóng ở các địa phương để du khách kịp thời phản ảnh khi bị bắt phải móc hầu bao mua món hàng giá trên trời. Hiện nay mỗi tỉnh, thành có một số điện thoại khác nhau, rất khó phổ biến cho du khách. Tại sao không thống nhất một số điện thoại duy nhất để khách nước ngoài có thể ghi nhớ dễ dàng? Nếu có điều kiện, tổng đài viên ngoài tiếng Anh nên nói cả tiếng Pháp, Nga, Nhật..."
GILLES B.
Ăn cá... chục triệu đồng ở Hạ Long
Nhiều du khách tới vịnh Hạ Long thăm các làng chài bán hải sản tươi đang bị chặt chém cùng một công thức: giá bán trên trời, cân không chính xác, cá bị đập chết rồi ép khách mua...
Đến từ “đất nước của những nụ cười” (khẩu hiệu du lịch của Thái Lan), Kasilod Wuttichai đã phải cười... méo mặt khi bị bắt trả trên 10 triệu đồng cho con cá anh vớt tại một bè cá thuộc làng chài Ba Hang, vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.
< Anh Kasilod Wuttichai (Thái Lan) vui vẻ chụp hình kỷ niệm tại bè cá, trước khi biết con cá anh chọn ở Hạ Long có giá trên... 10 triệu đồng.
Sau khi dừng tàu xuống bè tham quan, Kasilod muốn mua cá tươi ăn, đề nghị cân xong cá mới quyết định mua. Đến khi tính ra, con cá Kasilod chọn có giá 1,8 triệu đồng/kg và nặng gần 6kg, anh được yêu cầu phải trả một hóa đơn trên 10 triệu đồng.
“Hốt hoảng tôi đề nghị không mua nữa thì họ nói cá đã bị đập đầu, không lấy không được”, Kasilod tường thuật lại.
Vào ngày 2-2, đường dây nóng của báo Tuổi Trẻ lại nhận được thông tin của vợ chồng anh chị D.T. chia sẻ “kinh nghiệm bị lừa” trong dịp theo đoàn du lịch du xuân Nhâm Thìn tại vịnh Hạ Long. Dù đã mặc cả trước, sau khi ngã giá cá chuối hoa còn 480.000 đồng/kg và đề nghị được cân cá, người trong đoàn mới phát hiện hai con cá chuối vừa vớt lên đã bị đập đầu và nặng tới... 24kg.
“30 thành viên trong đoàn du lịch của chúng tôi đã phải gom tiền để trả 11,5 triệu đồng cho chủ bè cá - vợ chồng chị D.T. cho biết - Họ còn nói nếu không trả tiền cột tàu không cho đi tiếp!”.
Sau khi nghe phản ảnh sự việc, ông Nguyễn Đăng Trưởng, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, khẳng định trong suốt thời gian từ 16-1 (23 tết) đến 30-1 (mồng 8 tết), theo giám định của chi cục, giá cả khảo sát thị trường rất ổn định và ông không nhận được thông tin nào về việc chặt chém tại các bè cá.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Trưởng cũng khuyến cáo khách du lịch nên tự “thông thái” và điều chỉnh tình huống theo “nhu cầu ăn uống của mình”. Theo đó, đã xác định mua hải sản tươi ở các bè cá trên vịnh Hạ Long, khi thấy giá cả bất ổn khách tham quan có thể yêu cầu chủ bè cho xem bảng niêm yết giá, thống nhất giá trước khi để chủ bè vớt cá lên.
Trong trường hợp sự đã rồi, nếu khách quá bức xúc có thể giữ lại hóa đơn, ghi lại địa chỉ bè cá và phản ảnh các hành vi vi phạm theo số điện thoại đường dây nóng phòng nghiệp vụ thanh tra của chi cục.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Du lich Tuoitre
0 nhận xét:
Đăng nhận xét