Ứng xử trên đường phượt

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số ngoài người Kinh, mỗi dân tộc dù số dân có ít đến đâu, dù trình độ phát triển kinh tế - xã hội thế nào thì từng dân tộc cũng đều có bản sắc văn hóa riêng; bản sắc đó góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng trong tính thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Tìm hiểu, tôn trọng những phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cán bộ trong hệ thống chính trị nói chung, của cán bộ làm công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Bài viết này xin trao đổi một số nội dung xung quanh vấn đề trên; hy vọng sẽ là những thông tin bổ ích cho nhiều cán bộ, nhất là những cán bộ trẻ mới làm, hoặc chuẩn bị làm công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ nhất, về tên gọi và một số thuật ngữ thường dùng trong công tác dân tộc: Trong thực tế còn gặp một số người khi viết, khi nói xác định tên dân tộc lại dùng tên do các dân tộc tự gọi, tên theo nhóm địa phương, hoặc tên gọi khác.

Ví dụ: dân tộc Hoa gọi là dân tộc Xạ Phang, dân tộc Hán... dân tộc Chứt gọi là dân tộc Rục, dân tộc Mã Liềng, dân tộc Sách; dân tộc Dao gọi là dân tộc Mán; dân tộc Khơ Mú gọi là dân tộc Xá, dân tộc Chăm gọi là dân tộc Chàm... cách gọi trên dùng để nghiên cứu dân tộc.

Trong công tác dân tộc gọi theo danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam do nhà nước ban hành là đúng hơn cả. Theo số liệu thông kê, nước ta có 54 dân tộc trừ dân tộc Kinh chiếm đa số, dân số của 53 dân tộc còn lại chỉ chiếm tỷ lệ 13,8% của cả nước. Khi nói, khi viết là để chỉ chung cho các dân tộc (trừ dân tộc Kinh) là đúng và đã được ghi trong điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, một số việc cụ thể cần lưu ý: Khi vào làng, vào bản, vào nhà dân nếu trên đường vào ở cổng bản hay cổng nhà thấy có cắm lá xanh hoặc cọc dấu thì không nên vào vì dân bản hoặc chủ nhà đang kiêng người lạ.

Khi đã đến với dân bản thì không được tự ý vào khu rừng kiêng, rừng cấm, không làm mất vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, không chặt cây khi thấy cây có dành dấu (X), không lấy măng, mộc nhĩ, lấy mật ong... khi đã có người đánh dấu, không bẻ mầm non đang mọc.

Khi vào nhà dân, nếu thấy dân ở nhà sàn mà nhà lại có hai cầu thang thì cần quan sát xem đi cầu thang nào; nếu đi cùng chủ nhà hoặc có cán bộ cơ sở đi cùng thì nên để cho chủ nhà hoặc cán bộ cơ sở lên trước (thông thường nhìn từ ngoài vào, cầu thang phía bên tay trái dành cho đàn ông và khách, cầu thang bên tay phải dành cho phụ nữ). Khi đã vào trong nhà nếu thấy trong nhà có hai bếp thì không nên đi thẳng một mạch từ đầu nhà vào bếp trong (bố trí 2 bếp, bếp ngoài đồng bào dành cho khách).

Khi ngồi cạnh bếp lửa không dùng chân đẩy củi, không đút ngược cây củi vào bếp (ngược ở đây được hiểu là đút chiều ngọn của cây củi vào trước) vì đồng bào quan niệm làm như thế trong nhà sẽ có người đẻ ngược. Không nướng cơm đồ (xôi) vì nếu cơm đã đồ mà đem nướng đồng bào cho rằng năm đó sẽ xảy ra mất mùa. Khi ngồi cần chú ý không ngồi vào “cửa móng” (cửa sổ gian tiếp khách), nếu chủ nhà chưa mời không nên ngồi ngay vào đệm (thường dành cho bề trên và khách quý).

Khi ăn cơm nếu chủ nhà không mời thì không được ngồi ngang hàng với người già nhất trong mâm đồng thời tôn trọng sự sắp đặt vị trí ngồi của chủ nhà; không được gắp đầu gà, chân gà, gan gà (những thứ này thường để chung một đĩa với dụng ý để khách chứng giám lòng thành của chủ).

Khi uống rượu nếu thấy trong mâm có 2 ly rượu (cốc, chén) để giữa chủ nhà và khách hoặc giữa chủ nhà và người già nhất thì không được uống 2 ly rượu này (đồng bào quan niệm đây là 2 ly rượu dâng lên tổ tiên). Khi có người mời, hoặc mời mọi người xung quanh mới uống, không nên cầm ly uống ngay.

Đặc biệt để tỏ lòng mến khách những người trong mâm rượu dùng rất nhiều “lý” để chúc rượu nhau (chúc chung cả mâm, chúc riêng từng người, ly rượu làm quen, chúc sức khỏe...) trong trường hợp ấy không nên từ chối (uống được bao nhiêu do khả năng của mình) và nên chủ động chúc rượu lại chủ nhà và những người trong mâm rượu. Ngoài ra khi mời rượu không nên dùng từ “uống hết” mà chỉ nên dùng từ “uống cạn” (đồng bào quan niệm nếu dùng từ “uống hết” nghĩa là chủ và khách không còn tình cảm gì, không còn gì để uống), trong khi ăn uống không nên vừa ăn vừa nói quá to.

Khi đi ngủ không nằm ngủ dọc theo đòn nóc nhà (chỉ người chết mới nằm như vậy), không ngủ dậy quá muộn, không đắp ngược chăn. Khi tiếp xúc với cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cơ sở, tiếp xúc với dân bản không nói quá to với cử chỉ gay gắt, đặc biệt không dùng ngón tay trỏ của mình chỉ vào mặt người đang đối thoại với mình.

Không tranh cãi với người già, phụ nữ và trẻ em, không xoa đầu trẻ nhỏ, không nên biểu lộ tình cảm thái quá đối với phụ nữ đã có chồng, con gái đã có người yêu, phụ nữ goá chồng. Khi nói chuyện với bà con dân bản cần tránh dùng từ kiêng, từ có tính miệt thị dân tộc như: gọi người đàn ông có tuổi là “bố bản”, dùng từ “xá” (có nghĩa là rách rưới) chỉ dân tộc Khơ Mú, “Thổ mừ” chỉ dân tộc Thổ... hoặc có khi nói những từ chung chung như “ông Mông”, “ông Thái”, “ông Dao”...

Ngoài ra một số dân tộc thiểu số có những điều “kiêng”, “cấm” trong các nghi lễ như chọn đất làm nương rẫy, chọn ngày dựng nhà, chọn ngày cưới hỏi vợ, chồng; kiêng cữ khi phụ nữ mới sinh. Những nghi lễ khi trong nhà có người chết; những nghi lễ trong việc cúng bản, cúng mường; gặp những trường hợp này tốt nhất là chúng ta lắng nghe, quan sát không nên vội vàng phê phán chê bai như: mất vệ sinh, lạc hậu, tốn kém; mê tín dị đoan…

Cán bộ công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những thế hệ kế tiếp nhau được bổ sung trong quá trình phát triển của đất nước. Những nội dung nêu trên mặc dù chỉ ở mức độ chung nhất nhưng sẽ là cần thiết cho cán bộ mới làm công tác dân tộc tham khảo góp phần tăng cường kỹ năng công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số câu nói người Tày

Nếu là đồng bào Tày khi uống rượu bạn phải uống hết, trước khi uống đồng bào thường nói " kin lẹo " nghĩa là uống kạn.
- Kin khẩu=> ăn cơm.
- Ki nặm=> uống rượu.
- Pây=> đi
- Mừa=> về.
- Pây mừa sèn=> đi về thôi
- À lôi=> trời ơi.
- À lôi nỏ=> ôi trời ơi.
- Boong hêy=> chúng mình, chúng ta...

Ngoài ra khi đi đường mà hỏng xe hay cần nhờ giúp việc gì mọi người đừng vội mang tiền ra để nhờ, người dân tộc rất ghét điều đó. Tốt nhất là mọi người mua một chai rượu hay gói kẹo (cái này  thường mang theo dự phòng) ngồi uống rượu hoặc mang kẹo ra mời đồng bào ăn rồi mới nói chuyện nhờ vả. Lúc đó bạn sẽ được sự giúp đỡ nhiệt tình của họ.

Hà Giang

Từ bao đời nay, hình ảnh bếp lửa nhà sàn đã gắn bó với đời sống sinh hoạt và đi vào tâm linh của đồng bào Tày ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Bếp lửa như một vị thần ban hạnh phúc, niềm tin, sức mạnh cho họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến thắng cái ác, hướng tới cái thiện.

Vị trí ngồi bên bếp lửa cũng có quy định riêng, mọi người đều phải tuân thủ. Một cạnh bếp không vướng các cành củi là nơi rộng rãi, sạch sẽ nhất được dành cho người già và người có vai vế cao nhất. Người có tuổi hoặc vai vế thấp hơn thì ngồi ở các cạnh bếp còn lại. Riêng trẻ nhỏ dưới 7 tuổi không phải tuân thủ quy định này, vì theo quan niệm của người Tày thì người già và trẻ em là đối tượng được ưu tiên số một. Đây là nét ứng xử đẹp vừa thể hiện đạo lý kính trên nhường dưới, vừa thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và dành những điều kiện tốt nhất cho người già, trẻ em.

Khi nhà có đông người thì cả 2 bếp lửa đều sử dụng làm nơi uống nước, tiếp khách (kể cả khi đang đun nấu). Lúc đó, bếp đun nước được dành cho nam giới, bếp nấu ăn dành cho phụ nữ để thuận tiện cho việc vừa trò chuyện vừa nấu ăn. Những đêm hát lượn, bếp lửa nhà sàn cũng luôn bùng cháy, tạo chất men say cho cuộc hát tưởng chừng không bao giờ dứt.

Một số điều lưu ý khi vào thăm bản dân tộc.
Offroad và những lưu ý ứng xử trên đường

Du lịch, GO! - Theo Đỗ Trọng Cố (Phuot.vn). ảnh minh họa internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc