12 đặc sản rượu ngon trên đất Việt

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Nói đến rượu, thường cánh đàn ông mới rành và có thể kể tên làu làu những thứ rượu ngon dọc đất nước Việt. Tuy nhiên, yeudulich xin mạo muội kể ra 12 loại rượu mà chỉ nhắc đến tên thôi cũng không còn xa lạ với mọi người kể cả các bà, các chị…

1. Rượu Ngô Bản Phố, Bắc Hà

Rượu ngô Bản Phố hay còn gọi là rượu ngô Bắc Hà là một thứ rượu ngon đặc sản của người Mông ở Bản Phố, cao nguyên Bắc Hà, Lào Cai. Rượu ngô Bản Phố nấu từ nước lấy từ suối Hang Dế. Ngô dùng nấu rượu Bản Phố không phải trồng ở nương rẫy hoặc thung lũng, mà ở trên núi đá cao heo hút.

Rượu Bản Phố có màu trong như nước suối, lúc mới uống nghe hương vị thơm nồng, sau đó là cảm giác êm dịu. Rượu ngô Bản Phố hương thơm thì nồng nàn, quyến rũ, uống vào không gắt, không chua. Bí quyết tạo nên sự khác biệt của rượu ngô Bản Phố với các loại rượu khác là lên men bằng bột bông của cây "pa", còn gọi là cây Hồng Mi. Rượu ngô nơi đây say lâu nhưng không làm người ta ngu muội mà cảm giác vẫn sảng khoái.

2. Rượu Mẫu Sơn – Lạng Sơn

Rượu Mẫu Sơn là một loại rượu ngon đặc sản do người Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn làm ra. Rượu được chưng cất thủ công với phương thức cổ truyền hàng ngàn năm từ gạo, từ nước tinh khiết của những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000m và loại men lá rừng được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm. Rượu Mẫu Sơn trong vắt như nước suối, rót ra chén sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng, hương vị thơm nồng, êm dịu, đậm đà đặc trưng của lá và rễ cây.

3. Rượu nếp San Lùng

Rượu nấu bằng thóc nương, trộn với một ít hạt cao lương, khoảng năm phần trăm thôi, ngâm nước và nấu lên như nấu cơm. Khi hạt thóc chín tới, vỏ trấu nứt ra, lộ một vết gạo trắng trông giống như nảy mầm là được. Thóc chín, rỡ ra nong, để nguội, rắc bột men, trộn đều, cho vào thùng ủ. Một hoặc hai ngày sau, tùy theo thời tiết, thóc chín men, thơm mùi cơm rượu, đổ nước suối vào ngâm, một số ngày tùy theo chất men và thời tiết, rồi chưng cất. Cất bằng chảo gang lớn, mỗi mẻ năm mươi cân thóc, cho ra hai mươi lít rượu trong vắt, nặng từ bốn lăm đến năm mươi độ, hoặc hơn…

Rượu San Lùng nhấm 1 ngụm thấy tê tê, ngòn ngọt đầu lưỡi, và đặc biệt thơm mùi men, ngát hương.

4. Rượu Táo Mèo - Sapa

Rượu Táo Mèo là thứ rượu đặc sản của người H'Mông Sa Pa, cùng với rượu San Lùng, Bát Xát và rượu ngô Bắc Hà rượu Táo Mèo là các danh tửu của Lào Cai. Rượu Táo Mèo có màu nâu sóng sánh và vị thơm ngọt đặc trưng, được ngâm ủ từ trái sơn trà một loại táo rừng mọc hoang trên dãy Hoàng Liên Sơn. Vì những nơi có thứ trái này là nơi người H'Mông sinh sống nên còn gọi là trái táo mèo, loại cây ra hoa trắng vào mùa xuân và có trái vào mùa thu.

5. Rượu Kim Sơn – Ninh Bình

Rượu Kim Sơn là rượu được chưng cất từ gạo nếp, men thuốc bắc, nguồn nước giếng khơi tự nhiên, sản xuất theo bí quyết của người dân các làng nghề tại Kim Sơn. Rượu thường có nồng độ cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao. Trước đây, rượu được đựng trong các vò đất và nút lá chuối khô, rượu Kim Sơn khi uống vào cảm thấy rất thơm và êm dịu. Một đặc trưng của rượu là càng để lâu càng ngon.

Đặc biệt rượu Kim Sơn có tác dụng rất tốt cho sức khỏe khi được ngâm với rắn, tắc kè, sao biển, bìm bịp .v.v.

6. Rượu Làng Vân

Rượu Làng Vân được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon trồng trên cánh đồng làng Vân Xá, xã Vân Hà,Việt Yên, Bắc Giang với men rượu bí truyền của làng Vân.

Xưa kia, rượu Làng Vân còn là lễ vật để dâng lên vua chúa và thường xuyên được sử dụng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình.

Người Vân Hà vẫn luôn tự hào vì được sở hữu sản phẩm rượu nổi tiếng này, họ cho rằng rượu Vân thơm ngon, hấp dẫn không chỉ bởi ở loại gạo nếp cái hoa vàng,  ở thứ men gia truyền được làm từ 35 vị thuốc bắc mà một phần còn vì nơi đây có nguồn nước tinh khiết được lấy từ các giếng khơi trong làng.

7. Rượu Phú Lễ - Bến Tre

Phú Lễ là 1 xã thuần nông của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đất đai nơi đây trù phú, mênh mông, người nơi đây chân chất, hiền hòa, trọng lễ nghĩa. Ngoài ngôi đình cổ kính đã được công nhận là Di tích quốc gia, người ta còn biết đến Phú Lễ qua 1 sản vật địa phương từ lâu rất nổi tiếng. Đó là rượu Phú Lễ, thứ rượu nồng đậm, thơm ngon, nặng ''đô'' nhưng không gây nhức đầu.

Rượu Phú Lễ là một loại rượu nổi tiếng của tỉnh Bến Tre có vị rượu nồng đậm, thơm ngon và nặng đô. Rượu Phú Lễ được sản xuất từ ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ tỉnh Bến Tre. Rượu Phú Lễ thơm ngon là nhờ men, nước giếng làng, nếp trồng trên chính vùng đất này và đặc biệt là nhờ ủ nếp trong những cái tỉn đã có hằng trăm năm.

8. Rượu Hồng Đào - Quảng Nam


Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,
Rượu Hồng Đào chưa nhắm đà say.

Rượu Hồng Đào được nấu từ nếp hương Bà Rén và gạo Gò Nổi, tất cả đều là nguyên liệu mới, thu hoạch không quá ba tháng. Men rượu là loại men đặc biệt tuyển chọn từ men lá cổ truyền trong đó Men Hồng Đào là men đặc trưng của rượu Hồng Đào. Ủ men trong các chum sành phải đúng sáu ngày rồi mới chưng cất.

9. Rượu Bàu Đá - Bình Định

Tên gọi của rượu là do được nấu chủ yếu từ làng Cù Lâm thuộc xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bàu Đá là tên của một bàu nước ngày xưa cả làng dùng chung, là nguồn nước để chưng cất rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá rất “nặng” (trên 50 độ) uống nhanh say nhưng say rồi không thấy mệt hay nhức đầu.

Về Bình Định mà chưa được thưởng thức món chim mía Tây Sơn; chim se sẻ, nem chợ huyện Tuy Phước nhâm nhi với chén rượu Bàu Đá coi như chưa về Bình Định. Rượu Bàu Đá thường được dùng trong những ngày giỗ chạp, lễ nghi, hội hè, đình đám, nhất là những ngày Tết cổ truyền.

10. Rượu Cần – Tây Nguyên

Rượu cần là cách gọi của người Việt đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số Việt Nam ủ men trong hũ/bình/ché/chóe/ghè, không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng các cần làm bằng tre/trúc đục thông lỗ để hút rượu. Ở Tây Nguyên đâu đâu cũng uống rượu cần. Rượu cần thơm, ngon, mát, bổ, kích thích tiêu hoá, lợi tiểu.

Rượu cần là thứ đồ uống quý thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và dành đãi khách.

11. Rượu Xuân Thạnh – Trà Vinh

Rượu Xuân Thạnh là một loại rượu nổi tiếng của Trà Vinh. Rượu Xuân Thạnh thuộc loại nặng, khoảng 60 độ, sủi tăm trong vắt, hương vị nồng nàn, hấp dẫn và không gây khó chịu nếu uống quá chén.

Rượu do một số gia đình trong cùng một dòng tộc tại ấp Xuân Thạnh xã Hòa Thuận, Châu Thành nắm giữ bí quyết chưng cất và được sản xuất rất cầu kỳ, từ gạo nếp mùa truyền thống cùng với 14 loại men viên và 48 dòng nấm mốc gia truyền có hoạt tính đường hóa cao. Đặc biệt rượu Xuân Thạnh mà dùng với món trâu luộc cơm mẻ thì rất thú vị.

12. Rượu đế Gò Đen - Long An

Rượu đế Gò Đen, thường được gọi tắt là Đế Gò Đen, là tên một loại rượu trắng nổi tiếng của Việt Nam. Đây là một loại rượu được nấu từ gạo, hoặc nếp mỡ, nếp than, theo phương pháp cổ truyền, sản xuất ở địa danh Gò Đen, Bến Lức, tỉnh Long An. Rượu đế Gò Đen có nồng độ cồn rất cao, có thể lên đến 50 độ cồn.

Rượu Đế Gò Đen ngày nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng và được người dân khắp nơi trong cả nước tin dùng: rượu nếp than, rượu nếp trắng, rượu chuối hột...

Du lịch, GO! - Theo YeuDuLich, internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc