Cuộc sống đã đổi thay nhiều, khắp trên cả nước, phố xá ngày càng tân tiến, những ngôi nhà cao tầng mọc lên từng ngày, con người ta sống nhanh hơn mà dường như dần bớt quan tâm đến các giá trị tinh thần. Chắc chẳng ai tin rằng, ở Tây Nguyên, vẫn còn những cô gái cần mẫn hàng năm trời để “kiếm củi lấy chồng”. Chuyện tưởng chừng như chỉ còn trên những trang giấy ấy vẫn được tiếp tục với những niềm tin bất diệt vào truyền thống tốt đẹp của bản làng.
Không biết từ bao giờ, trên vùng đại ngàn phóng khoáng ấy, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, bầu bạn đã có quy định rằng: khi trai gái lớn lên, đủ tuổi tìm vợ tìm chồng, họ sẽ phải vượt qua những thử thách để chứng tỏ sự trưởng thành, khéo léo, như một cách lấy lòng gia đình người mình sắp gá duyên.
Theo đó, người con trai sẽ vào rừng săn bắn, lấy đầu thú về treo lên vách nhà rông. Còn các cô gái thì vào rừng chặt củi gùi về để chứng minh mình có đủ sức dẻo dai để làm vợ làm mẹ, để trỉa lúa, trồng bông dệt vải... Thú càng nhiều, củi càng nhiều, các chàng trai cô gái Tây Nguyên sẽ càng được yêu mến, trân trọng sự cần cù, khéo léo để vun vén công việc gia đình. Với người Rơ Ngao, người Jẻ - Triêng, sơn nữ đến tuổi tìm chồng phải tự tìm đến cả trăm bó củi trên rừng mới mong có cơ hội về nhà chồng.
Tại sao lại là củi? Điều này có lẽ cũng dễ hiểu đối với đồng bào Tây Nguyên. Với họ, củi là một trong những thứ quan trọng không thể thiếu được trong mỗi gia đình, là thứ sẽ thắp lên ngọn lửa nơi căn bếp, sưởi ấm và duy trì sự gắn kết của mỗi thành viên trong gia đình. Người con gái về nhà chồng, giỏi giang, tháo vát chính là ở chỗ ấy. Thế nên, yêu cầu về củi “sính lễ” là rất cao. Do đó, củi được thiếu nữ sơn cước lựa chọn rất cẩn thận, công phu, dù tục lệ hầu như không bắt buộc song thông thường các cô gái thường chọn cây dẻ khỏe mạnh, bởi gỗ khi khô sẽ chắc, dễ chẻ, cháy tốt và đượm than.
Kích cỡ cây được chọn làm củi thường có đường kính trên dưới 10 phân. Củi được chặt thành đoạn từ 80 phân đến trên 1 mét và phải giữ độ dài ấy đều đặn cho cả đống, không được dài ngắn bất thường. Thanh củi phải thẳng, chắc, tất cả vỏ ngoài phải được lột sạch sẽ, đầu của mỗi thanh phải đồng loạt được chặt bằng hoặc vát nhọn tất cả. Đây chính là thử thách sự khéo léo của các cô gái.
Củi phải đạt đến độ “tiêu chuẩn’ như vậy khiến các cô gái khá là vất vả và mất nhiều thời gian trước khi về nhà chồng. Có cô mất 2, 3 năm, thậm chí, có cô gái phải mất 4 năm để kiếm số củi cô cho là “đủ” để làm vợ người ta. Ngày xưa, tục lệ còn khắt khe, các cô gái phải tự chịu đựng hiểm nguy, lên rừng kiếm củi một mình, bất cứ ai giúp đỡ mà bị làng phát hiện, sẽ bị phạt vạ rất nặng. Bây giờ, rừng đâu có còn nhiều nên nhiều nơi ở Tây Nguyên đã quyết định cải “lệ”, đó là người con gái có thể mượn bất cứ ai trong làng đi kiếm củi giúp mình, trừ người chồng tương lai.
Tuy nhiên, sự vất vả của các cô gái sẽ được đền đáp. Những đống củi săn chắc, đều đặn đẹp đẽ chính là minh chứng cho tình yêu của người con gái với đối tượng của mình. Đồng thời, qua đó, người làng có thể đánh giá được công dung ngôn hạnh của cô gái ấy như thế nào. Ngoài ra, cô dâu mới nào kiếm được nhiều củi, đẹp, đều đúng như yêu cầu thì sẽ được cha mẹ chồng hết sức tin tưởng và yêu quý.
Quanh tục lệ này, có rất nhiều câu chuyện được thêu dệt nên làm cho nó càng trở nên thần bí, linh thiêng, càng khiến các cô gái không dám lơ là. Dân làng truyền tai nhau rằng nếu củi của người con gái càng nhiều, đẹp, đều… thì đó là đống củi của một người con gái có đôi bàn tay khéo léo, có hình thức đẹp, sống hiếu thảo, cẩn thận và chắc chắn người chồng mà cô ta sắp lấy là một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai; và tình yêu của người con gái với người con trai đã rất sâu nặng. Nếu người con gái nào lấy củi từ cây dẻ bị cụt ngọn thì đó sẽ là điềm xấu cho hôn nhân sau này.
Phong tục “kiếm củi lấy chồng” này là một truyền thống tốt đẹp. Tình yêu trải qua nhiều thử thách thì sẽ vững bền. Song, có một nghịch lý rằng, rừng giờ đã chẳng còn nhiều, các cô gái ngày càng khó khăn để tìm củi, chắc rồi sẽ đến một ngày, các cô sẽ mất 10 năm, 20 năm để tìm “sính lễ”. Thế còn may, hay sẽ chẳng còn củi để các cô gái lấy chồng! Mà việc rừng càng ít, một phần cũng là do tục lệ này chứ đâu?
Biết là thế, nhưng tục lệ thì vẫn là tục lệ. Đây quả là một vấn đề nan giải đối với một số cư dân còn giữ phong tục lạ này ở Tây Nguyên khi Nhà nước đã giao rừng cho đồng bào quản lý, cấm chặt phá mà chưa ngăn chặn kịp một cách làm hao hụt tài nguyên rừng có vẻ như rất “hợp lý” này.
Du lịch, GO! - Theo Văn Hiến Việt Nam, ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét