Là 7x đời… gần cuối với thâm niên gần 2 chục năm rong ruổi, nick Toét – hay Đặng Minh Lý – không đứng đầu trong giới phượt vì thành tích đi nhiều hay đến những chỗ quá hiểm hóc. Nhưng “người trong nghề” thì ai cũng biết và… rất nể.
< Ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Chị là một trong những mod đầu tiên của box dulich một thời đình đám trên ttvnol, tiếp tục là một trong những người thành lập trang phuot.com chuyên về du lịch – hiện nay là sân chơi chủ yếu của những người ham thích dịch chuyển. Chị cũng là người đầu tiên khởi xướng phong trào tập trung những người không quen biết để đi chơi – kiểu đi mà bây giờ được định danh là “đi phượt”.
Đi không chỉ là đến
- Đang yên lành với nhóm đi chơi của mình, tại sao chị lại khởi xướng và tổ chức việc đi đoàn đông, với những người xa lạ? Phải chăng là để thử cảm giác mới?
Đặng Minh Lý: Từ năm 1999 – 2000, tôi và một số “cao thủ” tổ chức cho đi trên mạng cho nhưng người chưa gặp bao giờ. Cùng với nick Cao Sơn, tôi là người tổ chức còn Cao Sơn có vai trò như người tạo sức hút, kết nối những người không quen. Mục đích là mở phong trào cho giới trẻ để các bạn mở rộng tầm nhìn, nhất là với các bạn làm văn phòng, để không chì tập thể dục trên 10 đầu ngón tay.
Chuyến đi kiểu này đầu tiên là ra Quan Lạn, rất vui và cởi mở. Còn chuyến đi đông người nhất mà chúng tôi tổ chức là chuyến đi Hà Giang mùa xuân năm 2003 với hơn 50 người và 30 xe. Khi thực hiện chuyến đi này, chúng tôi đã rất lo lắng vì trước đây thường chỉ đi chơi bằng xe máy theo nhóm nhỏ. Các “cao thủ” đã vào tư vấn, từ cách chia nhóm để quản lý, nhóm trước nhóm sau, người đi đầu người đi chốt, dến số điện thoại nóng…
Chuyến đi này thành công, mọi người đều khỏe mạnh, xem được những chỗ muốn xem. Hồi đấy đi chơi rất hồn nhiên. Sau 2 năm tổ chức thì chúng tôi rút lui không làm công việc tổ chức nữa vì thấy rằng các bạn khác cũng đã có thể tự lập được nhóm đi chơi chung rồi.
- Tại sao các “cao thủ” lại rủ nhau bỏ box du lịch bên ttvnol để lập ra phuot.com khi phong trào đi chơi chung vẫn sôi nổi?
< Bên cửa sổ một trường Đại học Hồi giáo ở Ma-rốc.
Phuot.com ra đời vào năm 2007 vì khi đó chúng tôi thấy các bạn trẻ tham gia box du lịch đã rất khác với chúng tôi, việc gì cũng quyết rất nhanh, luôn muốn rằng phải “luôn và ngay”. Rồi cũng xuất hiện tình trạng các bạn dần co cụm lại theo nhóm nhỏ, không còn là phong trào chung như ban đầu. Phuot.com được lập ra hướng tới nhóm đối tượng khác, có hiểu biết nhất định, biết là mình cần gì, chi được bao nhiêu tiền cho các chuyến đi.
- Theo chị, tại sao bây giờ không còn kiểu đi phong trào rầm rộ như ngày trước?
Bây giờ ai cũng có sự chủ động của riêng họ, không ai còn muốn chịu trách nhiệm cho nhiều người nữa. Nếu như trước đây, chúng tôi tự lên lịch trình chuyến đi, ai tham gia thì đóng tiền rồi đi thì hiện nay với rất nhiều nguồn thông tin, các bạn dù là khởi xướng hay gia nhập một nhóm di chơi cũng có thể tham gia góp ý, hay chia nhau những phần việc chuẩn bị cho cả chuyến đi.
- Trong các chuyến đi du lịch, có vẻ như bạn ở các địa phương ngoài Hà Nội và TPHCM chịu thiệt thòi?
Do bản thân các bạn đó chưa coi đi chơi là sở thích. Một phần nữa là do tính cách của người Việt, cái tôi chưa đủ mạnh lúc nào cũng cần có phong trào mà không có sự chủ động. Vì vậy, phong trào ở các địa phương không bằng Hà Nội và TP.HCM thì các bạn trẻ ở đó cũng ít đi hơn là điều dễ hiểu. Trong các cuộc đi chơi tập thể thì các bạn ở địa phương cũng có tham gia nhưng thường đóng vai người chủ nhà tốt bụng, dè dặt.
- Mọi người đi chơi về thường thích chia sẻ ảnh, cảm xúc và đôi khi là kinh nghiệm về những vùng đất đã qua. Nhưng tại sao chị ít chia sẻ những điều này mà lại chọn lập nên những topic tổng kết từ những thứ tưởng như rât nhỏ nhặt như những đồ vật cần thiết cho mỗi chuyến đi, đến việc lập ra các tuyến đường, điểm đến cho một số khu vực?
Đứng ở vị trí quản trị diễn đàn thì không chỉ đơn thuần là đi chơi cho vui. Tôi thấy có trách nhiệm tạo ra các topic nền tảng chia sẻ kinh nghiệm đi lại, chú trọng việc sao cho chuyến đi được an toàn chứ không chỉ là cứ đến đấy là được. Mỗi chuyến đi là làm giàu kiến thức. Tôi rất không thích coi chuyến đi là để chinh phục hay chứng tỏ gì đó dù tất nhiên sự chinh phục là cần thiết.
Các topic tôi lập nên không chỉ là sự cảnh báo an toàn khi đi lại mà còn chỉ ra các cách tìm dịch vụ nhanh nhất, tránh những cư xử khiếm nhã khi không biết về phong tục tập quán của vùng đất mình sẽ đến hay để xảy ra chuyện bất lợi vì thiếu hiểu biết.
< Đi xe chó kéo ở Na-uy, thuộc vòng Bắc cực.
Ví dụ như hai, ba năm trước đây có vụ tai nạn xảy ra trên đường đi phượt làm 2 thành viên tham gia đoàn bị chết đuối. Lý do là trên đường từ Cao Bằng về bạn gái xuống suối để rửa tay bị trượt chân ngã xuống suối. Bạn trai xuống cứu rồi cùng bị chết đuối. Đây là tai nạn rât thương tâm nhưng xét về bản chất là sự thiếu hiểu biết. Nếu các bạn đó thấy được rằng khi đi chơi thì sự sạch sẽ chỉ ở mức độ tương đối, và không ai lại đi xuống suối vào mùa lũ, thì tai nạn đã không xảy ra.
“Phượt” không phải là khổ
- Có những bạn trẻ đi với mục đích đặt được chân đến những nơi càng khó đến càng tốt. Chuyến đi nào với chị là khó nhất?
Tính tôi không thích thử thách hiểm nguy. Trước mỗi chuyến đi, mọi chuyện đều được tính toán, hình dung trước. Vì đã lường trước mọi tình huống, lên mọi phương án cho những từng huống có thể xảy ra nên không bao giờ bị quá bất ngờ hay quá khó khăn khi đi du lịch. Tuy nhiên, cũng có thể kể ra đây chuyến đi với tôi là vất vả nhất.
Đó là chuyến cưỡi lạc đà vào sa mạc ở Ma rốc. Cả một ngày phải di chuyển bằng lạc đà, mà những ai đã cưỡi lạc đà mới biết được sự khó chịu, mệt nhọc khi phải ngồi lạc đà. Đến mức khi đến chỗ nghỉ buổi tối tôi đã thề là không leo lên lạc đà lần nào nữa, thậm chí đã nghĩ rằng hôm sau mình sẽ đi bộ về. Nhưng buổi tối hôm đó, khi cũng mọi người leo lên đồi cát để ngắm sao, thì tôi lại mới thấu cảnh lội cát khổ sở đến như thế nào.
Cả đoàn hàng chục người ai cũng mệt mỏi, lặng lẽ lê từng bước lên đồi… Tuy nhiên, khi lên tới đỉnh đồi, nằm vật ra đất nhìn lên khoảng không lộng lẫy rộng lớn thì tôi thấy mình đã được “đền đáp” cho mọi khó nhọc đã trải qua trong ngày.
- Nhiều bạn trẻ hiện nay quan niệm đi phượt thì phải khổ, khổ mới là phượt đúng nghĩa. Theo chị thì sao?
Tôi không đề cao việc nhất thiết phải giảm chi phí. Đi chơi để cảm nhận, để tận hưởng chứ không phải để hành xác. Nếu đi trong nước thì có nhiều cách tính. Nếu đi nước ngoài, thì chi phí từ 100 USD – 100 euro/ ngày. Đây là mức chi tiêu trung bình, không phải quá thoái mái nhưng cũng không quá kham khổ.
- Nhiều người thường than thở là thích đi du lịch nhưng không có tiền. Vậy chị kiếm tiền thế nào để đi chơi suốt từ khi mới học đại học cho đến nay?
Nhiều bạn khi được hỏi về sở thích thường trả lời là thích đi du lịch, thích đọc sách... Nhưng nếu trả lời nhanh kiểu đó thì mới chỉ là ý thích. Còn nếu đã là sở thích thật sự thì sẽ tìm được đủ mọi cách để đi. Bố tôi là kỹ sư địa chất nên đi lại nhiều, ngay từ nhỏ đã hay cho con đi chơi nên có thể tôi “nhiễm” sở thích này từ những ngày còn nhỏ.
Sau này tôi làm báo, rồi làm công việc liên quan đến du lịch nên cũng có điều kiện đi nhiều. Hoặc có thể nói tôi chọn nghề thỏa mãn được sở thích của mình. Khi làm kinh doanh du lịch thì có thể nói, tôi thu được tiền từ sở thích để lại tiếp tục “phục vụ” sở thích của mình.
Rồi tôi còn viết báo chuyên về mảng du lịch, viết từ những chuyến đi của chính mình. Số tiền này không nhiều nhưng cũng không phải là ít, cũng đủ để cho tôi… đi đâu đó. Không thể nói là ít tiền nên không đi chơi được. Ít tiền thì có thể đi chỗ gần.
Với tôi, có thể chỉ là một chuyến tới chùa Đậu có bờ kênh cỏ mượt, có gốc đa, chỉ nằm chơi ngắm mây trời là đã thấy vui. Hoàn toàn ít tiền mà vẫn vui vẻ. Du lịch chỉ nên dừng lại là sở thích, không phải là mục tiêu tối thượng. Đừng quan trọng hóa thì sẽ thực hiện được.
< Nghịch ngợm ở Cu ba.
- Hiện nay chị duy trì “lịch” đi chơi như thế nào?
Hằng năm, 2 vợ chồng tôi đi khoảng 4 chuyến dài từ 10 ngày trở lên, còn các chuyến ngắn ngày hay đi chơi cuối tuần thì không tính. Tôi không quá quan trọng việc phải đến vùng đất mới. Các chuyến đi của tôi có thể đi nơi mới, nhưng cũng có thể trở lại nơi cũ, để được trải nghiệm một nơi đủ cả 4 mùa xuân hạ thu đông.
- Những bạn đi chơi cùng thời kỳ đầu với chị còn đi không?
Họ vẫn đi. Nhưng bây giờ là đi tìm sự trải nghiệm cho bản thân chứ không phải đi phong trào như trước. Mà chúng tôi cũng vẫn thường đi với nhau, bởi sau một thời gian thì đã chọn được những người bạn cùng kiểu, cùng style để đi cùng. Tôi nghĩ các bạn trẻ bây giờ cũng thế thôi.
Nam giới ít đi du lịch vì lười
- Đi du lịch nhiều chị có chịu áp lực từ gia đình không?
Trong gia đình tôi, bố mẹ để con cái sống độc lập, bố mẹ tôn trọng mọi quyết định của con cái, để con được chủ động, quyết định sai thì tự chịu. Hơn nữa, như tôi đã nói bố tôi là dân địa chất nên coi việc đi nhiều là… đương nhiên. Chính vì thế tôi không gặp trở ngại từ phía gia đình. Mà tôi còn làm báo, đi du lịch nên đôi khi chỉ cần viện lý do… đi công tác.
- Có khi nào chị thấy chuyến đi là vô nghĩa?
Không bao giờ. Tôi luôn tìm thấy điều thú vị trong mỗi chuyến đi. Có khi từ ngay người bạn đồng hành. Đi không vì một cái gì đó mà đi là quan sát, cảm nhận, thu nhận kiến thức, thông tin thì sẽ luôn thấy sự mới mẻ.
Tôi có đặc điểm là rất thích đi chợ ở mỗi nơi tôi đến. Chợ là nơi phản ánh đầy đủ nhất đặc điểm, phong tục tập quán của cư dân địa phương.
Tuy nhiên, đôi khi cũng có sự mệt mỏi trong các chuyến đi. Có những thời gian sau khoảng 10 ngày đi xa là tôi thấy nhớ nhà, nhớ từ góc sofa mình vẫn ngồi khi ở nhà.
- Chuyến xa nhà lâu nhất của chị tính đến thời điểm này?
5 tuần, là chuyến đi Úc mới đây. Tuy đi lâu nhưng không nhàm chán vì địa hình luôn thay đổi...
< Lang thang ở Cuba.
- Chuyến đi có tác động lớn nhất tới cuộc sống, hay quan điểm của chị?
Là chuyến đi châu Âu một mình năm 2005. Trong chuyến đi này tôi có đến một thành phố của Pháp. Thành phố êm đềm, lãng mạn với những người phụ nữ đi xe đạp, giỏ xe phía trước hay yên xe phía sau nếu không có hoa thì cũng có thú cưng như chó, mèo. Rồi tôi một mình lang thang vào nhà hàng, chỗ nào cũng thấy những đôi tình nhân ngồi âu yếm bên nhau.
Tôi đã phải vào siêu thị mua mấy lon bia về khách sạn ngồi uống vì nếu cứ lang thang ngoài đường nhìn mấy cảnh đó chắc mình… lao đầu xuống sông mất.
Trải qua những giây phút cô quạnh trong khách sạn, tôi thấy thôi thúc ý nghĩ mình không thể đi chơi một mình được nữa, cần phải có bạn đồng hành trong cuộc đời. Rồi cũng từ chuyến đi này mà tôi gặp được mối nhân duyên trong đời, từ đó mà thay đổi cả quan điểm sống. Như trước đây, tôi hay cảm thấy chán nản khi cuộc sống quanh quẩn chứ không yêu đời như bây giờ.
- Nhiều chị em 7x, 8x thích đi du lịch và chưa lập gia đình thường “mang tiếng” là mải chơi, và chịu khá nhiều áp lực. Chị có bí quyết gì để… vừa lấy được chồng mà vẫn được đi chơi?
Việc lập gia đình, tất nhiên là phải có mối lương duyên, không phải là cứ ở nhà thì sẽ lấy chồng được. Những người phụ nữ “ham chơi” cần phải tạo thế chủ động để cuốn người ta theo suy nghĩ, quan điểm của mình, không để người khác nhìn mình thiếu thiện cảm. Mọi người phải thấy mình là “ngôi sao sáng”.
Hay như chuyện của tôi. 2 vợ chồng lấy nhau đã 5 năm nay mà chưa có con.
Với mọi người ở Việt Nam thì đây là chuyện rất kinh khủng. Nhưng với 2 vợ chồng tôi thì 2 người có thể yêu nhau mà sống cùng nhau mà không cần có con. Buồn hay vui là ở trong lòng mình. Nói thật, nhiều người già còn phải ngưỡng mộ với cuộc sống của chúng tôi hiện nay, luôn luôn vui vẻ và yêu thương nhau.
Hay như người Việt Nam vốn coi trọng chuyện tiền bạc nhưng nhiều bạn rất khá giả khi đến chơi nhà chúng tôi thì cũng phải công nhận tiền bạc không phải là điều cốt yếu trong cuộc sống. Điểm lợi của du lịch thì rất nhiều, nhưng cũng không nên lạm dụng quá, nhất là phụ nữ.
< Giữa cánh đồng hoa dại ở Hà Lan.
Thứ nhất là đi nhiều quá sẽ đem lại sự hủy hoại về nhan sắc và sức khỏe. Và nếu quá ham hố, sa đà vào việc đi chơi thì sẽ không còn sự cân bằng nữa. Phái nữ dù mạnh mẽ đến đâu thì cũng cần có cuộc sống gia đình yên ấm. Các chuyến đi để làm cuộc sống vui vẻ, thú vị chứ không phải cố sống cố chết để đi.
- Trong các chuyến đi hiện nay nữ giới đang chiếm ưu thế. Theo chị, tại sao các bạn gái thích đi và duy trì được niềm ham mê đi chơi lâu dài hơn các bạn nam?
Theo tôi, do nam giới Việt Nam lười, trong mọi việc chứ không chỉ là chuyện đi du lịch. Đó là tính ì cố hữu. Khi đi chơi, trước những tình huống mới lạ các bạn sẽ phải ra nhiều quyết định hơn, từ ăn gì, ở đâu, đi như thế nào… chứ không chỉ là các tình huống công việc và cuộc sống hàng ngày. Nhiều khi nam giới chỉ dũng cảm trong trường hợp cụ thể chứ không phải sẵn sàng cho mọi việc.
Hoặc là nam giới đi chơi thường có mục đích. Ví dụ như có em A đi cùng chuyến này thì mình đi… chứ không phải do nhu cầu trau dồi hay mở mang kiến thức gì hết, nên khi mục đích không còn thì tự nhiên cũng không tiếp tục đi nữa. Tất nhiên, vẫn còn số ít nam giới đi chơi mà không như vậy, nhưng chỉ với số lượng cực ít.
Xin cảm ơn chị.
Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét