Tuy đã có từ hơn chục năm về trước nhưng ít ai biết đến một khu nhà gỗ cổ kính nằm dọc bờ sông Sài Gòn.
Sự giao thoa của những kiến trúc của ba miền như nhà Mường Bắc Bộ, kiến trúc gỗ Huế, nhà mồ Tây Nguyên...đã tạo nên những nét đặc sắc riêng của một ngôi làng nhỏ bé nhưng độc đáo...
Bức tranh huyền ảo bên sông
Khi màn đêm buông xuống, ven bờ sông Sài Gòn ngập tràn những ánh đèn mờ ảo. Dòng sông trở nên thơ mộng, huyền ảo trong ánh sáng phản chiếu lung linh của những sắc màu tuyệt mỹ. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ nằm ven bờ sông huyền thoại, bởi có những điều còn độc đáo và kỳ lạ, ẩn chứa những nét văn hóa đặc sắc nằm cạnh dòng sông ấy mà ít ai biết tới.
< Một ngôi nhà nhỏ dùng để nghỉ ngơi, ngắm cảnh và có khi dùng để tiếp khách.
Chạy dọc hơn 1km theo bờ sông Sài Gòn thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM với chiều rộng khoảng 8 hecta, có một “ngôi làng nghệ nhân” giữa lòng thành phố. “Làng” gồm hơn 30 hộ gia đình, trong đó phần lớn là những người làm nghệ thuật như điêu khắc, sơn mài, kiến trúc... Những ngôi nhà ở đây chủ yếu làm bằng gỗ quí hiếm mang phong cách của ba miền như nhà Mường của Bắc Bộ, kiến trúc gỗ của Huế, nhà mồ Tây Nguyên...Tất cả đã tạo nên một làng quê sống động hiếm thấy ngay giữa Sài thành.
< Ngôi nhà Mường mang phong cách của miền sơn cước Bắc Bộ.
Sở dĩ ngôi làng có tên “nghệ nhân” là bởi nơi đây có rất nhiều nghệ sỹ nổi tiếng về đây quy tụ, và chính họ đã tạo nên những điều đặc biệt cho ngôi làng này. Với những ý tưởng hết sức lạ lẫm, những người nghệ sỹ đã cùng nhau xây dựng một khu nhà gỗ với những nét đặc sắc về kiến trúc của các vùng miền. Tại đây, họ còn trưng bày những tác phẩm nghệ thuật độc đáo do chính tay mình tạo nên để hình thành cái riêng biệt hiếm có cho ngôi làng.
< Một cổng nhà được thiết kế phủ đầy cây cối.
Trong số những nghệ sỹ sống tại đây có thể kể đến những họa sỹ, nhà điêu khắc như Dương Đình Tuynh, họa sỹ Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Hoài Hương, Bạch Trường Sơn, Síu Phạm, Thanh Châu, Lý Khắc Nhu...
Tất cả những nghệ sĩ này đều quy tụ về mảnh đất “tiên cảnh hữu tình” này.
< Phía bên trong khu vườn của một ngôi nhà trong khu Hàm Long.
Những kiến trúc trong từng ngôi nhà nơi đây đều mang những nét đặc sắc riêng, từ cách bày trí không gian cho đến cách sắp xếp những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày khác nhau và không theo một khuôn mẫu, quy định nào. Đây là cách để gia chủ gián tiếp thể hiện gu thẩm mỹ của mình với những nét tinh tế nghệ thuật khác biệt. Phía sau những ngôi nhà đặc sắc ấy là dòng sông uốn lượn phủ sương, cái đẹp lung linh và huyền ảo của những con sóng nhấp nhô càng tô vẽ thêm vẻ đẹp đầy quyến rũ của ngôi làng nằm trong một thành phố bậc nhất hào hoa.
Hồn dân tộc thể hiện qua kiến trúc cổ xưa
< Vườn tượng và nhà thờ cổ thể hiện đượm nét kiến trúc Huế.
Được biết, những ngày mới tạo lập, khu nhà gỗ Hàm Long còn khá vắng vẻ. Xưa kia ở đây toàn là dừa nước và sình lầy, đường đi vào cũng khá gian nan. “Ngày ấy, mỗi khi dựng nhà là phải thuê người vận chuyển từng viên ngói, cây gỗ vào hết sức gian truân, có những căn nhà được dựng đến hàng năm trời mới xong. Bây giờ thì những ý tưởng về một ngôi làng mang đậm hồn quê ấy đã thành hiện thực”, một người dân chia sẻ.
< Kiến trúc tường gạch trong ngôi nhà của họa sĩ Hồ Hữu Thủ.
Những ngôi nhà trong khu nhà gỗ này đều mang trong mình những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo và riêng biệt.
Có thể kể đến ngôi nhà đặc biệt nhất trong khu Hàm Long là ngôi nhà mang tên “Nguyễn’s Art Garden” của họa sĩ Hoài Hương. Đây là ngôi nhà được xây dựng khá công phu và mang đậm những nét nghệ thuật đặc sắc riêng.
< Một góc trưng bày tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Thanh Châu.
Nhà của họa sỹ Hoài Hương được xây theo phong cách kiến trúc Huế với một gian chính to ở giữa và 4 gian nhỏ hơn bao bọc xung quanh tạo thành một khối vuông vững chắc.
Liên kết các gian nhà với nhau là hệ thống trường lang (thường gọi là hành lang) chạy dọc theo một ao cá. Xung quanh ao có cây liễu rủ bóng, có hòn non bộ và có cả những khóm trúc và một tiểu đảo giữa hồ với hoa tươi, hòn non bộ như một nét chấm phá riêng, điểm xuyết cho toàn khuôn viên ngôi nhà...
< Cổng chào tứ trụ giành cho người dân đi qua có thể che nắng che mưa.
Lấy cảm hứng từ kiến trúc nhà vườn Huế, một không gian kiến trúc xưa của vùng đất vua chúa đã được tái tạo lại bằng tất cả những tài hoa của người nghệ sĩ, tất cả được dựng lên hết sức công phu và tỉ mỉ.
Hoạ sỹ Hoài Hương cho biết: “Lấy ý tưởng từ vùng đất kinh đô xưa, không gian và kiến trúc nơi đây đều xuất phát từ những ý tưởng của mình, tất cả những cảnh vật đều được trưng bày và sắp đặt theo một phong cách và cá tính riêng nhằm đem lại một vẻ đẹp thuần khiết và độc đáo cho ngôi nhà”.
< Sân vườn của một ngôi biệt thự.
Nếu nhà của họa sỹ Hoài Hương là một khối vuông trọn vẹn của phong cách nhà gỗ xứ Huế thì ngôi nhà của họa sĩ Lý Khắc Nhu lại xây theo phong cách cổ của người Hoa, với đầy đủ hình ảnh của một làng nghệ thuật, một góc nhìn của nghệ thuật sơn mài hay những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày với những đường cọ bay bổng trong nghệ thuật thủy mặc, tất cả đều ẩn hiện dưới nếp mài của kiến trúc nghệ thuật kiệt tác.
< Hệ thống trường lang kết nối các gian nhà với nhau trong kiến trúc Huế.
Có thể dễ dàng nhận ra gu thẩm mỹ và tính cách của chủ nhân từng ngôi nhà trong khu nhà gỗ nơi đây. Ngôi nhà của họa sỹ Thanh Châu được xây theo phong cách văn hóa Bắc bộ thời xưa, với đủ sập gụ, tủ chè, những bức khảm trai y chang nhà của một người giàu có miền Bắc thời xưa.
Tuy không cổ kính, sắc sảo bằng nhà cổ gốc, nhưng cách bài trí, tái hiện nét sinh hoạt văn hóa thì y như thật. Phía cuối khu là những ngôi nhà gỗ mô phỏng theo kiến trúc Tây Nam bộ gốc, vẫn có trụ nhà, vách nhà bằng gỗ, nhưng nền nhà thấp và giản dị hơn. Nội thất nhà miền Tây không cầu kỳ, nhưng nơi đây lại có đủ các dụng cụ sinh hoạt của bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long...
< Phía trong một trường lang (hành lang).
Ở Hàm Long, những khu nhà nơi đây mang đủ phong cách kiến trúc của ba miền Bắc – Trung - Nam rất độc đáo. Bên cạnh đó, nhà nào cũng có không gian khá rộng, ngoài lớp ngói lợp phía trên mái, còn lại khung nhà và các chi tiết khác đều được làm từ các loại gỗ quý. Nhà nào cũng có lối vào rộng, chạy dài theo cảm thụ phong thủy của từng người. Những tiểu lâu được bố trí riêng biệt cạnh hồ nước, hòn non bộ...Một đặc điểm dễ nhận thấy của khu Hàm Long là ngôi nhà nào cũng có cổng to, có không gian khá rộng rãi và thoáng mát. Nếu không tính mái ngói thì tất cả các chi tiết bên trong nhà đều được làm bằng gỗ quý.
< Phía trong ngôi nhà chính của kiến trúc Huế.
Lâu lâu các nghệ sĩ ở khu Hàm Long cũng mở triển lãm tranh và tượng điêu khắc. Đó là những sản phẩm của cảm xúc ghi lại được trong hành trình rong ruổi đi tìm cái đẹp suốt chiều dài đất nước. Triển lãm chỉ để thỏa mãn những tháng ngày rong chơi, giao lưu nghệ thuật, chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật chứ không mua, không bán. Đây cũng là nơi cho những ai yêu thích nghệ thuật được thưởng lãm và học hỏi lẫn nhau.
Họa sỹ Hồ Hữu Thụ cho biết: “Khu nhà gỗ Hàm Long mang đậm những nét văn hóa của các vùng miền đất nước, những ngôi nhà ở đây đều độc đáo và mới lạ, từ phong cách bài trí cho đến không gian nghệ thuật đều có sự sáng tạo rất riêng.
Hơn nữa, ngôi làng này lại được bao bọc bởi dòng sông Sài Gòn mát mẻ, đây quả là một không gian hết sức thơ mộng và tuyệt đẹp. Vì vậy, cần có những quy hoạch cho một dự án thiết thực hơn nhằm xây dựng được một khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng...đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như góp phần xây dựng thành phố xanh, đẹp hơn”.
Du lịch, GO! - Theo Mai Phong (NĐT), Core dual (Homemarry)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét