“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…” - Câu ca dao nói về những địa danh của xứ Lạng Sơn, nơi gần chốn quan ải, xa nơi phồn hoa đô hội của kinh thành Thăng Long tráng lệ.
< Con đường dẫn vào làng đá Thạch Khuyên đẹp như một bức tranh thủy mặc.
Ấy là thủa xa xưa, giờ đây miền biên ải một thời ấy đã tấp nập, nhộn nhịp hơn nhiều bởi là nơi giao thương quốc tế với hai cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam. Để tìm về với xứ Lạng thời còn xa xưa, một di chỉ vẫn còn sót lại: Làng đá Thạch Khuyên (xã Xuất Lễ - Cao Lộc - Lạng Sơn).
< Lối nhỏ nên thơ dẫn chúng tôi vào khung cảnh hữu tình của làng đá Thạch Khuyên.
Cảm nhận lần đầu tiên khi dừng bước tại làng đá Thạch Khuyên là chìm trong một không gian của đá. Đá lát rải làm đường, đá làm tường rào, đá kè bờ ao, đá chèn bờ ruộng. Đá ôm nhà, ôm người, ôm cây, ôm cỏ ở nơi đây... Và tôi tự hứa với lòng, sẽ trở lại. Và lần này, ngược phố núi Lạng Sơn, chúng tôi dừng lại tại làng đá - xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
< Nhà có sân trong vừa có công năng ăn ở vừa có sự ấm cúng thân thuộc.
Cơn mưa chiều mùa hạ không đủ xoa dịu cái nắng oi nồng của ngày hè càng trở nên “nực” hơn khi vượt đoạn đường chỉ chưa đầy 30 cây số từ trung tâm thành phố Lạng Sơn về ngôi làng đá. Chúng tôi phải gửi xe từ rất xa, cuốc bộ trên con đường đá lởm chởm, trơn trượt, mốc thếch để dò dẫm vào làng. Chính đá trong làng đã làm tan biến cái nóng vốn vẫn bám riết chúng tôi suốt chặng đường.
< Con người, cảnh vật nơi đây tạo nên bức tranh thật bình dị.
Cuộc sống ồn ào chốn phồn hoa chưa len vào được nơi đây. Một không gian yên tĩnh, lặng lẽ, trầm mặc ngự trị chốn làng đá này. Cuộc sống nơi đây rất chậm, hiếm hoi lắm mới thấy có một chiếc xe máy chạy từ trong làng ngược qua. Nếu chú ý có thể nghe thấy cả tiếng mõ trâu “lộc cốc, lộc cộc” từ đàn trâu đang gặm cỏ ở mảng đồi trống phía dưới.
Cuốc bộ nửa tiếng đồng hồ trên con đường dẫn vào làng đá mới thấy thấp thoáng vài mái nhà mà người dân nơi đây gọi là nhà “trình tường”.
< Mái ngói âm dương cũ kỹ của những ngôi nhà trình tường là nét đặc trưng tại làng đá Thạch Khuyên.
Nhìn từ xa dường như những ngôi nhà này bị “vùi” vào trong đá. Nhưng thực tế các bức tường đá bao lấy chúng như mảnh giáp bảo vệ. Cái tên “trình tường” bắt nguồn từ sự sáng tạo của người dân nơi đây khi sinh ra từ trong gian khó. Vì giao thông chưa thuận tiện, khí hậu khắc nghiệt nên rất khó có thể xây nhà bằng những vật liệu thông dụng như dưới xuôi.
< Đá chất quanh nhà.
Chính vì thế, để “biến thiên khắc thành thuận thiên” (bắt thiên nhiên phục vụ mình), người dân nơi đây đã lấy bùn đất trộn với rơm mới nhào nặn đến khi cả rơm và bùn đã quyện kỹ với nhau tạo thành một thứ hồ “đặc chủng”, sau đó mới đắp lên những tấm phên được làm từ tre, luồng đan chéo đã được dựng sẵn. Để cất được một ngôi nhà như thế, chủ nhà phải mất vài tháng trời là nhanh, nếu được sự giúp sức của những người làng xóm, láng giềng. Nhà trình tường nơi làng đá Thạch Khuyên có đặc điểm rất mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Ngoài ra, khi bước chân vào trong nhà, nếu ai tinh ý sẽ nhận thấy mùi thơm thoang thoảng của hương lúa ngày mùa, cộng với mùi ngai ngái của vị bùn tạo cảm giác thân thương, ấm áp.
< Hàng rào đá chỉ mang tính ước lệ, làm nên nét duyên cho những con đường làng.
Cụ ông Châu Văn Muôn đã sống tại làng đá này gần cả đời người kể: Thạch Khuyên xưa nhiều đá lắm, mà cũng chẳng biết có tự bao giờ. Khi tôi sinh ra, làng đã có đá rồi. Chúng tôi sinh ra đã gần đá, lớn lên chơi gần đá, đùa với đá, ngủ trên đá. Theo quan niệm của các cụ xưa kể lại, đá tượng trưng cho tình mẹ bao dung, ấm áp, nuôi dưỡng những đàn con khôn lớn, phổng phao...
Cụ Muôn cũng kể: Do những bức tường chỉ ngăn được gió, mưa nhỏ nên khi có mưa to, gió lớn, lốc xoáy thì dễ bị xô đổ nên các cụ đã nghĩ ra cách dùng những viên đá xếp thành những bức tường để chắn gió, chắn mưa. Rồi cứ người nọ truyền người kia, nhà nọ truyền nhà kia, đời này qua đời khác, làng Thạch Khuyên trở thành làng đá từ đó. Ngoài ra những bức thành đá này còn chống thú dữ. Trong chiến tranh loạn lạc chúng thực sự trở thành những chiến lũy giữ làng, giữ nhà.
Lang thang trong làng, trèo lên con dốc cao nhìn xuống, những bức tường đá uy nghi, trầm mặc mới thấy hết sự tinh diệu những người sáng chế ra chúng.
Làng đá Thạch Khuyên nhìn từ trên cao với những bức lũy vừa thâm u, bí ẩn, vừa có cảm giác giống như một trận đồ bát quái trong tư duy một nhà quân sự. Những tảng đá vô tri, vô giác đang sống cùng Thạch Khuyên, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tạo hóa nhưng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.
Có thể thấy ở nơi đây người dân không phải vô tình dùng đá như một thứ vật liệu thay thế trong cuộc sống mà cao hơn nữa là biến thứ đá vô tri vô giác kia, xếp đặt nó, biến nó trở thành một màn phong thủy, trở thành đá “trấn yểm” bảo vệ cuộc sống, sức khỏe của dân làng. Có một điều thật hiện hữu, người dân trong làng đá Thạch Khuyên này rất khỏe mạnh, ít đau yếu, hầu như không mắc chứng bệnh nan y gì và tuổi thọ rất cao. Những người đắc thọ không phải là hiếm ở làng đá này. Như cụ Muôn, ở cái tuổi 86, cụ vẫn phăm phăm với ruộng đồng với vườn cây, ao cá... thì quả là điều đáng quý.
Trở lại Thạch Khuyên lần này, chúng tôi mang trong mình nỗi buồn man mác khi ra về. Buồn bởi nỗi chia tay những con người chân chất nơi đây đã đành, cái vấn vương lớn vẫn là chuyện những hàng rào đá, những bức tường đá, rồi con đường đá đang dần bị mai một. Nhà người dân bây giờ được thiết kế khá hiện đại, vật liệu là gạch vữa, xi măng. Đá bị mang đi xây hồ, bị mang đi làm đường... Liệu một mai, Thạch Khuyên có còn tên gọi... làng đá?!
Du lịch, GO! - Theo Tuấn Anh (Suckhoedoisong), internet
Tuyệt đẹp “làng đá” Thạch Khuyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét