Quan Tượng đài, ảnh chụp năm 1949 |
Quan Tượng đài có tông màu xám của gạch Bát Tràng nung già, sắc vàng sắc xanh của ngói lưu ly. Đó là một phần kết quả khai quật khảo cổ tháng 5.2012 của Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế.
“Có thể khẳng định đến thời điểm này, Quan Tượng đài là đài thiên văn cổ duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam”, ông Trịnh Nam Hải - người phụ trách khai quật khảo cổ tại di tích này, cho biết. Do đó, ngoài ý nghĩa giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học…, Quan Tượng đài còn có giá trị về mặt kiến trúc trong tổng thể kinh thành Huế. Đúng như tên gọi, Quan Tượng đài có nghĩa là đài cao dùng để quan sát, theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu, các hiện tượng thiên nhiên khác hay còn gọi là đài thiên văn của triều Nguyễn.
< Đường dẫn lên Quan Tượng Đài.
Sử chép, triều Nguyễn cho xây dựng Quan Tượng đài để cơ quan chuyên theo dõi thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch, xem ngày lành tháng tốt là Khâm Thiên giám sử dụng. Những thông tin từ Quan Tượng đài này được chuyển về Khâm Thiên giám xử lý kết quả dự báo thời tiết, làm lịch…
Điều này chứng minh sự quan tâm của triều đình nhà Nguyễn đối với đời sống xã hội, cuộc sống nhân dân lúc bấy giờ. Đến đầu thế kỷ 20, nhiệm vụ Quan Tượng đài không còn được phát huy nữa, nhưng bản thân di tích này vẫn mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa.
< Đài được đúc bằng đất, đá và gạch kiên cố.
Ý nghĩa là vậy, song Quan Tượng đài qua tư liệu ảnh chỉ còn mang hai sắc đen trắng. Nguồn tư liệu chính sử ghi chép về lịch sử xây dựng các hạng mục kiến trúc di tích, những lần tu bổ cũng rất chung chung.
Trong khi tư liệu thiếu thì sự tàn phá của chiến tranh, khí hậu thiên tai, của con người đã biến di tích thành phế tích hoang tàn. Theo báo cáo khai quật, toàn bộ các hạng mục kiến trúc trên mặt đất gần như bị hủy hoại toàn bộ, phần dưới mặt đất cũng bị xáo trộn.
Nền cũ Bát Tràng
< Những bậc cấp là đá thanh được khắc chữ Hán.
Theo các nhà khoa học, nền gốc của di tích đã bị xáo trộn sau thời gian dài phục vụ cho các mục đích khác nhau. Vì thế, đảm bảo việc giữ lại những mảng gạch Bát Tràng (nền gốc của di tích) họ phải bóc tách toàn bộ nền đền đài xuống khoảng 20 - 30 cm. Một số mảng bị dập vỡ do đạn pháo năm 1968. Điều dễ nhận thấy nhất là nền đài được gia cố khá chắc chắn bằng nhiều lớp đất dầm chặt. Tuy nhiên, khi lát gạch Bát Tràng, người ta vẫn lót thêm phía dưới một lớp vữa dày.
< Nền còn lại của đình Bát Phong - nơi các quan đứng để quan sát thiên văn.
Gạch Bát Tràng ở đây có màu xám đen, độ nung cao. “Đây có lẽ chính là nguyên nhân khiến nền gạch nung gần như sành này bị tháo dỡ. Theo người dân quanh di tích, những năm 80 thế kỷ trước, một số người đã gỡ loại gạch này về nấu thủy tinh thủ công”, ông Trịnh Nam Hải - người phụ trách khai quật, phỏng đoán.
Đình Bát Phong - nơi làm việc của nhân viên quan sát thiên văn có cấu trúc hình bát giác. Về cơ bản, móng của công trình này còn nguyên vẹn.
< Các khối đá để dựng cột đình.
Sự khác biệt rõ nét nhất của hệ thống các chân đá tảng ở đây so với các di tích khác ở Huế là ngoài việc khoét lỗ chân cột, người ta còn xẻ rãnh. Những rãnh này được phỏng đoán có tác dụng giúp bảo vệ hệ thống khung gỗ và mái ngói trước thời tiết khắc nghiệt.
Kết quả khai quật cho thấy hệ thống lỗ thoát nước dưới hệ thống lan can, xung quanh ba mặt tường của đài. Tuy nhiên, do cao hơn nền sân từ 12 - 14 cm, nếu có mưa lớn hệ thống thoát nước mặt này sẽ không giúp thoát nước nền đài. “Vấn đề đặt ra là nước trên nền đài sẽ thoát đi đâu khi có mưa lớn? Quan sát cho thấy nền đài xuôi dần về hướng đông bắc - hướng đường dẫn lên xuống. Vì thế, khi mưa lớn, nước mưa sẽ chảy theo hướng này”, ông Hải cho biết.
< Mảnh sành sứ còn sót lại của mái ngói đình.
Toàn bộ hệ thống lan can (tường bao quanh nền đài), cũng như lan can bậc cấp, đường dẫn lên xuống đài bị tháo dỡ toàn bộ. Tư liệu ảnh cho thấy hệ thống lan can xây kín khá đơn giản.
Món quà may mắn với các nhà khảo cổ là đường dẫn tới di tích đã xuất lộ trong điều kiện tốt nhất có thể. Toàn bộ hệ thống được sử dụng đá gan gà và được xếp ngay ngắn, hoàn toàn không dùng vữa liên kết. Một điều khá lý thú trên rất nhiều viên đá bậc cấp có ghi những ký tự Hán Nôm. Tổng số bậc cấp đếm được là 51, mỗi bậc cấp rộng 75 - 80 cm, cách nhau 10 cm.
Kiến nghị phục hồi
< Nền gạch Bát Tràng cổ.
Theo các nhà khảo cổ, sau khi Khâm Thiên giám chuyển chỗ năm 1918, Quan Tượng đài chỉ còn là nhân chứng lịch sử. Tư liệu lịch sử cho biết khoảng giữa năm 1914, Quan Tượng đài và đình Bát Phong vẫn còn nguyên vẹn. Những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, nhà nghiên cứu người Pháp L.Cadière vẫn miêu tả rõ công trình kiến trúc này hoàn chỉnh và ở mặt trước của đài còn gắn tấm biển đúc vôi vữa đề tên. Năm 1949, ảnh tư liệu hiện lưu giữ tại Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho thấy kiến trúc Quan Tượng đài vẫn còn khá tốt. Tuy nhiên, hiện trạng trước khai quật năm 2012 của di tích này rất đáng lo ngại.
Hệ thống bậc cấp bị cỏ dại và đất đá bao phủ, có chỗ dày tới 60 - 70 cm. Thông tin cho biết thậm chí bậc cấp còn được dùng làm điểm đỗ xe trong một thời gian dài. Vô số các phế thải, nhất là kim tiêm của các đối tượng nghiện cũng xuất hiện tại đây. Lan can bậc cấp bị tháo dỡ, chỉ còn lại duy nhất đoạn ngắn dài 4,83 m. Hai bên lề của bậc cấp nhiều đoạn bị đạn pháo làm hư hỏng nặng.
< Gạch cũng được đóng dấu của triều đình vua Nguyễn.
Chính vì thế, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế kiến nghị có kế hoạch bảo tồn kết quả khai quật, đồng thời triển khai ngay việc lập dự án phục hồi tu bổ Quan Tượng đài.
Các nhà khoa học cũng kiến nghị tôn trọng việc phục hồi nguyên gốc các hạng mục kiến trúc như đình Bát Phong, nền gạch Bát Tràng, hệ thống bậc cấp tường lan can, màu sắc… Đồng thời, đơn vị khai quật cũng đề nghị có kế hoạch giải tỏa ngay 2 hộ gia đình lấn chiếm di tích để đảm bảo cho việc phục hồi di tích thuận tiện. Mới đây, đầu tháng 11, việc trùng tu đã bắt đầu được thực hiện dựa trên những phát hiện khảo cổ này.
< Đài thiên văn cổ này nhìn ra sông Hương và hướng Nam kinh thành Huế. Những hiện tượng thời tiết thông thường như mưa, nắng, gió và các hiện tượng bất thường như hạn hán, lũ lụt đã được ghi nhận từ đây rồi báo cáo về cho vua nhằm có kế hoạch ứng phó trong triều đình và dân chúng.
Khởi công dự án tu bổ, phục hồi di tích Quan Tượng Đài
Ngày 30/10/2012, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp với Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ, phục hồi di tích Quan Tượng Đài.
Di tích Quan Tượng Đài tọa lạc trên pháo đài Nam Minh, phía tây nam Kinh thành Huế. Đây từng là nơi cơ quan Khâm Thiên Giám của triều Nguyễn đặt đài quan sát các hiện tượng thời tiết, dự báo khí tượng thủy văn cho triều đình. Trên đài này, vua Minh Mạng đã cho dựng đình Bát Phong năm 1827. Cuối thời Nguyễn, cùng với sự suy tàn của triều đại, hoạt động của cơ quan Khâm Thiên Giám bị thu hẹp và triệt giải dần.
Cho đến thời điểm hiện tại, Quan Tượng Đài chỉ còn là phế tích. Các hạng mục bảo tồn phục hồi gồm nền đài, đình Bát Phong, đường dẫn từ chân thành lên đài và hạ tầng kỹ thuật, trên phần diện tích 924 m2 của khu vực Quan Tượng Đài, với tổng kinh phí 3,799 tỷ đồng từ nguồn thu vé tham quan di tích của Trung tâm BTDTCĐ Huế. Dự kiến, tháng 8/2013 công trình sẽ hoàn tất.
Du lịch, GO! - Theo Thanhnien, BaoThuathiênhue, Dantri...
0 nhận xét:
Đăng nhận xét