Rừng Tràm Trà Sư - Đi một lần để nhớ

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Trà Sư, cái tên vừa lạ vừa quen nhưng hình như cũng ít người biết đến, vì nằm lọt thỏm trong địa bàn xã Văn Giáo, thuộc huyện Tịnh Biên vốn thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh An Giang.

Nói đến An Giang, khách du lịch ai cũng biết có chùa Bà, có núi Cấm, có đua bò, có chợ biên giới Tịnh Biên, có đường thốt nốt… nhưng tôi chắc cái tên Trà Sư vẫn còn khá mới mẻ với du khách gần xa.

Từ Long Xuyên, nếu muốn đến Trà Sư thì nên ở lại Châu Đốc 1 ngày, vừa nghỉ ngơi, vừa có thời gian thăm thú các nơi xung quanh bán kính 50km của mảnh đất hiền hòa này.

< Khu bảo tồn Trà Sư - Tịnh Biên, An Giang.

Tại Châu Đốc, ở khách sạn có dịch vụ cho thuê xe máy, hoặc có thể ra chợ để thuê xe ôm tầm 150 ngàn một ngày để chở bạn đi đến Trà Sư.

Nếu như đi một mình và không biết đường thì đi xe ôm là tiện nhất, người dân ở đây rất nhiệt tình hướng dẫn cho bạn những địa điểm nổi tiếng mà bạn muốn tới. Còn tôi, khi đã tỉnh táo hẳn sau một đêm lắc lư với 6 giờ trên xe khách, ra chợ ăn một tô hủ tiếu mì vách tường và bao một chú xe ôm làm hướng dẫn thì vừa kịp đi lúc 8h sáng.

Mặc dù rất ngạc nhiên vì tôi là con gái lại còn đi một mình để chụp ảnh, nhưng chú Tùng, tên người chở tôi hôm ấy rất vui vẻ dừng lại nhiều điểm trên đường đi để tôi có thể chụp ảnh và giải đáp rất nhiều câu hỏi của tôi về Châu Đốc. Chú nói nếu tranh thủ đi Trà Sư về sớm thì có thể chạy lên Núi Cấm chơi cho biết, tôi nói núi Cấm tôi đi rồi, tôi muốn đi Tri Tôn, lên hồ Tà Pạ để chụp ảnh nếu còn kịp.

Từ Châu Đốc đi Trà Sư, phải vô ngả Tri Tôn thì đi xe máy hơi vất vả vì đường quốc lộ đang làm, mưa một trận thôi thì bùn văng đến tận trán, hai chú cháu phải vất vả lội một quãng đường đầy bụi và bùn đất rồi đá xanh gần hơn chục cây số rồi mới tới đoạn đường bằng phẳng dễ đi. Mặc dù đường xấu nhưng quang cảnh hai bên đường cũng làm tôi cảm thấy dễ chịu đi rất nhiều, lúa đang trong mùa gặt, từng mảng, từng mảnh vàng ươm, khói đốt đồng cay nồng mùi rạ mới, nông dân làm việc sôi nổi và tấp nập, lại đúng mùa sen nở, cả một cánh đồng toàn hoa, cảm giác thanh bình thật khó tả.

Không xa thị xã Châu Đốc là mấy, hơn 25km đường quốc lộ và thêm 3km đường đất nữa là đến với Trà Sư. Có thể đi theo ngả khác nếu như bạn thích đi bằng tắc ráng, cảm giác đi bằng tắc ráng, len lỏi trong kênh để đến với khu bảo tồn cũng rất thú vị, nhưng nếu đi một nhóm bạn thì thuê tắc ráng sẽ tiện lợi hơn đi một mình.

Nơi đây là khu rừng tràm với tổng diện tích 845ha, có nhiều loài chim quý cư trú và sinh sống. Khu vực này được xem như là một khu bảo tồn sinh thái của khu vực biên giới An Giang, được phát triển và quy hoạch trồng các loại cây như tràm đước, xà cừ… từ cách đây hơn 20 năm, chính xác Rừng Trà Sư được trồng vào năm 1983 do những người kiểm lâm của cánh rừng chăm sóc. Nhưng chỉ mới được đưa vào khai thác du lịch cách đây vài năm nên cũng chỉ một số khách biết và tự đi.

Tôi vào đến nơi, sau khi đã đi thêm khoảng 2km đường rừng, con đường mòn nhỏ xíu chỉ chạy vừa 1 chiếc xe máy nhưng mát rượi nằm sâu bên dưới tán xà cừ, thỉnh thoảng lại có từng đàn chim hoảng hốt chấp cánh bay vụt lên xôn xao ầm ĩ. Khu bảo tồn được mở cửa cho khách vào tham quan từ 6h sáng đến 21h đêm và vào cổng không mất vé. Tham quan khu bảo tồn bằng cách thuê một chiếc xuồng nhỏ giá khoảng 200 ngàn nếu bao hết, còn một người thì khoảng 60 ngàn để đi ghép cùng với khách khác trong vòng 1 giờ. Với hệ thống kênh rạch lớn nhỏ và đường bờ đê thì tôi thấy đi xuồng thì mát hơn đi xe đạp và có thể đi xuyên sâu hơn vào các ngỏ ngách của rừng tràm, thỏa sức ngắm nhìn những cánh chim chao liệng khắp cánh rừng và tha hồ chụp ảnh, nếu muốn ngắm nhìn rõ hơn những cánh chim cồng cộc, cùng rất nhiều chú chim nhỏ xinh xắn nằm trên những tổ cao hay thì có thể nói anh hướng dẫn lái xuồng ngừng lại vài phút.

Tiếng mái chèo khua nhẹ đưa tôi đi xuyên qua rừng tràm vào sâu trong khu bảo tồn, thỉnh thoảng từng đàn chim giật mình khi có thuyền đi ngang vỗ cánh bay xào xạc. Nhiều nhất là cò trắng, và cồng cộc, thỉnh thoảng còn có vịt trời nữa, chim ở Trà Sư thì nhiều vô kể rồi vì với hệ thống kênh đào, thức ăn của chim như tôm cá rất nhiều do chính quyền cấm đánh bắt khai thác trong khu bảo tồn.

Mặt nước ở đây rất lạ, toàn một màu xanh biếc của một loại tảo, xanh óng ánh rực rỡ dưới ánh mặt trời, thỉnh thoảng đi đến những trảng lớn có rất nhiều bèo hoa dâu, cũng dày đặc và xanh biếc đẹp như tranh vẽ. Thấp thoáng vài bông sen nở hồng bên cạnh bông điên điển vàng tươi khoe sắc, còn rừng tràm thì ngào ngạt những bông hoa tràm trắng muốt. Trời trong nắng trong, rừng xanh nước xanh, từng đàn chim xoải cánh trắng muốt chao liệng giữa khung cảnh đẹp ngỡ ngàng của vùng sông nước.

Sau khi tham quan, bạn có thể ra chòi nghỉ ngơi, có nhiều chòi lá trong Căn tin của rừng được tư nhân thuê lại, cũng chỉ bán những món ăn đồng quê dân dã, như gà nướng, cá nướng… nhưng phải đặt trước khoảng 2h để người bán chuẩn bị. Ngồi trong chòi giữa rừng ăn cá lóc mà cuốn với lá sen bẻ trong rừng nướng trui, hay gà luộc chấm muối tiêu chanh ăn với gỏi hoa chuối thì ăn ngay tại chỗ thì không còn gì ngon bằng. Mật ong rừng tràm cũng khỏi phải sợ giả, chỉ 200 ngàn một lít bạn đã có một món quà quê mang về nhà để thỉnh thoảng nhớ về Trà Sư, cái xứ rừng tràm mênh mông hoa trắng ấy.


Anh hướng dẫn nói muốn nghe và xem chim thì nên đợi đến cuối ngày, vào buổi chiều từ sau 17g chim mới bắt đầu về rừng sau một ngày kiếm ăn và quay về tổ, lúc đó cả một khu rừng tràm sẽ vang dội tiếng chim gọi bầy. Nhưng lúc đó thì không kịp mất rồi vì tôi còn cả một quãng đường đi lên Tà Pạ nữa. Sẽ quay lại đây vào một ngày gần nhất, để có thể chụp được cảnh hoàng hôn của rừng, của những đàn chim mỏi cảnh bay về tổ, đợi tôi nhé Trà Sư ơi.

Du lịch, GO! - Theo YuMe

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc