Cuối tuần, anh bạn ở Sóc Sơn buông lời rủ rê: Về quê mình, leo núi Chân Chim đi. Lời mời nhanh chóng có sức lôi cuốn đối với những kẻ ưa khám phá. Rời xa dần những con đường ken đặc người xe, không khí ngột ngạt của đô thị, chúng tôi theo hướng đường cầu Thăng Long về Sóc Sơn.
< Hà Nội nhìn từ trên ngọn Chân Chim (Hàm Lợn).
Núi Chân Chim, còn gọi là núi Hàm Lợn thuộc xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nằm trong quần thể các dãy núi ở Sóc Sơn đồng thời cũng là ngọn cao nhất với chiều cao 452m (có nơi ghi là 452m), được mệnh danh là “mái nhà của Hà Nội”. Mùa này những cánh đồng ở Sóc Sơn vẫn còn mướt xanh màu mạ. Sau khi lót dạ và chuẩn bị hành trang, chúng tôi gửi lại xe máy và bắt đầu tiến về phía núi.
Để lên được Hàm Lợn, có hai con đường, một có thể men theo chân núi rồi từ đó leo ngược hẳn lên ngọn, cách khác là đi theo đường mòn qua hồ Hàm Lợn. Lên núi khi sương còn chưa kịp tan trên lá cây, đó cũng là lúc bạn được chứng kiến những màn sương mờ ảo, bảng lảng trôi nhẹ trên những tầng nước của hồ, lẫn vào không gian xanh ngút ngàn của rừng cây.
Đó cũng là con đường đưa bạn đến một con suối vẫn còn phảng phất sự hoang sơ, từ đó bạn cứ đi dọc suối là lên tới đỉnh núi. Tuy nhiên, lựa chọn thứ hai này sẽ khiến hành trình của bạn vất vả hơn.
Trên núi không có đường mòn, cây cối rậm rạp, chúng tôi cứ vạch lá rừng mà đi. Nếu đi từ buổi sáng, với tốc độ trung bình bạn có thể đặt chân lên đỉnh núi khi mặt trời đổ bóng. Bạn có thể cắm trại, ngủ lại một đêm trên đỉnh núi.
Đêm ở “nóc nhà” Hà Nội khá đặc biệt, phía ngoài lều bạt, bạn có thể nghe rõ cả bước chân của những loài động vật kiếm ăn đêm, tiếng côn trùng kêu… và cảm nhận được cả những làn gió mạnh đậm hơi núi.
Một đêm ở nơi này, hẳn sẽ cho bạn những trải nghiệm khó quên. Để chinh phục đỉnh Hàm Lợn bạn phải thực sự tin tưởng vào sức khỏe của mình, hơn nữa cũng cần phải chuẩn bị thật nhiều nước uống vì trên đỉnh núi, chỉ có cỏ cây, muông thú, không hề có hàng quán hay nguồn nước sạch.
Du lịch, GO! - Theo Viết Thịnh (ANTĐ), ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét