Tôi đã từng đi dọc biển Việt Nam, từ Bắc vào Nam qua bao nhiêu bãi biển đẹp, nhưng vẫn ngỡ ngàng đến sửng sốt trước vẻ đẹp của bãi Ôm, thuộc Vũng La nằm trong khu vực vịnh Xuân Đài. Bãi biển nằm giữa hai ngọn núi nhô ra biển, cong như vầng trăng khuyết, bãi tắm thoai thoải cát mịn nước trong veo. Biển còn hoang sơ nên vô cùng quyến rũ.
Sơn thủy hữu tình
Từ thành phố biển Quy Nhơn theo quốc lộ 1D (đường Quy Nhơn -Sông Cầu), con đường uốn lượn quanh co, đi qua những triền núi lên dốc xuống đèo ôm sát những bãi biển hoang sơ. Trước đây, nơi này là vùng sâu, vùng xa dù chỉ cách Thành phố Quy Nhơn vài km.
Mười năm nay, nhờ có con đường phẳng lì đẹp như tranh vẽ nên vùng đất này đã thay da đổi thịt. Qua Ghềnh Ráng, dọc đường nhiều khu du lịch như Bãi Xép, Bãi Dại, Bãi Dài, Bãi Bàng, Bãi Bàu... nép mình bên bờ biển đẹp mơ màng.
Tuyến đường này dài 27 km bắt đầu từ Ghềnh Ráng kết thúc là cầu Bình Phú gặp quốc lộ 1A. Chỗ này trước đây nổi tiếng là "ngã ba sung sướng". Bây giờ, khu vực này thoáng đãng dưới chân cầu nhiều nhà nổi bán ốc, ghẹ, cua, tôm. Đặc biệt ở đây, ghẹ Cù Mông thịt chắc thơm ngon nổi tiếng. Dọc đường chỉ bán độc một mặt hàng cá ngựa còn gọi là hải mã, được xem như đặc sản nơi này.
Cảnh quan đặc trưng suốt đọan đường này là những biển quảng cáo cá ngựa sống to đùng, đồng loạt tiến ra tới sát đường quốc lộ 1A như sợ khách nhìn không rõ. Tò mò, chúng tôi ghé chơi. Ấn tượng đập vào mắt là những kệ đựng rượu xếp ngay ngắn, những bể kính sục ôxy. Cá ngựa có nhiều loại cá ngựa to, nhỏ, nhiều màu sắc, cá ngựa vàng, trắng, đen…
Bà Lê Thị Hai, 62 tuổi, chủ quán, có kinh nghiệm bán loại đặc sản này hàng chục năm nay, cho biết loại nào cũng làm thuốc nhưng cá ngựa vàng (đại hải mã) quý hiếm nên giá có cao hơn. Tùy túi tiền nặng nhẹ, muốn mua loại nào cũng có, cá ngựa ngâm trong các hũ đựng rượu lớn, bé, cá ngựa đông lạnh, cá ngựạ khô… những loại này giá mềm hơn cá ngựa sống tung tăng bơi lội trong bể kính.
Con đường "cá ngựa" dài khoảng 3km từ Cầu Bình Phú về phía Nam tập trung ở xã Xuân Cảnh. Cứ nhìn những cửa hàng bán cá ngựa san sát có thể nói đây là khu vực mua bán cá ngựa nhiều nhất đất nước trên con đường Thiên lý Bắc - Nam. Cá ngựa chủ yếu để làm thuốc, hiệu quả thế nào không biết, nhưng theo lời bà Hai chủ quán, con cá này làm cho "ông vui, bà vui", được nhiều người ưa chuộng nên bán rất chạy. Một số người vui vẻ mua một vài hũ rượu ngâm cá ngựa để… thể hiện "bản lĩnh đàn ông" trong mấy ngày Tết; một số người mua đôi cặp cá ngựa khô làm quà… Nói chung, họ có một ngàn lẻ một lý do vừa nói vui, vừa nói thật để mua món đặc này này.
"Vũng" nào cũng thương
Dọc đường Quốc lộ 1A ven biển khu vực tỉnh Phú Yên đèo dốc liên tục “Một đèo, một đèo lại một đèo". Đi từ hướng Thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định về phía Nam, vượt qua đèo Nhà Ngòi, đến đèo Nại gặp một nhánh của núi Trường Sơn Nam vắt qua Quốc lộ 1A, chạy uốn khúc ra biển là tạo thành những vũng lớn, nhỏ tuyệt đẹp. Tại Quốc lộ 1A ở khoảng km 1260 cách trung tâm thị xã Sông Cầu 5km về phía Nam là đường vào Vũng La thuộc xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, nằm trong vịnh Xuân Đài.
Vịnh Xuân Đài cách trung tâm Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên gần 50km về phía Bắc. Nơi đã từng ghi dấu những trận thủy chiến lẫy lừng của người anh hùng áo vải Quang Trung. Nhìn từ trên cao Vịnh Xuân Đài hình vòng cung. Núi biển quấn quít với nhau. Núi chạy ra biển, biển ăn sâu vào đất liền tạo nên nhiều vũng vịnh kín gió như Vũng La, vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Chào… với những bãi tắm quyến rũ.
Thị xã Sông Cầu gồm 4 phường và 10 xã, trong đó xã Xuân Phương có bờ biển đẹp nhất nằm trọn trong vịnh Xuân Đài, phía dưới của chân núi cổ ngựa. Bờ biển uốn lượn chỗ nhô ra chỗ lõm vào, tạo thành nhiều vũng với những bãi tắm hoang sơ từ lâu đã đi vào những câu ca dao:
Vũng Dông, Vũng Mắm, Vũng Chào
Vũng La, Vũng Sứ Vũng nào cũng thương
Đường vào Vũng La cách quốc lộ 1A 14 km, chạy dọc ven biển sát núi, đi qua những làng biển yên bình, những rặng dừa bát ngát. Chúng tôi được tận mắt ngắm làng chài xã Xuân Phương, nằm sát bờ biển, gặp người dân mặt mày rám nắng đang chuẩn bị cho cái Tết đầm ấm, như sửa chữa, trang hoàng nhà cửa với những bức tranh gà, tranh cá chép màu sắc tươi vui được mua từ chợ. Trên đường làng có nhiều lồng nuôi tôm hùm bằng sắt trông rất kiên cố đang làm dở dang.
Đường đang làm, nhiều đoạn bụi mù gập ghềnh. Một số cây Mai dại ven đường đã nảy lộc. Vài cây đã lác đác nụ hoa vàng như hối thúc xuân về. Con đường uốn lượn ngoằn ngoèo, biển một bên thăm thẳm và núi một bên, chỗ nào cũng đẹp, nhìn xuống biển thấy tàu cá san sát, nhiều khúc cua tay áo như thách thức. Nhiều đoạn đường quanh co, dốc đứng xe leo lên như muốn tụt xuống, ổ voi, ổ gà dày đặc, có đoạn xe đi không được dắt không xong. Chạy xe đường này phải tập trung căng thẳng có lúc… nín thở, vì chỉ sơ hở tích tắc là xe lao thẳng xuống vực.
Thiên nhiên hoang sơ, biển đẹp sóng êm
Vượt qua đoạn đường 14 km đầy thử thách, cuối cùng chúng tôi đến được bãi Ôm thuộc Vũng La nằm trong khu vực vịnh Xuân Đài. Khu vực này không nhà cửa, hàng quán. Chuẩn bị đón chờ mùa Xuân mới, trời trong xanh, nắng, gió và bãi cát mênh mông. Nhìn thấy bãi tắm thoai thoải cát mịn nước trong mọi người ồ lên thích thú, làm vơi đi nỗi mệt nhọc sau khi chinh phục con đường đau khổ. Rất thú vị ở đây, dừa mọc tự nhiên rất nhiều. Những hàng dừa oằn mình hiên ngang chống chọi với gió bão nên cây thấp tán rộng. Dừa bạt ngàn nên tự do thưởng thức, chúng tôi mặc sức hít thở khí trời trong lành.
Nhóm chúng tôi trai thì chặt lá dừa trải làm chiếu, gái lúi húi nhóm lửa nướng cá mực mới mua ở làng chài. Dưới bóng dừa mát rượi, món tôm hấp nước dừa ngọt thanh chấm muối tiêu chanh, cua hấp, mực nướng thơm phức... Chúng tôi vừa nhâm nhi tận hưởng hương vị quê hương, vừa ngồi ngắm trời yên biển lặng, nhìn ra xa biển mênh mông một màu xanh ngăn ngắt. Đúng là có đi mới thấy đất nước mình đẹp nhường nào.
Tôi đã từng đi dọc biển từ Bắc vào Nam qua bao nhiêu bãi biển đẹp nhưng vẫn ngỡ ngàng đến sửng sốt trước vẻ đẹp của bãi Ôm. Bãi biển nằm giữa hai ngọn núi nhô ra biển, được núi bao bọc nên lặng sóng. Bãi tắm cong như vầng trăng khuyết, ôm lấy bãi cát trắng phau, dân địa phương gọi đấy là bãi Ôm, thuộc Vũng La nằm trong khu vực vịnh Xuân Đài.
Những ngày này, bà con đang tất bật lo Tết, nên bãi biển rộng mênh mông, chỉ có nhóm chúng tôi vẫy vùng. Bãi tắm vắng vẻ hoang sơ, thoai thoải nước trong veo, cát mịn. Chúng tôi ngất ngây trước màu xanh của biển, màu vàng của nắng và màu trắng tinh khôi của cát. Mọi người háo hức xuống tắm, không ngờ biển ở đây sạch và trong xanh đến thế. Tắm táp thoải mái, ăn uống no nê chúng lăn ra ngủ ngon lành trong tiếng xào xạc của lá dừa, tiếng rì rào sóng vỗ.
Khi những tia nắng cuối ngày đã tắt, chúng tôi ngẩn ngơ ra về, chia tay bãi Ôm quyến rũ. Trên đường ghé xóm chài nghỉ ngơi uống nước mía. Chị Ngân chủ quán mừng rỡ, tất bật đập đá, quay nước mía, làm luôn tay mà không kịp, mồ hôi nhễ nhại nhưng chị cười nói tíu tít. Đang mệt uống thứ nước mía nguyên chất khỏe hẳn, mỗi người uống vài ly, uống thoải mái mà tiền chẳng đáng bao nhiêu so với chi tiêu ở thành phố.
Trong câu chuyện với chúng tôi, mắt chị buồn rười rượi, giọng nằng nặng của người xứ Nẫu, chị bảo: «chu cha, làm chi có khách du lịch tới đây, lâu lắm mới gặp người lạ». Rồi đây, vài năm nữa, con đường vào bãi Ôm hoàn thành, mở ra tương lai xán lạn cho những làng chài ven biển, chắc hắn biển Vũng La sẽ là sự lựa chọn hàng đầu cho những ai thích điểm du lịch mới lạ, nhất là những ngày hè, hoặc muốn tránh chốn phồn hoa khi những ngày Xuân về Tết đến.
Nhìn về tương lai
Tỉnh Phú Yên và Bình Định chung một con đường Quy Nhơn - Sông Cầu đẹp như mơ. Gần Vũng La là Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng, Đầm Cù Mông... Nếu biết liên kết tài nguyên du lịch sẽ có những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Vùng này, thế mạnh là biển đẹp sóng êm, nên du lịch biển đảo cần được ưu tiên phát triển hàng đầu. Nên xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá biển đảo, thưởng thức hải sản kết hợp tìm hiểu đặc sản vùng miền.
Xứ Nẫu có nhiều cảnh đẹp trời cho, nhiều sản vật trên rừng dưới biển, con người chất phác, hồn hậu nhưng vẫn mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam. Làm thế nào để khai thác những lợi thế tài nguyên du lịch của vùng đất này, xây dựng được sản phẩm du lịch đặc sắc, thu khách du khách thập phương… Đó là câu hỏi không dễ, nhưng tôi tin người dân nơi đây thừa tài trí để đánh thức tiềm lực của rừng, của biển quê hương.
Du lịch, GO! - Trích Tạp Chí Du Lịch, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét