Hầm Hô - bản tình ca của đá và nước

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

Tôi đến Hầm Hô như một sự hữu duyên. Trong danh sách của chuyến du hành đầu xuân về thăm đất tổ Tây Sơn không có cái tên Hầm Hô. Nhưng cái hay lại đến một cách tình cờ...

Việc chen lấn trong lễ hội chùa Ông Núi khiến tôi đánh rơi bản đồ, rồi mò mẫm tìm đường đến Bảo tàng Quang Trung và đền thờ các danh tướng giữa giờ nghỉ trưa. Để tránh nắng và tìm nơi thư giãn sau nửa ngày rong ruổi, cô bé thực tập viên tại bảo tàng giới thiệu tôi đến với Hầm Hô.

Thuộc xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách Bảo tàng Quang Trung không xa, băng qua những con đường nhỏ ngoằn nghoèo chạy men theo những cánh đồng lúa, tôi đến Hầm Hô, một trong những căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn, nơi đã gắn liền với tên tuổi người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Cái tên Hầm Hô gắn liền với nhiều giai thoại. Người bảo rằng đó là tiếng gầm gừ của núi rừng mỗi khi trời hạn, để vài ngày sau đất trời sẽ ngập tràn trong những cơn mưa. Nơi thần linh hô phong hoán vũ gọi là Hầm Hô. Kẻ bảo dòng suối thanh bình kia, đến đoạn thác cao 5 - 6m, chảy qua một cái hốc gọi là hầm, phát ra những tiếng kêu ầm ừ như thể báo hiệu sự hiểm nguy đang đến gần, tục gọi là Hầm Hô.

Lại có anh chàng chếnh choáng hơi men, nằm trên tảng đá lưng trâu, dưới tán lộc vừng cổ thụ mà rằng "đá đây cục to cục nhỏ lởm chởm như hàm răng hô". Có khi cái tên Hầm Hô lại xuất phát từ những gã say như hắn...

Vượt qua con đường dốc nhỏ, mở ra trước tầm mắt là trập trùng đá nước. Trải dài hơn 3 km dọc theo con suối trong vắt chảy xuyên qua rừng rậm, cơ man nào là đá, muôn hình vạn trạng. Hóa công như muốn thử thách tài của các nghệ nhân đương thời, tựa như vật thể qua kính vạn hoa nhiều màu, tạo nên những hình ảnh hoa văn kỳ bí mà sức sáng tạo của con người khó lòng chạm đến. Đá ở đây đủ các hình dáng, chất liệu. Nơi chất chồng thành đống, nơi nhỏ nhắn đều đặn như những bậc thang...

Tôi chọn cách men theo con đường mòn nhỏ ven dòng suối, đôi khi đu theo dây leo rừng, gồng người trèo lên những tảng đá lớn cản đường. Có khi đá cao quá không qua nổi, lại xách giày lội ngang qua suối, theo đường mòn phía bên kia. Dường như để góp phần dịu đi cái thô mộc rắn rỏi của đá, bên cạnh mặt nước êm đềm có đủ loại cỏ cây đan xen: E ấp hoa mai điểm trắng đầu xuân, có những cây lá đỏ vàng hệt như lá phong xứ ôn đới... Thấp thoáng những nhà sàn trên đá trông như những chòi canh nhỏ.

Vẳng trong hương rừng tiếng véo von của chim chóc. Có đoạn đá ngẫu nhiên gộp lại thành ô, quây tròn như bồn tắm lớn, du khách mặc nhiên ngâm mình giữa dòng suối mát lạnh, ngửa mặt nhìn trời cao xanh.

Tôi cứ tiếc mình không dự định trước, chỉ muốn bỏ tạm máy ảnh trên bờ để trầm mình trong làn nước trong nhìn xuyên tới đáy ở nơi đây. Vài vị khách chọn cách du ngoạn bằng cách thuê thuyền, do mực nước không sâu nên dùng sào chống đẩy, luồn lách qua những tảng đá giữa dòng, tận hưởng cảm giác vui thú của dân chài lưới.

Nước cứ chảy bình yên như thế, đến đoạn nguy hiểm gập ghềnh hai bên bờ đá dựng như thành rồi đổ xuống một hầm đá rộng, bọt bắn tung tóe, tiếng kêu ồ ồ.

Người ta cho xây cái đập chắn thấp nhưng rộng, nước tràn về dàn ra mượt như tấm lúa. Trên đập lâu ngày rêu mọc, các loại cá nhỏ tụ về nhìn rất bắt mắt. Tôi băng ngang qua suối, chân không, ghìm chặt ngón mà đi trên đá, đôi khi mạo hiểm dừng lại chính giữa dòng ngắm các loài cá đang bơi lội, nghe lòng tĩnh lặng giữa thiên nhiên.

Hầm Hô, hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên

Du lịch, GO! - Theo tuần san Thanhnien, internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc