Nói không ngoa, thì đây là cây si ngàn tuổi, lớn nhất thế giới. Diện tích bao phủ của nó phải tính bằng hàng chục ha, kín mấy thung lũng, trùm mấy quả núi. Trong chuyến vào khu ngập nước Tràng An (Ninh Bình) tìm hiểu về loài cá rô Tổng Trường và cá tràu tiến vua ở thung Thắm, tôi đã lạc vào một khu rừng nguyên sinh và được tận mắt một hiện tượng lạ, đó là một cụm si khổng lồ, bao trùm cả thung lũng, mấy quả núi.
Người Ninh Bình, ai cũng thuộc câu ca dao cổ: “Dập dìu cánh hạc chơi vơi/ Tiễn thuyền Vua Lý đang rời kinh đô/ Khi đi nhớ cậu cùng cô/ Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”. Loài cá tiến vua ấy nhiều người được nghe kể, nhưng không phải ai cũng biết, cũng được ăn.
Loài cá này hiện đang được một số cơ sở nuôi, nhân giống. Nhưng ngoài tự nhiên, chúng chỉ còn ở khu vực Tràng An, đặc biệt là ở thung Thắm, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt.
Chị lái đò chở tôi chui qua hàng loạt hang động, mất hơn giờ đồng hồ thì đến đền Trần. Đó là ngôi đền nhỏ ẩn trong vách đá thung sâu thuộc Quần thể di tích và danh thắng Tràng An. Người sống trong “tuyệt tình cốc” và trông nom, hương khói ngôi đền là ông Dương Đình Thanh.
Ông Thanh vốn quê ở xóm Đông (Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình). Vào những năm 70 của thế kỷ trước, ngày nào cũng vậy, ông cùng những thanh niên lớn tuổi hơn gồm ông Bai, Son, Khúc, Hòa, chèo thuyền vào thung Thắm cắm câu, đơm lươn, bắt cá. Đây là thung lũng xa nhất của khu ngập nước Tràng An.
Mấy chục năm gắn với thung Thắm bằng việc lặn ngụp mò cua bắt ốc, nên phần cuối cuộc đời, ông quyết vào đây ẩn dật, hương khói trông coi ngôi đền Trần.
Ông Thanh dẫn tôi đi sâu vào thung Thắm để tìm loài cá tiến vua. Tôi lang thang cả một buổi mà không hết thung lũng này. Thung Thắm thật kỳ lạ, như một vùng đất ngập nước ven biển, với hệ thống si chằng chịt mọc như kiểu sú vẹt.
Si không chỉ mọc kín thung lũng, mà tràn lên mấy quả núi, chạy lắt léo qua các thung khác trong một vùng rộng lớn, tạo thành một rừng si nguyên sinh khổng lồ.
Tôi ngạc nhiên không hiểu đây là giống si gì, thì ông Thanh bảo: “Đây không phải rừng si đâu, mà là một cây si đấy. Nói không ngoa, thì đây là cây si ngàn tuổi, lớn nhất thế giới. Diện tích bao phủ của nó phải tính bằng hàng chục héc-ta, kín mấy thung lũng, trùm mấy quả núi”.
Tôi tỏ ra ngạc nhiên, không hiểu, tưởng có ẩn ý gì, thì ông Thanh thách đố: “Tôi đố cậu tìm thấy cây si nào mọc riêng biệt ở thung Thắm này đấy? Mặc dù có nhiều rễ, nhiều gốc, nhiều nhánh, nhưng tất cả chúng đều dính liền với nhau. Gốc nọ dính liền với gốc kia, mọc nhánh, lan ra như mạng nhện khổng lồ, dài hàng km, nên vẫn chỉ là một cây mà thôi”.
Chuyện si, sanh buông những chiếc rễ nhỏ như chiếc tăm, rồi cái rễ đó lớn lên thành gốc cây khổng lồ, đâm nhánh, nảy thân không có gì lạ. Nhưng một thân mà lan ra trùm kín cả thung lũng, trùm mấy quả núi thì thực là một chuyện kỳ lạ chưa từng thấy trên thế giới, chứ không nói gì ở Việt Nam.
Để lý giải chuyện này, ông Thanh dẫn tôi lên đền Trần. Đó là ngôi đền nhỏ, xây dựng bằng đá, nằm dưới chân một mái đá cao vòi vọi. Đền thờ Thánh Minh Đại Vương, tên húy Nguyễn Hiển, em song sinh của Nguyễn Sùng và là em con chú của Sơn Tinh.
Ngôi đền được xây dựng từ thời Đinh, gọi là đền Hiềm (trấn phía Nam). Tuy nhiên, đến thời Trần, vua Trần Cảnh ngang qua đây, đã đổi tên đền Tứ Trấn thành đền Trần và tên đó tồn tại đến ngày nay.
Ông Thanh đứng bên mép đền, chỉ tay khắp thung Thắm. Ông kể rằng, theo truyền thuyết ghi trên bia đá, thì tại thung lũng này, từng diễn ra vụ thảm sát khủng khiếp 1.000 năm trước.
Tướng Phạm Bạch Hổ, người trung thành với nhà Đinh, đã đem 1.000 quân vào thung lũng này ẩn náu. Ông lấy thung Thắm làm căn cứ rèn quân, khôi phục binh mã, tính chuyện đánh bại Lê Hoàn, giành lại quyền bính cho nhà Đinh.
Lê Hoàn đã đem quân bao vây thung lũng này. Tại đây đã xảy ra hàng loạt cuộc xung đột đẫm máu. Rừng sâu, lương mỏng, quân yếu nên tướng Phạm Bạch Hổ cùng 1.000 quân sĩ đã thiệt mạng. Máu chảy ngập thung lũng, nên từ đó, vụng nước này được gọi là Vũng Thắm (vũng máu). Sau thì gọi là thung Thắm.
Câu chuyện này chỉ là truyền thuyết, được ghi lại ở đền Trần. Chuyện nhà Lê tiêu diệt quân tướng Phạm Bạch Hổ không thấy nhắc đến trong chính sử. Chính sử chép rằng, Phạm Bạch Hổ là tướng quân gắn với cả 3 triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê.
Theo thông tin trên bia đá, sau vụ tàn sát đó, ngôi đền Hiềm, còn gọi là Tứ Trấn, được đổi tên thành đền Thắm. Trần Cảnh ngang qua, mới đổi tên thành đền Trần. Bia đá trong đền cũng ghi rằng, sau khi chôn cất 1.000 binh sĩ, nhân dân đã trồng trên mỗi nấm mồ một cây si.
Bia đá chỉ ghi vậy, nhưng lạ lùng thay, những cây si do nhân dân trồng trên 1.000 nấm mồ đã mọc lan rộng, dính chặt vào nhau, thành một khối liền như mạng nhện. Cứ theo truyền thuyết, thì hệ thống gốc si này đã có tuổi một thiên niên kỷ.
Những ngày sống ở “tuyệt tình cốc”, rỗi rãi, nên ông Thanh đã thử đi hết thung Thắm để xem mạng lưới si này thế nào. Tuy nhiên, ông đi cả ngày mà không tìm được gốc si tách biệt. Toàn bộ hệ thống si trong thung Thắm đều liên kết với nhau thành một khối.
Điều đó có nghĩa, gốc si liền khối này bao trùm một diện tích ít nhất 54 ha của thung Thắm. Điều lạ lùng không kém, là những gốc si này đều rất nhỏ, chứ không có những gốc lớn vài người ôm như thường thấy ở những cây si ngàn tuổi.
Liệu huyền thoại về 1.000 cây si được trồng trên 1.000 nấm mồ có liên quan đến rừng si nguyên sinh này hay không? Đây là loại si gì mà cây nhỏ, liên kết với nhau như mạng nhện trên một diện tích khổng lồ? Đây là những thông tin lý thú chờ sự giải thích của các nhà khoa học.
Du lịch, GO! - Theo Thụy Bình (VTC)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét