Cách Hà Nội chừng 70km, đảo cò ở xã Chi Lăng Nam, Thanh Miện, Hải Dương là một điểm du lịch sinh thái có một không hai ở miền Bắc.
Hải Dương là tỉnh có tiềm năng du lịch dồi dào, một miền đất trù phú với phong cảnh thiên nhiên hữu tình và tài sản vô giá là hàng trăm di tích lịch sử đã được công nhận và xếp hạng. Trong một ngày về miền đất này, chúng tôi đã ghé thăm hai địa danh.
Uy nghi Văn Miếu Mao Điền
Khu văn miếu cổ kính nằm cạnh đường Quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, thế nên bất cứ du khách nào đi qua cũng muốn dừng chân ghé lại. Từ giữa thế kỷ thứ XV, với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, quan lại… nhà Lê đã cho xây dựng một loạt những trường quốc lập, trong đó có Văn Miếu Mao Điền - công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi.
Qua cổng Tam Quan đồ sộ, du khách dễ dàng nhìn thấy cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi in bóng dưới hồ nước xanh mát tôn vẻ trang nghiêm, tĩnh mịch cho văn miếu. Tương truyền, cây gạo cổ thụ này được trồng từ năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) là thời điểm tái thiết văn miếu trấn Hải Dương tại Mao Điền.
Phía trong hậu cung của văn miếu thờ cả thảy chín bài vị. Chính giữa thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho. Lần lượt hai bên là bài vị của danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, thầy giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Danh sĩ Phạm Sư Mạnh, Nhà toán học Vũ Hữu, Danh y Tuệ Tĩnh, nữ tiến sĩ đầu tiên Nguyễn Thị Duệ.
Đến Văn Miếu Mao Điền, lòng người như thư thái và tự hào về một bề dày truyền thống hiếu học của người nước Nam. Hàng năm, từng đoàn sĩ tử tụ hội về đây lòng thành kính khâm phục, quyết tâm noi theo các bậc tiên hiền để trở thành những người con hữu dụng của quê hương, đất nước.
Hấp dẫn đảo cò Chi Lăng Nam
Cách Hà Nội chừng 70km, đảo cò ở xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện) là một điểm du lịch sinh thái có một không hai ở miền Bắc. Đây được xem là vương quốc của những cánh cò, nơi tụ hội của chín loại cò quý hiếm với số lượng lên tới hàng nghìn con.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương thì để quan sát cò tốt nhất thì nên chọn một chiếc thuyền cỡ nhỏ để không làm náo động không gian sống của cò. Thời điểm để xem được nhiều cò nhất là lúc hoàng hôn.
Đất lành chim đậu, người dân ở đây vẫn kể cho nhau và cho du khách nghe truyền thuyết về đảo cò và hồ An Dương. Chuyện rằng, vào thế kỷ XV, nơi đây còn là những đồng ruộng trũng mênh mông, nổi trên giữa cánh đồng trũng ấy là một gò cao, bên trên có dựng một ngôi đền.
Bỗng một năm, một trận đại hồng thủy đã làm vỡ đê sông Luộc, nước tràn vào ngập trắng cả một vùng. Xung quanh gò đất nhô cao giữa cánh đồng trũng bỗng nổi lên những xoáy nước khổng lồ. Qua một đêm, ngôi đền trên đỉnh gò cao đó bỗng dưng biến mất. Nước không bao giờ rút nữa tạo thành một hồ lớn, nơi trước kia là ngôi đền hình thành một đảo nhỏ.
Người dân trong vùng xem đây là vùng nước thiêng, không bao giờ tát cạn được, nên đã sống dạt ra phía ven ngoài của hồ. Theo thời gian, cò vạc bắt đầu đến trú ngụ ở đảo mỗi ngày một nhiều. Và đảo cò Chi Lăng Nam cũng bắt đầu được hình thành từ đó.
Đò chầm chậm trôi trong ánh hoàng hôn. Du khách say mê ngắm từng đàn cò nối nhau về tổ. Mỗi đàn có số lượng từ dăm bảy chục tới hàng trăm con. Sau khi lượn nhiều lòng che kín cả khoảng không gian mặt hồ, chúng lần lượt hạ cánh an toàn xuống những lùm cây xanh xào xạc trong ánh nắng cuối ngày giữa biển nước mênh mông.
Trong nắng chiều vàng như mật, ngồi trên thuyền nhỏ bập bềnh giữa lòng hồ bao la sóng nước, những người chèo đò xứ Đông sẽ kể cho khách nghe những truyền thuyết hấp dẫn kỳ bí về đảo cò...
Du lịch, GO! - Theo Danviet, intrnet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét