Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử - người được xem là “khai sáng” của Nho giáo và Nho học cùng các học trò xuất sắc của người.
Ở Việt Nam, kể từ Văn Miếu đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội năm 1070 (tháng 8 năm Canh Tuất), các triều đại phong kiến tiếp theo đã cho dựng xây Văn Miếu ở nhiều vùng miền trải dài từ Bắc vào Nam đất nước. Sự hình thành các Văn Miếu chính là biểu thị của tư tưởng chủ đạo trong việc tôn vinh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.
Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội
Đây là Văn Miếu đầu tiên của nước ta, được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng tháng 10/1070. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu, có thể coi đây là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem như là biểu tượng của tri thức, của nền giáo dục Việt Nam. Đây là nơi thờ phụng các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người thầy tiêu biểu về đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam.
Quần thể di tích gồm: Hồ Văn, Vườn Giám và Khu nội tự. Văn Miếu - Quốc Tử Giám thiết kế bởi nhiều lớp nhà và lớp cửa cách nhau 5 cái sân: Tam quan qua sân thứ nhất. Đại trung môn có hai cổng nhỏ vào sân thứ hai. Khuê Văn Các có hai cổng nhỏ vào sân thứ ba. Tiếp đến là Hồ Thiên Quang Tĩnh và Cửa Đại Thành vào sân thứ tư. Khu chính của Văn Miếu gồm hai nếp nhà chính cách nhau cũng bằng cái sân, mái lợp ngói cổ. Nếp nhà trong là Chính tẩm thờ Khổng Tử và học trò. Khu nhà Đại Bái hai bên tả, hữu treo thờ tranh vẽ tiên hiền, tiên Nho. Qua sân thứ năm là nhà Thái Học (thờ cha, mẹ Khổng Tử).
Đây là nơi lưu danh các bậc hiền tài qua các khoa thi, thể hiện ở 82 tấm bia tiến sĩ (được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức nhân loại năm 2010). Cứ sau mỗi khoa thi từ năm 1442 đến 1779, người xưa lại dựng lên các tấm bia đá trên lưng rùa, khắc tên những người đỗ đạt.
Ngày nay, đây là nơi Nhà nước tổ chức trao các học hàm, học vị giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ cho những trí thức, là nơi khen tặng cho học sinh, sinh viên xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày Rằm tháng Giêng. Đặc biệt, trước mỗi kỳ thi, các sĩ tử đến đây “xin lộc”, “cầu may” . Mỗi dịp Xuân về, người dân khắp nơi háo hức đến dâng hương tại Văn Miếu với mong muốn học hành tấn tới, “công thành, danh toại”, xin chữ lấy may trên phố "ông đồ" bên khu vực Văn Miếu.
Với kiến trúc cổ xưa và những giá trị nhân văn độc đáo, Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là gạch nối lịch sử của Hà Nội xưa và nay, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa của dân tộc.
Văn Miếu Mao Điền - Hải Dương
Văn Miếu Mao Điền được xây dựng từ thời Lê Sơ (Thế kỷ XV) tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Tên gọi Mao Điền xuất phát từ đặc điểm Văn Miếu xưa vốn nằm trên một vùng đất bằng phẳng có nhiều cỏ lau (Mao: cỏ lau, Điền: ruộng cấy).
Vào thời Tây Sơn (1788 - 1802), Văn Miếu được hợp nhất với trường thi Hương của tỉnh Hải Dương. Công trình rộng 3,6 ha này được xây dựng theo hướng Nam gồm các hạng mục:
Bái đường, Hậu cung mỗi toà 7 gian, xây theo kiểu chữ Nhị, Đông vu, Tây vu, gác Khuê Văn, gác Chuông, gác Khánh, đài Nghiên, tháp Bút, Nghi môn, Thiên Quang tỉnh và Khải thánh thờ thân phụ và thân mẫu của Khổng Tử. Tại đây đã đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sỹ Nho học đứng vào hàng đầu cả nước. Nếu chỉ tính số người đỗ Đại khoa trong 185 kỳ thi (từ năm 1075 - 1919), cả nước có 2.898 tiến sỹ thì trấn Hải Dương có 637 vị, trong số 46 Trạng nguyên, Hải Dương có 12 người.
Hàng năm, từ xưa đến nay, trấn Hải Dương đều tổ chức lễ tế Khổng Tử, các quan đầu trấn, đầu phủ cùng cử nhân, tiến sĩ về làm lễ trọng thể, nêu cao truyền thống hiếu học của tỉnh.
Văn Miếu Xích Đằng - Hưng Yên
Nằm cạnh con sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa, Văn Miếu Xích Đằng được biết đến là một di tích quan trọng nằm trong quần thể di tích Phố Hiến, thuộc làng (thôn) Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
Công trình được xây dựng vào năm 1832, trước đây là nơi tổ chức các kỳ thi của trấn Hưng Yên. Với hơn 400 năm tồn tại, ghi danh 161 vị đại khoa, Văn Miếu Xích Đằng đã thể hiện tinh thần hiếu học của con người trên mảnh đất “Nhất Kinh Kỳ, nhì Phố Hiến”.
Tam quan (Nghi môn) của Văn Miếu Xích Đằng là một trong những công trình còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo trong các Văn Miếu còn lại ở Việt Nam. Được dựng theo lối kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác.
Hai bên Tam quan có hai bục loa, dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi hương. Khu nội tự có mặt chính quay về hướng Nam, được thiết kế theo kiểu chữ “Tam”, gồm:Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái được kết cấu theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”.
Khác với Văn Miếu Quốc Tử Giám, Văn Miếu Mao Điền, ở Văn Miếu Xích Đằng lầu trống được thay bằng lầu chuông. Tiếng chuông và tiếng khánh vang lên chính là lúc báo hiệu giờ thi đã bắt đầu và kết thúc, đồng thời nó cũng là tiếng cầu thỉnh tỏ lòng biết ơn, tri ân với những bậc hiền Nho trong mỗi dịp lễ hội. Hai chiếc chuông và khánh của Văn Miếu cũng là những di vật cổ được đúc và tạo dựng từ thế kỷ 18.
Hằng năm, khi mùa xuân về, tại Văn Miếu tổ chức rất nhiều các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống. Đây cũng là dịp mà người con Hưng Yên nói riêng và các du khách thập phương kéo về dự hội tại Xích Đằng rất nhộn nhịp.
Văn Miếu Bắc Ninh
Văn Miếu Bắc Ninh được xây dựng từ thời Lê Sơ ở núi Châu Sơn, huyện Thị Cầu. Sau nhiều lần sửa chữa, tu bổ, năm 1884 Văn Miếu được xây dựng lại, năm 1893 được chuyển về vị trí hiện nay (xóm 10, Đại Phúc, Bắc Ninh).
Kiến trúc Văn Miếu gồm: Tiền tế (5 gian), Hậu đường (5 gian), Bi đình (3 gian), hai bên sân trước Tiền Tế là nhà Tả Vu, Hữu Vu. Chính diện có bức bình phong “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký” khắc dựng năm 1928. Toàn bộ công trình được xây dựng bằng gỗ lim được bào trơn đóng bén rất tinh tế và cổ kính.
Văn Miếu Bắc Ninh là nơi thờ Khổng Tử, Tứ Phối và 12 tấm bia lưu giữ khoa danh của 677 vị tiến sĩ quê hương Kinh Bắc xưa. Công trình là đại diện tiêu biểu nhất cho giá trị truyền thống và sự học vẻ vang của miền đất văn hiến này.
Văn Miếu Vinh - Nghệ An
Đây có lẽ là công trình được ít người biết đến nhất trong số các Văn Miếu được xây dựng ở Việt Nam, bởi đến nay chỉ còn là phế tích nằm ở phường Hồng Sơn, thành phố Vinh, Nghệ An.
Theo sử sách ghi chép lại, Văn Miếu Vinh ra đời vào khoảng những năm đầu thế kỷ XIX. Văn Miếu là điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống, nơi hội tụ các văn sỹ, Nho sỹ, các tao nhân mặc khách thành Vinh xưa và các vùng phụ cận. Từ khi có Văn Miếu Vinh, phong trào hiếu học ở Nghệ An ngày càng phát triển, đạt đến mức trường thi hương xứ Nghệ trở thành một trung tâm khoa bảng rực rỡ nhất trong bảy trung tâm thi Hương của đất nước.
Theo lời kể của nhiều vị cao niên sinh sống gần di tích, Văn Miếu ngày đó nguy nga, khang trang, có nhà Thượng điện, Hạ điện, xung quanh là hồ cá, giếng thiên tĩnh, vườn cây cảnh và rừng cây. Trải qua thời gian, biến cố thay đổi, nay di tích chỉ còn lại tòa Đại bái gồm 5 gian, 9 cột gỗ lim, mái trải rui bản lợp ngói mũi hài...Hy vọng rằng, trong thời gian tới đây, Văn Miếu Vinh sớm được phục hồi, tôn tạo để nối tiếp truyền thống hiếu học trên đất Nghệ.
Văn Miếu Huế
Văn Miếu Huế hay Văn Thánh Miếu được xây dựng năm 1808, dưới triều vua Gia Long, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Phú Xuân cũ.
Toàn bộ kiến trúc chính của Văn Miếu đều được dựng trên ngọn đồi cao gần 3m so với nền đất xung quanh, trước mặt là sông Hương, phía sau là làng mạc, núi đồi. Các công trình được xây dựng trong mặt bằng hình vuông: mỗi cạnh chừng 160m, xung quanh xây la thành bao bọc. Tất cả có 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, đặc biệt là 32 tấm bia khắc tên 293 vị tiến sĩ thi đỗ trong 39 kỳ thi Hội, thi Đình tổ chức dưới triều Nguyễn và 4 tấm bia khác.
Từ cổng Đại Thành vào bên trong, chính giữa Văn Miếu là Đại Thành Điện thờ Khổng Tử có cấu trúc phỏng theo lối trùng thiềm điệp ốc truyền thống của Huế. Hai bên là Đông Vu và Tây Vu, đều có bảy gian để thờ thất thập nhị hiền và các tiên Nho. Trước sân miếu có hai nhà bia, bia bên phải khắc văn bia của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng), bia bên trái khắc bài văn bia của Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị).
Ngoài cổng Đại Thành, bên trái có Hữu Văn Đường, bên phải có Dị Lễ Đường, là những ngôi nhà kiểu một gian hai chái dùng để vua quan nghỉ chân sửa soạn lễ phục trước khi vào tế ở Miếu.
Ngoài ra, Văn Miếu còn có các công trình khác như: Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), Văn Miếu môn... Các tòa nhà đều được xây dựng bằng gỗ lim, kiến trúc, trang trí đăng đối, uy nghi.
Văn Miếu đã trở thành một điểm đến tham quan của rất đông du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ với mong muốn được lưu danh bảng vàng như những danh sĩ đã được khắc tên tại các bia Tiến sĩ ở Văn Miếu.
Văn Miếu Diên Khánh - Khánh Hòa
Công trình văn hóa được xây dựng từ năm 1853, ở khóm Phú Lộc Tây, huyện Diên Khánh, đây là nơi thờ Khổng Tử và lưu giữ tên tuổi nhiều nhân tài của Khánh Hòa. Qua thời gian, Văn Miếu đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ được kiến trúc ban đầu: phía trước có nhà Bi đình, chính giữa có tòa Tiền đường và Chánh đường cao rộng, làm bằng gỗ xây tường gạch bao, các cột kèo được chạm trổ sơn son thếp vàng đẹp đẽ, uy nghiêm.
Hiện nay, Văn Miếu Diên Khánh còn giữ được 2 tấm bia đá thời Tự Đức ghi lại quá trình hoàn thiện khu Văn Miếu và đời sống sinh hoạt, văn hóa, lịch sử của Khánh Hòa. Ngoài ra, ở Bái đường của Văn Miếu Diên Khánh còn có một bài minh nói về về sự đỗ đạt của các vị văn võ, khoa bảng, hào mục, chức sắc và các học sinh địa phương từ đầu triều Nguyễn đến thời Tự Đức.
Văn Miếu Diên Khánh còn là điểm liên lạc, dừng chân của các chiến sĩ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với những giá trị văn hóa, lịch sử đó, Văn Miếu Diên Khánh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Văn Miếu Trấn Biên - Đồng Nai
Văn Miếu Trấn Biên được xây dựng vào đời vua Hiển Tông năm Ất Vị thứ 25 (tức năm 1715). Công trình được Trấn thủ Nguyễn Phan Long và Ký lục Phạm Khánh Đức cho xây dựng tại thôn Bình Thành và Tân Lại, tổng Phước Vĩnh (nay là phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai).
Theo sách "Ðại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn miêu tả, Văn Miếu Trấn Biên được ghi nhận là Văn Miếu được xây dựng sớm nhất ở miền Nam (mặc dù ra đời sau Văn Miếu Quốc Tử Giám hơn 700 năm). Khi quân Pháp đánh chiếm Biên Hòa năm 1861, chúng đã phá hủy hoàn toàn Văn Miếu Trấn Biên nhằm dập tắt tinh thần yêu nước của người dân Nam Bộ. Đến năm 1998, một công trình mới mang tên Văn Miếu Trấn Biên được khởi công khôi phục lại trên nền Văn Miếu cũ.
Nổi bật trong kiến trúc Văn Miếu là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly màu xanh ngọc bằng gốm tráng men, có lầu bia uy nghi tráng lệ. Từ cổng vào là nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, Tam quan, nhà bia thứ hai và nhà thờ chính. Đặc biệt, bia tiến sĩ được khắc bằng đá xanh với câu nói nổi tiếng của Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".
Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ: Đặt bàn thờ Bác Hồ ở gian giữa, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương. Trong gian thờ chính có trưng bày 18kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời Vua Hùng, cội nguồn của dân tộc.
Trong Văn Miếu Trấn Biên thì đặt bàn thờ đức Khổng Tử, bàn thờ Quốc tổ và Lịch đại đế vương. Gian bên trái thờ các danh nhân Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Lê Quý Ðôn. Gian bên phải thờ Võ Trường Toản, Ðặng Ðức Thuật và ba vị anh hào "Gia Ðịnh tam kiệt": Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Ðịnh.
Văn Miếu Trấn Biên là nơi bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa - giáo dục từ xưa đến nay của Nam Bộ nói riêng và của cả nước nói chung. Hàng ngày có rất nhiều các bạn trẻ và du khách thường xuyên tham quan và viếng lễ tại đây.
Văn Thánh Miếu - Vĩnh Long
Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh Miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam bộ gồm: Văn Thánh Miếu ở Biên Hòa, Gia Định và Vĩnh Long, tọa lạc tại làng Long Hồ, nay thuộc phường 4, TP Vĩnh Long.
Khoảng cuối thế kỷ XIX, các sĩ phu ở Biên Hòa, Gia Định, Định Tường không chịu làm tay sai cho Pháp và để giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc nên họ đã rời khỏi Gia Định, Biên Hòa để về Vĩnh Long tỵ địa. Họ đã xây dựng Văn Thánh Miếu để làm nơi ôn tập cho các sĩ tử và cũng là nơi để hoạt động văn hóa, đề cao các tiền hiền, giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân. Công trình nổi tiếng này được xây dựng từ năm 1864 và hoàn thành cuối năm 1866 với sự chủ trì của Kinh lược đại thần Phan Thanh Giản, Đề học Nguyễn Thông, sự đóng góp của nhiều đại thần cựu trào cùng sĩ phu và nhân dân ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Từ đó đến nay, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được trùng tu, tôn tạo vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963 và 1994. Tuy đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhưng Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn giữ được vẻ đẹp tôn quý, thanh cao. Trước cổng đền là tấm bia ghi văn tài của cụ Phan Thanh Giản, mặt trước nêu lý do dựng miếu, xưng tụng công đức Thánh Nhân và triều đình, mặt sau dương danh những người có công. Hai bia khác đứng gần nhau ở phía ngoài nói về những nhân sĩ, thân hào và người có công trùng tu, cúng hiến cho Văn Thánh Miếu. Hai công trình quan trọng ở khu di tích này là Khổng Thánh Miếu và Văn Xương Các.
Trong năm, Văn Thánh Miếu có các ngày lễ lớn: Tế Khổng Tử và các vị Thánh hiền vào ngày Xuân Đinh và Thu Đinh (ngày Đinh đầu tháng Hai và ngày Đinh đầu tháng Tám). Ngày lễ giỗ Phan Thanh Giản (mùng bốn và mùng năm tháng Bảy), ngày giỗ các quan đại thần (12 và 13 tháng Mười Âm lịch). Đến với Lễ hội Văn Thánh Miếu hằng năm là để trải lòng thành kính các bậc tiền nhân, yêu quý hơn truyền thống yêu nước và cảm nhận nét văn hóa cộng cư đặc sắc của người xưa, cho đến nay và chắc chắn rằng mãi mãi về sau vẫn còn nguyên giá trị.
Du lich,GO! - Theo Quehuong online, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét