Lâu nay khi nhắc đến cổng trời, người ta thường nghĩ đến Hà Giang, nơi có cổng trời Quản Bạ. Nhưng ít ai biết rằng Sapa cũng có một cổng trời. Đây là đỉnh đường bộ cao nhất Việt Nam có thể đi tới để chiêm ngưỡng đỉnh Phan Xi Păng - nóc nhà của Đông Dương.
< Con đường đèo ngoằng nghèo lên cổng trời.
Ra khỏi thị trấn Sapa, đi theo hướng Bắc khoảng 18 km, đường lên cổng trời ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng chừng núi trùng trùng điệp điệp với những bóng nắng chạy dài thoắt ẩn thoắt hiện. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Con đường đèo này có tên là Trạm Tôn, len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Và cổng trời chính là đỉnh của con đèo này.
< Những mảng lúa xanh non làm mát mắt du khách.
Ngồi trên xe vượt qua chục km, đôi lúc bất giác quay đầu nhìn lại, chợt thấy choáng ngợp vì cảnh tượng kỳ ảo sau lưng mình. Con đường chúng tôi vừa đi qua giờ chỉ như sợi dây thừng ai đó buộc quanh lưng núi, khúc khuỷu giăng ngang giữa muôn trùng mây.
Chúng tôi đến cổng trời tầm 11h trưa vào một ngày tháng 7. Lúc này, sương đã tan, trời hửng nắng từ lâu. Nhưng cái nắng không làm rát da thịt hay muốn trốn chạy.
Nắng chỉ giúp ấm áp hơn và cho chúng tôi cảm nhận rõ hơn nét đẹp của bức tranh mây núi. Từ màu xanh ngút ngàn của cây, màu vàng của lúa chín chen lẫn những mảng lúa xanh non đến sắc nâu trầm ấm của đất. Được làm dịu bởi gió núi Hoàng Liên Sơn, khí hậu ở đây và cả phố núi Sapa mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình chỉ từ 15 đến 18 độ C. Dễ hiểu vì sao mùa hè, vào các đợt nóng liên tục từ 35 độ C trở lên, người miền xuôi trong Nam ngoài Bắc, khách Tây khách Ta nô nức đổ về Sapa.
Đứng giữa cổng trời Sapa, có thể phóng tầm mắt bao quát cả thung lũng rộng lớn phía dưới với những ruộng nương xanh rì, con đường ôtô xuôi ngược Phong Thổ (Lai Châu) - Sapa (Lào Cai), xa xa là Thác Bạc - một trong 10 thác nước đẹp nhất Lào Cai, luôn được giới trẻ tìm đến khám phá. Cao khoảng 200m, Thác Bạc ngày đêm ào ào nước đổ như góp nên âm thanh của núi rừng heo hút. Hay đơn giản đứng chỉ để nhìn khoảng không vô tận và khoáng đạt phía trước.
< Thị trấn Sapa ngủ yên trong sương, nhìn từ trên cổng trời.
Cũng ở cổng trời này mới cảm nhận được vẻ kiêu hùng của đỉnh Phan Xi Păng vời vợi lưng trời. Bên dưới là những vực sâu thăm thẳm, với thảm rừng nguyên sinh chứa đựng nhiều bí ẩn chưa được khám phá. Đây cũng là nơi năm xưa có trạm khí tượng địa cầu xa xôi hẻo lánh, ít người qua lại đã được nhà văn Nguyễn Thành Long lấy làm nguyên mẫu trong truyện ngắn nổi tiếng của mình "Lặng lẽ Sa Pa".
< Vẻ đẹp mộc mạc của các cô gái dân tộc vùng Tây Bắc.
Từ ngày tái lập tỉnh tới nay, cổng trời trở nên hấp dẫn du khách mỗi dịp lên Sa Pa, vì nhiều người tham quan Thác Bạc bao giờ cũng cố ngược lên cổng trời để ngắm cảnh sắc kỳ vĩ của núi rừng Hoàng Liên đã được vinh danh là "Vườn di sản Asian Sa Pa". Chúng tôi cũng nằm trong số những du khách thích chinh phục, ưa khám phá như thế.
Lên cổng trời mới biết Sapa không chỉ nổi tiếng vì cảnh đẹp, vì những thửa ruộng bậc thang đã được tạp chí Travel and Leisure của Mỹ bình chọn là một trong bảy thửa ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á và thế giới, mà bởi nó còn đậm nét hoang sơ, phảng phất vẻ yên bình lặng lẽ của vùng rẻo cao Tây Bắc. Những nét đẹp này còn được vô tình tạo ra bởi sự tổng hòa bản sắc của các dân tộc anh em: Người H’Mong, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó… với bề dày của đặc trưng văn hóa tộc người đã góp phần tô điểm cho bức tranh Tây Bắc đã lạ nay càng lạ thêm.
Những món ăn mang đậm hương vị núi rừng: cơm lam, thắng cố, mèn mén, cá suối, lợn mường… hòa trong tiếng cười khúc khích, nhịp xòe uyển chuyển của các thiếu nữ H’Mong hay những chiếc gùi khi ẩn khi hiện của các cô gái Dao đi hái lá thuốc khiến chúng tôi càng thêm say giữa đất trời Sapa huyền ảo.
Đến với cổng trời Sapa là dịp để mỗi chúng tôi thử lòng can đảm của mình bởi đèo cao vực thẳm, cung đường quanh co với nhiều khúc “cua tay áo” đến chóng mặt. Nhưng đổi lại, chúng tôi đã được những ngày đắm mình với thiên nhiên hùng vĩ, khám phá cuộc sống bình dị của các dân tộc vùng cao, được thả hồn trong tiếng khèn, tiếng sáo. Đó là điều khiến chúng tôi ngẩn ngơ khi rời chốn xa xôi này.
Du lịch, GO! - Theo VnExpress, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét