Đèo Cả là một trong những ngọn đèo hiểm trở nhất nước, là nỗi ngán ngại của bất cứ tài xế nào. Trong tương lai gần, cảm giác “đi mây về gió” sẽ không còn khi đường hầm xuyên qua lòng núi hoàn tất.
< Đèo Cả.
Ngày 18.11, Bộ GTVT và Công ty CP đầu tư Đèo Cả đã tổ chức lễ khởi công dự án hầm đường bộ đèo Cả đi qua 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa. Dự kiến đến năm 2016, công trình sẽ được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Thời gian khai thác để hoàn vốn là 28 năm (2016-2044).
Dự án có chiều dài toàn tuyến 13,4 km, trong đó hầm đèo Cả dài 3,9 km, hầm Cổ Mã dài 500 m và đường dẫn cầu dài 9 km. Điểm khởi đầu tại Km 1353+500 QL1A thuộc thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân, H.Đông Hòa (Phú Yên) và điểm cuối tại Km 1374+525 QL1A thuộc thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ, H.Vạn Ninh (Khánh Hòa). Hầm đường bộ đèo Cả được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997 với tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Rút ngắn một nửa đoạn đường
Theo Bộ GTVT, tuyến giao thông huyết mạch QL1A qua đèo Cả có địa hình núi cao hiểm trở, nhiều cua gấp gây nguy cơ mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến, nhất là các xe tải nặng, xe siêu trường, siêu trọng. Khu vực này cũng thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông do đất đá trên đèo bị sụt lở. Vì vậy việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác của QL1A.
Theo tính toán, khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giúp các phương tiện qua lại trên QL1A đoạn qua đèo Cả sẽ rút ngắn một nửa quãng đường đi, thời gian qua đèo chỉ bằng 1/4 trước đây, giảm thiểu các chi phí hao mòn hư hỏng. Mỗi năm sẽ tiết kiệm được gần 10 triệu USD. Dự án hầm đường bộ đèo Cả còn đóng vai trò đảm bảo giao thông thuận lợi giữa miền Trung và khu vực phía nam; kết nối 2 khu kinh tế trọng điểm là Khu kinh tế nam Phú Yên (Phú Yên) và Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa).
Đây là bàn đạp thúc đẩy các hoạt động công nghiệp, thương mại, du lịch không chỉ 2 tỉnh có dự án này mà còn cho cả khu vực miền Trung - Tây nguyên. GS-TS Trần Chủng, cố vấn dự án hầm đường bộ đèo Cả, cho biết: “Hầm đường bộ đèo Cả được xây dựng sẽ xóa được điểm đen về ách tắc, mất an toàn giao thông lớn nhất trên QL1A và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội đối với khu vực và cả nước”.
Hai đường hầm song song
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Cả được Bộ GTVT phê duyệt đầu năm 2012 theo hình thức BOT và BT với tổng vốn đầu tư là 15.603 tỉ đồng, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư Đèo Cả. Trong đó, kinh phí xây dựng hầm đèo Cả (đầu tư theo hình thức BOT) là 10.555 tỉ đồng, kinh phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn và cầu trên tuyến (phần BT) 4.509 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư 539 tỉ đồng (phần vốn ngân sách nhà nước).
Chủ đầu tư dự án là Công ty CP đầu tư Đèo Cả, được thành lập bởi liên doanh các nhà đầu tư gồm: Tổng công ty xây dựng Hà Nội; Công ty CP Tập đoàn Mai Linh Nam Trung bộ - Tây nguyên; Công ty CP đầu tư Hải Thạch BOT; Công ty CP Á Châu. Tư vấn lập dự án: Liên danh tư vấn Egis Becoem International và Công ty CP tư vấn xây dựng Hoàng Long.
Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả, cho biết: “Vốn đầu tư BOT sẽ do nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vay để thực hiện và thu hồi vốn thông qua việc thu phí phương tiện qua hầm. Đối với vốn BT, nhà đầu tư huy động bằng nguồn vốn vay và sẽ được ngân sách nhà nước trả chậm.
Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư được thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước”. Cụ thể, khu tái định cư phía Phú Yên sẽ được xây dựng với kinh phí khoảng 120 tỉ đồng trên 8,5 ha, phục vụ cho 156 hộ dân bị ảnh hưởng. Ở Khánh Hòa, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu tái định cư số 2 tại xã Đại Lãnh, H.Vạn Ninh. Ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Đèo Cả, cho biết: “Dự án không đơn thuần là phát triển giao thông mà còn là công trình phục vụ phát triển kinh tế vùng và liên vùng. Hoạt động của người dân vẫn phải được đảm bảo trong thời gian thi công”.
Ông Lê Văn Trúc - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng ban Chỉ đạo dự án - nói: “Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án hầm đường bộ đèo Cả, nhất là trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước đang gặp khó khăn như hiện nay. Quan điểm chung của UBND hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ban chỉ đạo dự án là tạo mọi điều kiện thuận lợi, đôn đốc triển khai quyết liệt các phần việc liên quan để chủ đầu tư sớm khởi công dự án và thi công các tiểu dự án thành phần đúng tiến độ”.
Theo GS-TS Trần Chủng, đối với hầm đường bộ đèo Cả, lúc đầu, đơn vị tư vấn cũng lựa chọn phương án tương tự như hầm Hải Vân gồm 1 hầm chính giao thông 2 chiều và 1 hầm thoát hiểm. Việc xây dựng đường hầm số 2 sẽ thực hiện sau 20 đến 30 năm, sau khi lưu lượng xe tăng cao tới mức giới hạn. Phương án này có ưu điểm là thời gian thi công ngắn hơn và chi phí ban đầu thấp hơn.
Nhưng khi so sánh các thông số kỹ thuật, kinh tế, an toàn giao thông và cân nhắc tới nhiệm vụ của hầm đèo Cả là một phần của tuyến đường cao tốc bắc - nam, cần phải thiết kế với vận tốc xe chạy 80 km/giờ, nên hầm đèo Cả đã được quyết định xây dựng đồng thời 2 đường hầm, mỗi đường hầm 2 làn xe giao thông cùng hướng. Giao thông 1 chiều với một đường hầm tạo nên 1 dòng không khí theo hướng giao thông.
Vì vậy, chỉ cần 1 hệ thống thông gió đơn giản làm tăng lưu lượng gió là đủ thông gió và vệ sinh trong hầm.
Do vận hành theo 1 chiều trong một hầm nên sẽ giảm được tai nạn giao thông. Nhược điểm của phương án này là vốn đầu tư ban đầu cao hơn phương án như hầm Hải Vân, nhưng tính tới khi phải làm 2 hầm thì tổng kinh phí vẫn rẻ hơn và đặc biệt chi phí bảo trì đường hầm có 1 chiều lưu thông thấp hơn 50% so với đường hầm có 2 chiều lưu thông.
Du lịch, GO! - Theo Đức Huy (Thanhnien)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét