Tôi có thói quen cứ cách tuần là lên xe về Đồng Tháp thăm người thân. Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên với đầy ắp những kỷ niệm yêu thương tuổi ấu thơ.
Tôi luôn nhớ đến bác Hai – người thích “lai rai” và có năng khiếu chế biến các món ăn. Hễ tôi về đến quê buổi sáng, chiều đến là bác rủ tôi ra đồng (hay vào vườn) săn bắt. Mỗi mùa có những thú săn bắt khác nhau, có khi là tát mương, tát đìa bắt cá, có khi đào hang bắt chuột đồng, bắt rắn ri voi, hổ hành...
Hôm rồi, tôi về quê cũng là lúc nước lũ tràn về phủ trắng cánh đồng. Bác Hai rủ tôi cùng đi dặm cù bắt chuột cho vui.
Đặc tính của lũ chuột đồng là khu trú vào hang, nay nước ngập sâu không còn chỗ dung thân; thế là chúng tìm đủ mọi cách lên gò cao trú ẩn, chúng tôi chỉ cần dùng tấm lưới rộng ra đồng bao quanh nơi gò, chừa một ngõ thoát và nơi ấy đặt một cái “xà di” (*) để đón chúng. Sau đó, ta dùng cây đập mạnh vào các bụi rậm để chúng hoảng hồn chạy thoát thân và chun vào rọ.
Chỉ trong vòng khoảng một tiếng, hai bác cháu “thu hoạch” hơn 20 chục con chuột đồng một cách dễ dàng. Sau khi mang chuột về nhà, tôi hỏi bác: “Có món gì “độc” không, chứ chuột xào lá cách, xào lăn, nướng, chiên hoài, ngán quá, bác ơi!”. Bác vui vẻ nói: “Cháu đừng lo, bác sẽ đãi cháu một món “bá phát”, đảm bảo không đụng hàng, cháu “tìm đỏ con mắt” nơi các nhà hàng ở thành phố không thấy đâu!”. Nghe bác nói một cách ỡm ờ, trí tò mò trong tôi càng thêm thôi thúc. Liền ngay sau đó, bác dẫn tôi xuống mé rạch và “thót” lên cây bần hái một nắm đọt non, và nhảy xuống trước sự ngạc nhiên của tôi.
Bần là loại cây dân dã đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Chúng mọc và phát triển nhanh trong mọi điều kiện môi trường và thời tiết khắc nghiệt (nước mặn lẫn nước ngọt) nơi bờ sông hay bãi biển. Bần ra hoa và kết trái vào cuối mùa hè và đầu mùa mưa. Tùy theo hình dạng và kích cỡ trái, người ta phân làm 2 loại: bần dĩa (trái to tròn như cái dĩa), bần ổi (quả nhỏ hơn bần dĩa).
Trong sách “Tự vị tiếng Việt miền Nam”, học giả Vương Hồng Sển viết: “Cây bần có lá xanh rất đẹp, ban đêm đom đóm đậu nhiều trông rất xinh. Có trái ăn với mắm sống rất ngon. Chúa Nguyễn Ánh được nếm qua rất hài lòng và ban cho tên chữ là thủy liễu”. Bần tuy là loại cây bình dị như thế nhưng có nhiều tác dụng trị liệu trong y học cũng như trong việc chế biến món ăn.
Theo y học hiện đại, trong trái bần có nhiều chất khoáng và các acid amin khác có tác dụng chống oxy hóa, nhuận trường, giải độc, làm lành các vết loét dạ dầy, giảm hấp thu đường, mỡ, có tác dụng hạ huyết áp… Theo y học dân gian, trái bần có tính mát, tác dụng tiêu viêm, giảm đau. Lá bần có vị chát, tác dụng cầm máu v.v… Còn trong việc ẩm thực, bần được các bà nội trợ miền Tây rất ưa chuộng trong việc chế biến món ăn như: bần dốt chấm mắm sặt, canh chua bần, bần chín giầm cá kho (hay thịt kho), lẫu cá bông lau nấu bần, mứt bần v.v…”.
Hôm nay, bác Hai đãi tôi món đọt bần xào chuột đồng. Trước hết, bác đập đầu cho chuột chết và ra sau hè lấy bó rơm thui chuột (cho cháy hết lông), dùng dao cắt đầu, chặt đuôi, mổ bụng, lột da… và moi bỏ tất cả bộ đồ lòng (trừ bộ gan) bỏ đi, rửa sạch, để ráo. Bác chặt chuột thành từng miếng vừa đũa gắp. Còn đọt bần, bác chọn những lá vừa ăn (không già cũng không non), loại bỏ lá sâu rửa sạch xắt sợi để ra rổ cho ráo.
Tiếp đến, bác ướp thịt chuột (đã sơ chế) với gia vị (muối + đường + bột ngọt + tiêu + củ hành tím xắt nhuyễn…) cho vừa khẩu vị và cho thịt chuột vào chảo phi mỡ tỏi thơm xào chín. Cuối cùng, cho đọt bần vào xào đều đến khi đọt bần ngã màu nâu sẫm, cho một ít hành lá xắt khúc vào, nhắc xuống múc ra dĩa cùng chén nước mắm tỏi ớt, và bác cũng không quên lấy chai “đế” trong tủ ra để “lai rai’.
Thật hạnh phúc và đầm ấm khi hai bác cháu cùng nhau “đối ẩm” với dĩa chuột đồng xào đọt bần thơm ngon và hấp dẫn dưới bóng cây râm mát trước sân nhà. Gắp một miếng thịt chuột đồng cùng đọt bần chấm vào chén nước mắm cho vào miệng nhại chầm chậm. Vị ngọt, thơm, béo của thịt chuột hòa lẫn vị chua nhẹ, chát chát của đọt bần… Thêm một cốc “đế” vào khiến câu chuyện thêm râm ran không dứt về đề tài con chuột đồng “phối ngẫu” quá tuyệt vời cùng đọt bần, món ăn mang đậm chất dân dã khó quên của cha ông thời mở cõi.
(*) Xà-di: Tên dụng cụ để bắt chuột. có dạng hình trụ, dài khoảng hơn 1 mét, đan bằng những thanh tre dài, chuốt mỏng, một đầu bịt kín, một đầu có những chiếc hom để chuột chui vào và không ra được.
Du lịch, GO! - Theo TBKTSG và nhiều nguồn ảnh khác
0 nhận xét:
Đăng nhận xét