Để đi hết chiều dài con sông lớn thứ 12 trên thế giới và khám phá những nét văn hóa truyền thống, nếp sống bản địa phong phú, độc đáo của các cộng đồng dân cư, các quần thể tự nhiên dọc 2 bên bờ có lẽ phải mất rất nhiều năm.
Sông Mê Kông dài xấp xỉ 5.000 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Vân Nam (Trung Quốc), Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Để đi tham quan các địa danh của những quốc gia trên dọc con sông vĩ đại này có lẽ phải chia ra từng chặng như: TP.HCM - Siem Riep, Luang Prabang; Bến Tre - Mỹ Tho - Cần Thơ - Châu Đốc. Đi tuyến nào thì du khách vẫn sẽ được tham quan các đất nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông trên những chiếc thuyền.
< Những đập nước thủy điện trên dòng Mê Kong.
Phân nửa chiều dài sông Mê Kông nằm ở Trung Quốc mà nguồn của nó có khởi điểm từ vùng núi cao của tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam rồi mới đổ ra các nước như Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi đổ ra biển Đông tại lãnh thổ của Việt Nam.
Mặc dù ở thượng nguồn sông có rất nhiều địa danh nổi tiếng như các cảnh sắc ở Vân Nam, cao nguyên Tây Tạng song do địa hình trắc trở và dòng chảy hung dữ nên hoạt động du lịch trên sông được biết đến nhiều hơn ở những vùng hạ lưu.
Hạ lưu sông được tính từ vùng Tam giác vàng nổi tiếng thế giới, nơi tiếp giáp giữa ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Rất nhiều du khách đến đây đã tranh thủ chụp hình kỷ niệm cạnh các tấm biển hình tam giác cũ kỹ đề chữ Tam giác vàng với sự, đa dạng của các nền văn hóa. Điểm độc đáo đầu tiên của vùng này là chung một không gian địa lý, chung một dòng sông nhưng các động đồng dân cư lại mang những nếp sống, phong tục khác biệt nhau.
Việc đầu tiên du khách bước chân đến đây nên làm là lên ngọn đồi Sop Ruak để có thể nhìn toàn cảnh 3 nước Thái Lan, Lào, Myanmar.
Sông Mê Kông cùng với nhánh sông nhỏ Sop Ruak đã tạo nên ngã ba sông của vùng Tam giác vàng. Sự độc đáo của văn hóa từng nước có lẽ được thể hiện mạnh nhất ở đây do sự cạnh tranh giữa các dân tộc: Thái Lan nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu, Lào trầm lắng, cổ kính và Myanmar lại yên ắng, bí ẩn.
Ngay ở phần đất nhô ra phía sông của Myanmar là một ngôi chùa và một lầu tứ giác. Những ngôi chùa như thế này ở Tam giác vàng dường như là khá nhiều. Thật lạ lùng, vùng đất này vốn nổi tiếng về việc buôn bán ma túy song lại có rất nhiều ngôi chùa nghèo nàn và tĩnh mịch. Nên đến đây để tham quan, du khách hẳn không thể không ghé qua Mae Sai, thị trấn cực Bắc của Thái.
Tuy là một thị trấn bé song đây là một trong những cửa ngõ hiếm hoi để có thể vào được Myanmar - đất nước vốn rất khép kín với thế giới bên ngoài. Ở Myanmar, du khách có thể tranh thủ thăm những mái chùa vàng nhọn hoắt như mũi giáo đâm thẳng lên bầu trời xanh lồng lồng ở thành phố Tahchilek - nơi mà mọi thứ dưới mắt trời đều được đem bán, từ lông thú, ngà voi, hồng ngọc và các đồ ăn vừa rẻ, vừa ngon.
Dù nổi danh với các loại "hàng trắng, hàng đen" song, nguồn thu từ du lịch tại vùng này xem ra vẫn là thu nhập chính của người dân với những tour hấp dẫn như "3 đất nước - 1 điểm đến".
Được mệnh danh là dòng sông về văn hóa nhưng sông Mê Kông cũng là dòng sông mẹ của 6 quốc gia ẩn chứa nhiều tài nguyên quý mà nhiều năm nay đã nuôi sống những thế hệ dân cư dọc 2 bên bờ. Hành trình khám phá Mê Kông cũng là dịp để du khách chiêm nghiệm về nguồn tài nguyên vô tận của sông. Mê Kông nuôi dưỡng hàng trăm loài sinh vật quí như: cá Úc - loài cá nước ngọt lớn nhất hay cá trê, cá đuôi gai độc khổng lồ, cá nhái răng nhọn, cá chép lớn, cá tầm.
Ngoài những tài nguyên thiên nhiên quý hiếm như trên thì Mê Kông đã mang nước tới cho những cánh đồng nhiệt đới vùng hạ lưu, cũng là nơi giao thương tấp nập của cả 6 quốc gia trong khu vực Mê Kông đã trở thành một hành trình hấp dẫn các du khách.
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Thành (Datviet), ảnh sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét