Tôi đã đi bốn cực và một “đỉnh” của Việt Nam. Còn duy nhất địa đầu đông bắc chưa đánh dấu trên bản đồ xê dịch. Cả một hành trình dài và biết bao câu chuyện, kể từ cột mốc số 0 nơi địa đầu A Pa Chải đến cột mốc số 1378 nơi đầu sóng ngọn gió này.
Và chỉ một ngày ở vùng biên Móng Cái cũng có nhiều trải nghiệm khó quên...
1. Sau một đêm lắc lư trên xe khách giường nằm từ Hà Nội, 5g sáng tôi đã đứng ở bến xe Móng Cái. Điện thoại bật lên, 10 cuộc gọi nhỡ. Bạn hỏi ra đến nơi chưa để đi đón.
Cứ nghĩ ở vùng biên tàu xe hẳn bát nháo lắm nhưng bến xe Móng Cái sạch đẹp, xe cộ đi lại trật tự, cánh xe ôm mặc đồng phục cũng từ tốn chứ không... lao vào khách. Tôi ghé quán trà cóc bên đường làm một ly cho ấm bụng, mấy người khách đợi xe thong thả, nhẩn nha.
Đường phố sớm mai vắng vẻ. Chạy xe máy qua mấy cây cầu bắc trên sông Ka Long mới hình dung rõ một dòng sông biên giới với bờ nam thuộc TP Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam), bờ bắc thuộc thị xã Đông Hưng (Trung Quốc). Nhánh sông chảy trong thành phố có hai cây cầu Ka Long và Hòa Bình, nhánh chảy qua biên giới có cây cầu Bắc Luân nổi tiếng nối hai cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) và Bắc Luân (Trung Quốc).
Đứng trên cầu Bắc Luân sẽ dễ dàng nhận ra ai là dân vùng biên vì phần lớn đều mang vác hàng hóa qua lại. Khách du lịch thường đi theo nhóm, có hướng dẫn viên cầm loa chỉ đường. Tôi cầm điện thoại “check-in” (một hình thức đánh dấu tọa độ và chia sẻ trên mạng xã hội) tại cột mốc 1369 (2) ngay đầu cầu Bắc Luân, phía Việt Nam và ghi chú thêm “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, bất chợt thấy bâng khuâng trong lòng.
Một thứ tình cảm rất lạ dâng lên từ sâu thẳm, tôi thấy khóe mắt mình cay cay.
2. Móng Cái có nhiều chợ. Đánh dấu bằng số thứ tự, chợ 1, chợ 2, chợ 3, chợ 4. Ngoài ra còn có chợ Togi bán lẻ hàng tiêu dùng, chợ Vinh Cơ bán buôn đồ điện tử và chợ đêm phục vụ khách du lịch. Đi chợ bán trong ngày không thấy cảnh mua bán náo nhiệt như chợ Đồng Xuân (Hà Nội) . Khách có thể mặc cả thoải mái mà không lo bị mắng nhưng chỉ được xem hàng, không được thử. Chợ đêm chủng loại hàng đa dạng, phong phú, chất lượng cũng đủ kiểu, từ rẻ tiền đến cao cấp. Các “tín đồ mua sắm” có lẽ sẽ hài lòng nếu một lần mua sắm ở đây.
Bạn lái xe chở đi quanh phố, giới thiệu những tòa nhà cao lớn đang dần biến Móng Cái thành một thành phố hiện đại, nhưng “phố xá lúc nào cũng xinh xắn, yên bình và ấm cúng”. Quả thật, không thấy sự ồn ào, náo nhiệt của thương lái nơi chợ đầu mối biên giới, phố nhiều cây xanh, sạch sẽ, các quán cà phê nơi ngã tư giản dị và thân thiện.
3. Trên đường ra biển, bạn ghé thăm nhà thờ Trà Cổ thâm trầm trong nắng trưa. Một kiến trúc khá đồ sộ, cổ kính với hàng trăm bức phù điêu và một quả chuông 80 năm tuổi. Màu thời gian trên những bức tường, chóp mái làm không gian càng thêm tĩnh lặng. Giờ này giáo dân ở hai thôn Tràng Lộ và Tràng Vĩ vẫn đang mưu sinh ngoài biển hoặc ở chợ vùng biên.
Trời xanh ngắt khi chúng tôi có mặt ở địa đầu Sa Vĩ, nơi được gọi là điểm cực đông bắc, một trong những tọa độ thiêng liêng của Việt Nam. Biển xanh ngút tầm mắt, những con thuyền gác mái nằm trên bờ cát như say ngủ. Thỉnh thoảng một nhóm khách du lịch đến bằng ôtô, xe máy dừng lại trước biển hiệu “Vành đai biên giới” và tấm bảng nổi tiếng với câu thơ của Tố Hữu để chụp hình. Bạn nói muốn đứng tại nơi có cột cây số ghi dòng chữ Tràng Vĩ - 0 km để nghe rừng dương phía sau rì rào.
Tôi ngồi phơi nắng trên kè chắn sóng Tràng Vĩ, hướng tầm nhìn ra biển khơi. Ngoài kia, nơi cửa sông Bắc Luân đổ dòng ra biển, là cột mốc cuối cùng 1378 trên đường biên giới Việt - Trung sơn màu trắng đỏ.
4. Đến Mũi Ngọc khi mặt trời bắt đầu tắt nắng. Những chiếc canô chở khách từ đảo Vĩnh Thực ầm ào cập bến. Nếu có thời gian, chỉ cần bảy phút lướt sóng là đã sang bến Vạn Gia. Trên đảo có nhiều bãi tắm sạch đẹp, hoang sơ như bãi Đầu Tán, Đầu Đông, bến Hèn, hải sản tươi ngon và rất rẻ. Có thể cắm trại ngay trên bãi biển hoặc nghỉ qua đêm ở nhà dân. Hải đăng Vĩnh Thực ở phía đông bắc đảo cũng là một vọng cảnh đài tuyệt vời nơi địa đầu Móng Cái.
Tôi ngồi rất lâu ở bến Mũi Ngọc, không đếm được có bao nhiêu chuyến canô cập bến, trước khi rời đến bãi Đá Đen, một bãi biển hoang sơ dài khoảng 7km khuất sau một rừng phi lao thơ mộng thuộc phường Bình Ngọc. Nơi này chưa đông khách du lịch nhưng đồ ăn rất ngon. Mọi người thường tới bãi Đá Đen vào những ngày cuối tuần để thư giãn, tắm biển và câu cá.
Hoàng hôn bắt đầu buông khi bước chân tôi dừng trên bãi đá màu đen sẫm nằm thoai thoải ôm vào mép biển. Sóng đập vào những gờ đá nhỏ tung bọt trắng xóa, xa xa là đảo Vĩnh Thực đang chìm trong ráng chiều hư ảo. Cảm giác “vùng biên” chảy tràn qua tim.
Du lịch, GO! - Theo Thái Anh (Dulich Tuoitre), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét